Thoả thuận thương mại giai đoạn 1 Mỹ - Trung Quốc: Kẻ thắng, người thua

Hôm nay, thoả thuận thương mại giai đoạn 1 Mỹ - Trung Quốc đã chính thức được kí kết tại Washington. Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố, thật dễ dàng để dành chiến thắng trong chiến tranh thương mại.

Với việc thoả thuận thương mại giai đoạn 1 giữa Mỹ và Trung Quốc được kí kết, các nhà quan sát không ngần ngại tuyên bố sẽ chỉ có một người chiến thắng. Trong khi hầu hết đều hoan nghênh trước thoả thuận ngừng chiến của hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, thì các nhà phân tích vẫn thận trọng khi cho rằng giai đoạn đàm phán khó khăn nhất vẫn chưa xảy ra.

Thoả thuận thương mại giai đoạn 1: Người thắng, kẻ thua

Trước mắt những người hưởng lợi rõ ràng bao gồm nông dân, nhà máy lọc dầu, nhà xuất khẩu dầu thô của Mỹ, những người có thể thấy tiềm năng rất lớn từ thị trường Trung Quốc. Các công ty tài chính Hoa Kỳ bao gồm các ngân hàng đầu tư, các công ty thẻ tín dụng và các công ty xếp hạng tài chính sẽ đầu tư nhiều hơn để chiếm được miếng bánh trị giá 45.000 tỉ USD của thị trường tài chính Trung Quốc. 

Về phía Trung Quốc, thoả thuận thương mại giai đoạn 1 đã mang lại sự hồi phục cần thiết cho một nền kinh tế đang giảm tốc và tạo ra không gian mở cho Chính phủ đáp ứng các mục tiêu tăng trưởng. 

Thoả thuận thương mại giai đoạn 1 Mỹ - Trung Quốc: Kẻ thắng, người thua - Ảnh 1.

Người thắng, kẻ thua trong bản thoả thuận thương mại giai đoạn 1. (Ảnh: Bloomberg).

Tuy nhiên, sẽ có những người thua cuộc. Theo Bloomberg, đó chính là những nông dân trồng đậu tương ở Brazil và các nhà cung cấp khí đốt hoá lỏng tự nhiên của Australia trong bối cảnh cạnh tranh sẽ trở nên khốc liệt hơn để giành được đơn đặt hàng từ Trung Quốc. 

Ngay cả với thoả thuận này, Trung Quốc sẽ vẫn bị áp thuế với thuế quan Mỹ, trong khi các công ty Mỹ vẫn phải đối mặt với các đối thủ Trung Quốc nhận được sự hỗ trợ từ Chính phủ nước này. 

Trump ca ngợi về bản thoả thuận thương mại giai đoạn 1, trong khi ông Tập Cận Bình cũng đã mô tả bản thoả thuận là tốt cho Trung Quốc, tốt cho Mỹ và tốt cho toàn thế giới. 

Dưới đây là một số phản ứng khác nhau từ phía các nhà đầu tư và các chuyên gia tài chính trên thế giới về bản thoả thuận được kí kết sáng nay.

Steve Schwarzman, CEO Blackstone Group: 

Phải nhớ rằng Hoa Kỳ và Trung Quốc ngoài thoả thuận WTO năm 2001, về cơ bản đã không có thoả thuận thương mại nào kể từ những năm 1940. Do đó, những gì đạt được ngày hôm nay là rất, rất quan trọng. Nó cung cấp nền tảng cho một nền kinh tế thế giới tốt đẹp hơn.

Charles Freeman, Phó chủ tịch cấp cao châu Á, Phòng thương mại Hoa Kỳ: 

Hãy ăn mừng trong khi chúng ta có thể, sau đó chúng ta sẽ tập hợp lại và tiếp tục cuộc hành trình. Các công cụ thực thi đã có, và tôi tin rằng cả hai bên đều chân thành. Đây là những thoả thuận mà cả hai bên đồng ý thực hiện và có khả năng hoàn thành chúng. 

