GS.TS.BS. Đỗ Doãn Lợi, Nguyên Viện trưởng Viện Tim Mạch quốc gia Việt Nam, Bệnh viện Bạch Mai sẽ giúp độc giả hiểu rõ hơn về bệnh nhồi máu cơ tim và cách phòng ngừa.
- Xin chào GS.TS.BS. Đỗ Doãn Lợi, ông có thể cho biết những hiểu biết căn bản về bệnh nhồi máu cơ tim?
|
Cơ thể chúng ta có 3 mạch máu để nuôi quả tim gọi là động mạch vành. Máu đi từ động mạch đó vào trong cơ tim để nuôi tế bào cơ tim, giúp quả tim hoạt động. Nếu một mạch nào đó dù chỉ là các nhánh nhỏ hoặc là một nhánh lớn mà bị tắc thì sẽ không nuôi được vùng cơ tim, vùng đó bị chết thì người ta gọi đó là nhồi máu cơ tim. Có nghĩa là tắc mạch làm chết hoặc làm tổn thương một vùng cơ tim thì gọi đó là nhồi máu cơ tim.
- Vậy những nguyên nhân gây ra nhồi máu cơ tim là gì?
Nguyên nhân chủ yếu là do tổn thương các động mạch vành, thường gặp nhất là xơ vữa.
Mỡ trong máu, chúng ta gọi là mỡ nhưng thực ra đó là cholesterol, mỡ xấu đóng vào thành mạch máu tạo nên những mảng dày dần lên làm cho thành mạch máu bị hẹp, đến một lúc nào đó bị vỡ ra, gây tắc mạch máu đó và gây ra nhồi máu cơ tim.
Cũng có một số nguyên nhân khác nhưng ít hơn, chẳng hạn như một huyết khối từ đâu đó ở trong tim, theo dòng chảy đi vào trong mạch máu nuôi cơ tim di chuyển vào trong mạch vành gây tắc. Nguyên nhân chủ yếu vẫn là do xơ vữa động mạch vành.
(Ảnh: Finizz) |
- Bệnh nhồi máu cơ tim có chiều hướng gia tăng, tỉ lệ người mắc bệnh và độ tuổi mắc ngày càng trẻ hóa. Vậy những đối tượng nào và ở lứa tuối nào thường có nguy cơ cao mắc bệnh này?
Qua nghiên cứu thì thấy rằng, những đối tượng có nguy cơ dễ mắc bệnh nhồi máu cơ tim là bệnh nhân đái tháo đường, tăng huyết áp, rối loạn lipit máu, bệnh nhân béo phì, béo bụng, những người ít vận động thể lực, uống nhiều rượu bia, có chế độ ăn uống, sinh hoạt không hợp lý, nam giới mắc nhồi máu cơ tim nhiều hơn nữa giới. Tuy nhiên, khi nữ giới mắc nhồi máu cơ tim thì tiên lượng nặng hơn so với nam giới.
- Nhồi máu cơ tim là một bệnh lý nguy hiểm đe dọa tới tính mạng. Vậy thì dựa vào những triệu chứng như thế nào để chúng ta có thể phát hiện sớm được căn bệnh này?
Triệu chứng của nhồi máu cơ tim chủ yếu là đau ngực, nó có thể đến rất đột ngột khi mạch máu bị tắc thì bệnh nhân thấy đau vùng trước của xương ức và cơn đau đó kéo dài. Người bệnh sẽ có cảm giác như bị bóp ghẹt, kèm theo cảm giác khó thở, cơn đau kéo dài ít nhất 30 phút và nó có thể lan lên cổ hoặc lan ra cánh tay trái của bệnh nhân. Cơn đau này không đỡ khi bệnh nhân nghỉ ngơi hoặc dùng thuốc giãn động mạch vành.
Cơn đau thắt ngực này cần phải phân biệt với cơn đau ngực khác mà nguyên nhân không phải do nhồi máu cơ tim. Ví dụ, đau ngực do tách thành động mạch chủ. Khi tách thành động mạch chủ người bệnh cũng có cảm giác đau ngực nhưng cơn đau ngực này dữ dội, có cảm giác như dao đâm lan ra phía sau lưng, thời gian đau ngực kéo rất dài.
Một cơn đau ngực khác cần phân biệt với nhồi máu cơ tim đấy là cơn đau ngực của viêm màng ngoài tim, bệnh nhân có cảm giác đau ngực nhưng khi hít sâu vào hoặc thở mạnh ra thì có cảm giác đau ngực hơn. Một số trường hợp đau ngực cũng rất hay gặp đó là hội chứng trào ngược, người bệnh cũng có cảm giác đau ngực nhưng nóng rát, có thể kèm theo ợ hơi, ợ chua.
Đau ngực là triệu chứng thường gặp của người bị nhồi máu cơ tim. (Ảnh: Cardocorz) |
- Khi phát hiện một người bị nhồi máu cơ tim thì những người xung quanh phải xử trí như thế nào thưa bác sĩ?
Khi người bệnh có biểu hiện đau thắt ngực và nghi ngờ là nhồi máu cơ tim thì người thân nên ngay lập tức gọi điện đến số 115 để có xe cấp cứu đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất làm các xét nghiệm như: điện tâm đồ, men tim để chẩn đoán nhồi máu cơ tim.
Trên mạng hiện nay có rất nhiều biện pháp để điều trị như dùng kim chích đầu ngón tay để máu chảy ra hoặc là ấn huyệt vì người ta nghĩ rằng sẽ cải thiện bớt triệu chứng. Nhưng trên thực tế, đây chỉ là những động tác thừa không mang lại hiệu quả. Chúng tôi khuyên người bệnh khi đã có những biểu hiện đau thắt ngực nghi ngờ nhồi máu cơ tim thì ngay lập tức đến bệnh viện bằng xe cấp cứu 115.
Trong thời gian chờ đợi, người nhà bệnh nhân nên động viên bệnh nhân, chuẩn bị sẵn sàng để khi xe cấp cứu đến thì đưa bệnh nhân ra xe càng sớm càng tốt. Vì thời gian là cuộc sống, mạng sống nên phải cấp cứu bệnh nhân càng sớm càng tốt.
- Làm thế nào để phòng ngừa và hạn chế nguy cơ xảy ra nhồi máu cơ tim?
Để phòng ngừa tốt nhồi máu cơ tim thì chúng ta phải quản lý tốt các yếu tố nguy cơ như: cần phải điều trị tốt bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn lipit máu, đặc biệt là phải bỏ thuốc lá, thuốc lào... Ngoài ra, phải thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh, hạn chế đồ ăn nhiều dầu mỡ, đồ ăn chiên, rán, đồ ăn chế biến sẵn, ăn ít muối.
Nên tập thể dục đều đặn, thường xuyên, tập luyện ít nhất là 30 phút mỗi ngày, nếu được thì tập 5 ngày/tuần. Ngoài ra, trong cuộc sống nên giảm bớt lo âu, lo lắng, căng thẳng. Quan trọng là hãy sống yêu đời.
Cảm ơn những chia sẻ của GS.TS.BS. Đỗ Doãn Lợi!
Bệnh nhân ngưng tim được cứu sống thần kỳ | |
Dấu hiệu gì để nhận biết cơn nhồi máu cơ tim? | |
Dân văn phòng dễ bị nhồi máu cơ tim |