Thôn tính 'đất vàng' ven sông Sài Gòn: Tài sản chung biến thành của riêng

Cảnh quan ven sông Sài Gòn là món quà vô giá thiên nhiên ban tặng cho TP HCM, không chỉ cung cấp nước sinh hoạt, tiêu thoát nước mưa, điều hòa không khí mà còn là nơi thư giãn, vui chơi giải trí của nhiều người dân. Đáng tiếc, do quản lý kém nên nhiều nơi tài sản chung đã biến thành …của riêng.

Làm việc ở TP HCM, mỗi khi công việc căng thẳng, anh Jimmy Trần (38 tuổi, giám đốc một chi nhánh ngân hàng nước ngoài ở TP HCM) thường ra bờ sông Sài Gòn thư giãn. Chỉ tay về hướng các tòa nhà cao chọc trời ven sông Sài Gòn, anh nói “cảm thấy nuối tiếc cho người dân TPHCM vì tòa nhà cao tầng ven sông không ngừng mọc lên, không gian công cộng cho người dân ngày càng bị thu hẹp”.

“Tôi từng làm việc ở Hàn Quốc. Thủ đô Seoul cũng có sông Hàn như sông Sài Gòn nhưng họ quản lý rất tốt. Không gian công cộng dọc bờ sông được bảo vệ nghiêm ngặt. Còn ở TP HCM, từ nhà máy Ba Son hướng về quận Bình Thạnh, bờ sông Sài Gòn hầu như không còn không gian công cộng. Người dân ở trung tâm TP HCM chỉ còn khoảng không gian chật hẹp là Bến Bạch Đằng (quận 1). Đây là điều rất đáng tiếc vì người dân không được tận hưởng những gì mà thiên nhiên ưu đãi cho thành phố này”, anh Jimmy Trần nói.

Giờ đây, dọc bờ sông Sài Gòn là một chuỗi các dự án nhà cao tầng. Hai tòa nhà cạnh chân cầu Thủ Thiêm phía bờ thuộc quận Bình Thạnh đang trong quá trình thi công; máy xúc, máy đào hoạt động liên tục cả ngày lẫn đêm. Chỉ tính riêng tuyến đường Nguyễn Hũu Cảnh, phía bờ sông Sài Gòn đang phải gánh khoảng 10 dự án chung cư cao tầng với quy mô hơn 15.000 căn hộ.

Theo Sở Quy hoạch Kiến trúc TP HCM, trên cả tuyến sông Sài Gòn hiện có 83 dự án đầu tư xây dựng khu nhà ở; khu phức hợp nhà ở kết hợp thương mại-dịch vụ; khu công viên kết hợp với vui chơi giải trí, với diện tích thống kê chưa đầy đủ hơn 454 ha. Trong số này có 13 đơn vị chủ đầu tư được giao 116 lô đất đã duyệt quy hoạch, trong đó có 76 công trình đã xây dựng ảnh hưởng đến hành lang bảo vệ sông Sài Gòn.

Theo quy định, các công trình xây dựng của 13 đơn vị trên phải có hành lang bảo vệ là 50 m nhưng công ty TNHH Sài Gòn Riviera có một công trình nhà phụ trợ cách sông chỉ 10 m. Công đoàn Công ty Thép Miền Nam (khu 3) có năm công trình tạm cách sông 20 m được xây dựng sau năm 2004. Công ty TNHH XD Bảo Tiến có 11 lô đất cách sông 26 m). Công ty Liên doanh ven sông Sài Gòn (Riverside - khu A) có 13 lô đất, trong đó có 13 công trình nhà ở cách sông 7,5 m. Công ty XD&KD Nhà Phú Nhuận có 20 lô đất cách sông 20m.