Truyền thông Trung Quốc: 

Lễ kí kết bản thoả thuận thương mại giai đoạn 1 giữa đã được phát sóng trực tiếp gần 20 phút trên kênh truyền hình quốc gia Trung Quốc. Đài truyền hình CCTV bình luận, đây là bản thoả thuận cân bằng, bình đẳng và cùng thắng.

Nhật báo Nhân dân cũng đưa ra bình luận tương tự trong một bài báo được xuất bản qua WeChat - một nền tảng mạng xã hội của Trung Quốc. 

Joerg Wuttke, người đứng đầu Phòng Thương mại Liên minh châu Âu tại Trung Quốc:

Tin tốt là thương chiến đã ngừng bắn. Tuy nhiên, thật không may cho các doanh nghiệp EU và các nước như Brazil, bởi trong vòng 2 năm tới, thương mại sẽ hai nước sẽ đạt 200 tỉ USD mà không có cơ hội cạnh tranh cho các quốc gia khác. 

Timothy Stratford, đối tác quản lí của Covington & Burling LLP và cựu Trợ lí Đại diện Thương mại Hoa Kỳ: 

Đây là một bản thoả thuận khá mong manh. Sẽ có rất nhiều thách thức khi thực hiện nó.

Tom Mitchik, tại Bloomberg:

Trung Quốc, bên tưởng như thua cuộc từ cuộc chiến thương mại, lại là người hưởng lợi nhiều nhất. Chúng tôi đã nâng dự báo tăng trưởng GDP của nước này trong năm 2020 lên 5,9% từ 5,7%. Các yếu tố thúc đẩy tăng trưởng cũng sẽ cân bằng hơn, Chính phủ Trung Quốc sẽ ít phải đầu tư hơn để bù đắp cho việc xuất khẩu yếu và vốn đầu tư từ khu vực tư nhân sẽ tăng lên.

Wendy Cutler, một nhà đàm phán thương mại kỳ cựu tại Viện Chính sách Xã hội châu Á:

Đây là một bản thoả thuận vững chắc. Họ đã giải quyết các vấn đề khiến công ty Mỹ không thể tiếp cận hoàn toàn với thị trường Trung Quốc. Các cuộc đàm phán rõ ràng là khó khăn hơn nhiều so với những dự báo trước đó. 

Andy Rothman, cựu nhà ngoại giao Hoa Kỳ tại Bắc Kinh, hiện là chiến lược gia đầu tư tại Matthews Asia:

Tôi có 2 mối quan tâm quan trọng về thoả thuận này: Thứ nhất, các mục tiêu tăng nhập khẩu hàng hoá của Mỹ và Trung Quốc là rất cao, điều này có thể khiến thoả thuận thất bại, dẫn đến việc sẽ có thêm thuế quan bổ sung hoặc một cuộc chiến thương mại toàn diện. 

Thứ hai, hôm nay Lighthizer cũng đã thừa nhận rằng, thoả thuận này sẽ chỉ được thực thi nếu Trung Quốc muốn nó được thực thi. Về lâu dài, Chính phủ Trung Quốc có muốn nó được thực thi nếu chính quyền Trump tiếp tục theo đuổi các chính sách đối đầu về hầu hết các vấn đề ngoài thoả thuận này?

Hubert Tse, đối tác tại công ty luật Boss & Young ở Thượng Hải: 

Các công ty tài chính Hoa Kỳ rõ ràng là bên chiến thắng. Đây là một bước tiến lớn của họ đối với thị trường Trung Quốc. Không thể tưởng tượng được điều này ở 10 năm trước, khu các ngân hàng và các tổ chức tài chính ở Phố Wall có quyền kiểm soát đa số tại các liên doanh ở Trung Quốc, chứ đừng nói đến việc sở hữu 100% vốn.