Đặc sản của nhiều vùng miền
Chỉ cần đánh 3 chữ “thịt chuột đồng” trên thanh công cụ tìm kiếm của Google, trong khoảng 0,36 giây, bạn sẽ có ngay khoảng 750.000 kết quả. Dù không phải là món ăn phổ biến, thế nhưng, ở nhiều địa phương, thịt chuột đồng đã trở thành một trong những thực phẩm nhất định phải thưởng thức.
Tại các tỉnh miền Tây, chuột đồng là món lai rai không thể thiếu bên những bàn nhậu, nhất là vào những ngày vụ mùa, khi những con chuột béo núc và chắc thịt nhất. Giá cho một đĩa thịt chuột đồng ở ngoài quán cũng không hề rẻ, khoảng 70.000 – 80.000 đồng, thế nhưng vẫn thu hút được khá nhiều thực khách.
Trong khi đó tại thủ đô Hà Nội, người dân khoái thịt chuột chẳng kém gì thịt vịt, thịt gà hay thịt chó. Ở đây, thịt chuột không chỉ dùng để cải thiện bữa cơm hàng ngày, tiếp khách quý mà còn được xếp vào thực đơn của các đám cưới. Đặc biệt, ở 2 xã Canh Nậu, Dị Nậu của huyện Thạch Thất, người ta cho rằng: cỗ mà thiếu thịt chuột thì không thể gọi là cỗ sang. Tại hai xã này, có thời điểm, thịt chuột lên tới hơn trăm nghìn/kg (thông thường cũng phải từ 80.000 – 100.000 đồng) nên không phải cứ muốn là có thể ăn được.
Có một điều dễ nhận thấy là thịt gà, thịt chó, thịt lợn có thể ế, nhưng hàng nào bán thịt chuột cũng “đắt như tôm tươi”, thậm chí nhiều thời điểm còn “khan hàng”. Điều này đủ thấy món ngon này được ưa chuộng đến mức nào.
Chuột hấp lá chanh là món ăn khoái khẩu của nhiều người. |
Thịt chuột đồng có thể chế biến thành nhiều món. Đơn giản nhất là thịt chuột đồng hấp lá chanh chấm muối tiêu chanh. Cầu kỳ hơn thì có thể chế biến chuột đồng thành món rang muối hay xào xả ớt.
Không chỉ tạo ra những món ăn ngon, chuột đồng còn được coi là bài thuốc quý. Đông y cho rằng thịt chuột đồng có vị ngọt, tính ấm, không độc, có tác dụng mạnh khí, ích tinh, hàn thương tích, liền xương cốt. Riêng gan chuột có vị đắng, tính ấm, giúp trừ cam tích, bình can, cường khí huyết, giúp mắt sáng. Cũng chính bởi thế, ngày trước, nó thường được sử dụng để bồi bổ sức khỏe cho người già và trẻ nhỏ.
Dễ nhập viện do ăn phải chuột bệnh
Bàn về giá trị dinh dưỡng của thịt chuột, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh – nguyên cán bộ Viện Công nghệ Thực phẩm, Đại học Bách Khoa, Hà Nội khẳng định: "Về bản chất, cũng như những loại thịt khác, thịt chuột đồng hoàn toàn có thể ăn được".
Nhiều phân tích dinh dưỡng còn chỉ ra rằng trong thịt chuột đồng chứa 23,6% protid, 1% lipid, 0,1% carbon hydrat, 30mg% canci, 242%mgphotpho và các vitamin quan trọng khác. Và như thế, so với các loại thực phẩm khác, giá trị dinh dưỡng của nó không hề thua kém. Tuy nhiên, trên thực tế, có không ít trường hợp đã phải nhập viện vì thịt chuột đồng. Cụ thể vào tầm tháng 8/2015, 3 người trong một gia đình đã phải nhập viện khẩn cấp trong tình trạng đau bụng dữ dội, buồn nôn, tiêu phân lỏng… sau khi ăn món thịt chuột xào măng tươi. Nguyên nhân được chuẩn đoán là do ngộ độc.
Lý giải hiện tượng này, PGS Thịnh nói: "Những nạn nhân ngộ độc thịt chuột thường do 2 nguyên nhân. Thứ nhất là ăn nhầm thịt chuột cống và thứ hai là ăn phải thịt con chuột vốn không khỏe mạnh".
Thịt chuột được bày bán khắp nơi nhưng không ai đảm bảo được nguồn gốc xuất xứ. |
Theo PGS Thịnh, ngày nay, khi trở thành đặc sản của nhiều vùng, chuột đồng dần trở nên khan hiếm. Nhiều tiểu thương vì trục lợi đã bắt chuột cống giả làm chuột đồng để bán cho người tiêu dùng. Chuột cống vốn sống ở nơi bẩn thỉu, ăn thức ăn bẩn thỉu nên cơ thể mang nhiều mầm bệnh. Nếu chúng ta ăn phải cũng rất dễ dẫn tới bị ngộ độc, nhất là khi ăn phải những con chuột cống dính bả.
Về ngộ độc thịt chuột đồng, PGS Thịnh cho rằng: "Rất có thể con chuột này đã dính bả và có hiện tượng chết hay say thuốc khi đánh bắt, nhưng vì lợi nhuận, người bán đã không vứt đi. Hơn nữa, bản thân con chuột cũng có thể mang một số mầm bệnh mà bằng mắt thường chúng ta không thể nhận biết, trong đó, nguy hiểm nhất là dịch hạch. Dịch hạch dù không lây qua đường ăn thịt, nhưng khi sơ chế, nếu cơ thể chúng ta có vết thương hở, mầm bệnh sẽ lây lan qua đó. Trong khi đó, dịch hạch có thể lây qua đường hô hấp nên nếu một người mắc bệnh thì những người xung quanh có thể mắc theo".
PGS Thịnh cho biết thêm: "Người tiêu dùng nếu không chắc chắn đó là thịt chuột đồng, thì không nên ăn. Chỉ ăn những con khỏe mạnh. Trong quá trình chế biến chuột, để phòng tránh mầm bệnh, tốt nhất nên đeo găng tay và khẩu trang. Hạn chế ăn thịt chuột ở ngoài hàng, vì rất khó đảm bảo nguồn gốc cũng như chất lượng thịt chuột đồng".