Hơn 50 năm làm vợ chồng, ông bà vẫn chưa một lần cãi vã, tình cảm lúc nào cũng vẹn nguyên như thuở ban đầu. Đó là cặp vợ chồng bà Trần Thị Yến (SN 1937) và ông Vũ Chiểu (SN 1927). Ông bà hiện sống ở phường Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội.
Vợ chồng bà Nguyễn Thị Yến - Vũ Chiểu chụp cùng con gái cả năm 1960. Ảnh: NVCC |
Bà Yến kể, bà sinh ra và lớn lên ở ngõ Phất Lộc thuộc khu vực phố cổ Hà Nội, trong gia đình buôn bán vải và cau trên chợ Đồng Xuân. Ngay từ nhỏ bà đã được cha mẹ dạy dỗ khắt khe theo lối sống chuẩn mực của người Hà Nội.
Năm 17 tuổi, bà có nhan sắc nổi bật, được nhiều chàng trai chú ý. Thấy bà đẹp người đẹp nết, gia đình khá giả gần nhà đánh tiếng dạm hỏi bà cho con trai họ. Bà Yến không ưng cuộc hôn nhân sắp đặt đó, kiên quyết từ chối nhưng cha mẹ bà vẫn nhận lễ của người ta.
Nhan sắc của bà Yến năm 1960. Ảnh: NVCC |
“Thời đó dạm ngõ là lễ rất quan trọng, làm không khác lễ ăn hỏi hiện nay. Tức là nhà trai chuẩn bị mâm trầu cau và một đoàn đại diện rất trang trọng đến thưa chuyện trăm năm cho các con” - bà Yến chậm rãi kể lại.
Thế nhưng khi hai gia đình chưa kịp tổ chức hôn lễ thì bà bất ngờ đăng ký đi công nhân. Thời gian này, bà gặp gỡ và quen biết ông Vũ Chiểu - một bác sĩ. Ban đầu giữa ông bà là tình đồng chí, nhưng sau nhiều lần gặp gỡ, ông Chiểu dần nảy sinh tình cảm với cô thiếu nữ Hà Nội.
Bà Yến dù nhận ra tấm chân tình đó nhưng còn vướng bận chuyện trầu cau ở nhà nên bà từ chối ông.
Tâm sự về chuyện tình yêu của mình, bà Trần Thị Yến cho biết, ngày trẻ ông Chiểu là người chững chạc, nghiêm khắc, tuy gia cảnh nghèo nhưng rất nề nếp.
Vẻ đẹp mộc mạc với khăn chít mỏ quạ của bà Yến. Ảnh: NVCC |
Suốt một thời gian dài, bà và ông vẫn giữ những tình cảm đẹp đẽ trong lòng. Một ngày, bà được người thân báo tin, vị hôn phu của bà không chờ đợi được nên đã đi lấy vợ.
Lúc này, ông Chiểu một lần nữa ngỏ lời với bà và được chấp thuận. Nhưng chuyện tình cảm của ông bà gặp không ít sóng gió khi bị cha mẹ bà phản đối.
Bà Nguyễn Thị Yến nói: "Cuộc sống hôn nhân phải biết nhường nhịn, chia sẻ, như vậy mới giữ được hạnh phúc". Ảnh: Nhật Linh |
“Ông nhà tôi cũng là người Hà Nội nhưng nói chuyện không được khéo léo. Bố mẹ tôi lại rất trọng vấn đề ăn nói. Bên cạnh đó, các cụ vẫn còn giận tôi vì chuyện hôn ước cũ nên kiên quyết phản đối chúng tôi đến với nhau” - Bà Yến tâm sự.
Ban đầu bố mẹ bà không cho phép làm đám cưới. Ông bà phải nhờ thủ trưởng cơ quan đến thuyết phục. Mặc dù cất công đến nhiều lần nhưng hai cụ vẫn kiên định với ý kiến của mình.
Đến lúc thấy đồng chí “dân vận” qua nhà nhiều, bố mẹ bà Yến đành phải nhượng bộ. Nhưng ông bà nói sẽ không dự đám cưới, nhờ đại diện cơ quan tổ chức giúp.
Lễ cưới của hai ông bà diễn ra tại một phòng cưới - (hội trường cưới ngày nay) ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội như bao đám cưới đương thời với phông bạt in hình đôi chim bồ câu, khẩu hiệu “Vui duyên mới không quên nhiệm vụ” và ít bánh kẹo.
