Theo phản ánh của ông Hoàng Duy Tiễn, từ năm 2005 đến nay tại huyện Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên, cán bộ, công chức, viên chức cứ đủ 55 tuổi đối với nam và 50 tuổi đối với nữ đã đóng BHXH trên 25 năm, mặc dù hàng năm đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ nhưng huyện vẫn cho nghỉ hưu hoặc nghỉ chờ nếu thiếu 1 đến 2 năm công tác. Ông Tiễn hỏi, như vậy có đúng quy định không?
Về vấn đề này, BHXH Việt Nam trả lời như sau:
Tại Khoản 1, Khoản 2 Điều 187 Bộ Luật lao động năm 2012 quy định về tuổi nghỉ hưu:
- Người lao động bảo đảm điều kiện về thời gian đóng BHXH theo quy định của pháp luật về BHXH được hưởng lương hưu khi nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi;
- Người lao động bị suy giảm khả năng lao động, làm công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; Làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; Làm việc ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo thuộc danh mục do Chính phủ quy định có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn so với quy định tại Khoản 1 Điều này.
Theo Điểm b Khoản 1 Điều 54 của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 về điều kiện hưởng lương hưu đối với người lao động khi nghỉ việc có đủ 20 năm đóng BHXH trở lên: Nam từ đủ 55 tuổi đến 60 tuổi, nữ từ đủ 50 tuổi đến 55 tuổi và có đủ 15 năm trở lên làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế ban hành hoặc có đủ 15 năm làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên.
Đối chiếu quy định nêu trên, nam từ đủ 55 đến 60 tuổi, có trên 20 năm đóng BHXH trở lên và có đủ 15 năm làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên đủ điều kiện hưởng lương hưu. Tuy nhiên, việc giải quyết để người lao động nghỉ việc thời điểm nào thuộc quan hệ lao động giữa người sử dụng lao động và người lao động tùy theo đặc thù của đơn vị và thỏa thuận của người sử dụng lao động và người lao động. Việc giải quyết tranh chấp lao động (những tranh chấp về quyền và lợi ích phát sinh trong quan hệ lao động) giữa người lao động và người sử dụng lao động thực hiện theo quy định của pháp luật về lao động và thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan quản lý Nhà nước về lao động, BHXH Việt Nam là cơ quan tổ chức thực hiện chính sách BHXH, khi người lao động cung cấp đầy đủ thủ tục hồ sơ và hồ sơ đủ điều kiện theo quy định của chính sách pháp luật về BHXH thì cơ quan BHXH sẽ xem xét giải quyết theo thẩm quyền.