Cô dâu có khuôn mặt xinh đẹp, mặc bộ áo dài nhung đỏ, tóc vấn cao đi bên cạnh chú rể điển trai. Ông Chiểu còn chu đáo thuê một phòng nghỉ làm phòng tân hôn.
Ai cũng vui mừng chúc phúc cho đôi vợ chồng trẻ nhưng lúc đó, trong lòng bà Yến vẫn nặng trĩu nỗi buồn khi ngày vui vắng mặt người thân...
Lấy vợ xong, ông Chiểu được phân về Hải Phòng công tác còn bà tiếp tục làm công nhân ở Hà Đông. Thời gian gặp nhau đếm trên đầu ngón tay nhưng bà luôn vững lòng tin, chung thủy son sắt đợi chồng.
"Tôi sống trong căn nhà cấp 4 cùng 2 hộ gia đình khác, mỗi hộ kê được 1 chiếc giường, ngăn bằng tấm ri đô mỏng. Mọi sinh hoạt của gia đình từ ăn, ngủ, nghỉ... đều diễn ra trên chiếc giường đó.
Có thời gian ông nhà tôi bận mấy tháng mới về, những lúc đó tôi cũng đôi chút buồn nhưng nghĩ tới những khó khăn hai vợ chồng từng trải qua, tôi thấy vững lòng hơn".
“Khi con gái đầu lòng được 2 tuổi, chúng tôi đưa cháu về ngoại, ông bà mới chấp nhận con rể. Tôi hiểu bố mẹ giận nhưng chưa bao giờ hết thương mình” - bà trải lòng.
Hơn 50 năm bên nhau, 4 người con của ông bà hiện đều thành đạt. Điều đáng quý nhất là suốt 50 năm đó, ông bà chưa một lần cãi vã.
Nói về chồng mình, bà chia sẻ: “Ông nhà tôi dù khô khan nhưng quan trọng là ông ấy biết thương vợ con. Ngày tôi mới sinh con đầu, ông ấy công tác ở Hải Phòng, bận rộn là vậy nhưng tuần nào ông cũng sắp xếp về với hai mẹ con.
Ông nhà tôi không biết nói lời lẽ hoa mỹ, ngọt ngào như người khác mà chỉ biết lặng lẽ dùng cử chỉ, hành động để thể hiện tình cảm.
Ông Vũ Chiểu cùng các con, cháu. Ảnh: NVCC |
Tôi nghĩ bản thân ai cũng có cái tôi, cá tính riêng nếu không biết dung hòa thì khó sống với nhau”. Theo bà Yến, cuộc sống hôn nhân phải biết nhường nhịn, “cơm sôi thì nhỏ lửa", như vậy mới giữ được hạnh phúc bền chặt.
Ông Vũ Chiểu do tuổi tác cao, thính lực bị suy giảm, nghe không rõ lắm nhưng khi được hỏi về vợ, ông dành cho bà không ít lời trìu mến.
“Bà ấy là người rất chỉn chu, kỹ tính, ăn nói tác phong chuẩn mực lại tháo vát. Ngày trẻ, tôi bận công tác xa, một tay bà ấy quán xuyến gia đình, nuôi dạy, chăm sóc con cái.
Mỗi lần về bao giờ bà ấy cũng chu đáo chuẩn bị đồ ăn, thực phẩm cho chồng mang đi. Tôi nể và trọng vợ mình ở đức tính khiêm nhường, chịu thương, chịu khó.
Cuộc sống có khó khăn khổ cực đến mấy bà ấy cũng không than vãn nửa lời. Khi bà ấy giận là tôi lại im lặng, tìm cách làm hòa. Nhìn chung phải lựa nhau mà sống” - ông Chiểu vui vẻ nói.
Hôn nhân hạnh phúc, con cái trưởng thành tuy nhiên, ít ai biết trong lòng bà Yến luôn có nỗi niềm day dứt. Đôi mắt đỏ hoe, bà bộc bạch: “Ngày tôi sinh con ở bệnh viện phụ sản - nay là phụ sản Trung ương, được 1 cặp sinh đôi. Ngày ra viện, một đứa sức khỏe yếu nên tôi để ở viện theo dõi, bế một đứa về.
Thời điểm đó là năm 1971, đang trong giai đoạn chiến tranh, miền Bắc bị bắn phá, nhiều ngày không trở lại viện được. Tôi bị thất lạc đứa con đó, không biết cháu còn hay mất. Giờ tôi vẫn cánh trong lòng, mong ngóng tin con.
Mặc dù cũng cất công đi tìm nhưng bao nhiêu năm qua, giấy tờ thất lạc hết, hi vọng gặp lại con là rất nhỏ”.