Ngoài ra, Công ty TNHH Thế Minh có 17 lô đất, Công ty TNHH Văn Minh (11 lô). Các đơn vị chủ đầu tư khác có công trình xây dựng ảnh hưởng hành lang bảo vệ sông Sài Gòn là: Công ty TNHH TM-DV Chiến Thắng (17 lô), Công ty Cổ phần Eden (9 lô), Công ty Cổ phần XD-KD Kim Sơn (1 lô), Công ty Cổ phần ĐTXD Tân Bình (4 lô), Công ty TNHH Hải Vương (8 lô)... Trong danh sách các dự án lấn bờ sông Sài Gòn, gần một nửa đã nhận quyết định cưỡng chế, yêu cầu tháo dỡ nhưng kể từ thời điểm ban hành quyết định cho đến nay, không ít chủ đầu tư vẫn chây ì, nhiều biệt thự thuộc diện phải tháo dỡ đã được sang nhượng nhiều lần.

Theo đại diện Sở Quy hoạch kiến trúc (QHKT) TPHCM, một số dự án hiện nay vi phạm hành lang bảo vệ sông Sài Gòn do được phê duyệt quy hoạch tại nhiều thời điểm khác nhau nên chiều rộng hành lang bờ sông chưa thống nhất với quy định hiện hành (cách sông 30-50 m).

Ai hưởng lợi?

Theo Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM Lê Hoàng Châu, có một điều đáng tiếc là trong thời gian vừa qua, nhiều dự án nhà cao tầng đã án ngữ mặt tiền sông Sài Gòn ngay khu vực trung tâm TPHCM. Trong từng dự án cũng có các tuyến đường nội bộ ven sông nhưng chưa kết nối liên thông nên người dân thành phố và du khách không thể đi lại. Vì thế không gian, cảnh quan bờ sông Sài Gòn trở thành tài sản riêng của cư dân có nhà ở những khu vực này.

Thôn tính 'đất vàng' ven sông Sài Gòn: Tài sản chung biến thành của riêng - Ảnh 1.

Việc xây dựng cao ốc ven sông Sài Gòn vẫn đang tiếp tục diễn ra

Trong một hội thảo mới đây, Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa cho biết nhiều năm trước từng có một thiết kế dọc sông Sài Gòn nhưng TP HCM không thực hiện. Và con sông là tài sản chung của hàng triệu người dân hiện nay nhiều nơi đã trở thành của riêng của một số người lắm tiền. “Cách quản lý như vừa qua đã phá hỏng quy hoạch của một đô thị. TPHCM đang xây dựng thành nơi có chất lượng sống tốt, bờ sông Sài Gòn phải là nơi để cộng đồng tham quan, thưởng lãm vào dịp cuối tuần. TP HCM có sông Sài Gòn quý như thế, đẹp và vậy mà bây giờ bị tư nhân hóa. Nhiều nơi còn có tình trạng lấn dòng chảy. Từ trên cao nhìn xuống mới thấy con sông đang bị thu hẹp như thế nào”, ông Nghĩa nói.

Hơn cả đất vàng

Giám đốc một sàn bất động sản ở TP HCM cho hay: Đất mặt tiền sông Sài Gòn hiện nay quý hơn vàng, chỉ các đại gia mới mua nổi. Ông bức xúc nói cũng như nhiều người dân, muốn ngắm cảnh sông Sài Gòn, ông phải mất không ít tiền để vào nhà hàng, quán ăn, quán cà phê... Riêng với những khu đô thị cao cấp ven sông, cảnh quan thiên nhiên đã trở thành không gian riêng và các chủ đầu tư lấy tiêu chí hướng ra sông Sài Gòn để mặc sức nâng giá.

Ths - KTS Ngô Anh Vũ (Viện Quy hoạch Xây dựng) cho biết, dọc sông Sài Gòn hiện có khoảng 50 đồ án quy hoạch phân khu được phê duyệt từ huyện Củ Chi đến quận 7. Kết quả khảo sát cho thấy giá trị của các bất động sản tiếp giáp mặt tiền sông cao hơn 20-30% so với khu vực bên trong, nhưng lại được nhiều người tìm mua.

“Chúng ta đã nhận ra thêm giá trị về cảnh quan bên cạnh giá trị về phát triển kinh tế của dòng sông. TPHCM không có cảnh quan thiên nhiên nào quan trọng hơn sông Sài Gòn. Ngoài khả năng mang lại nhiều lợi ích vật chất to lớn, sông Sài Gòn còn có những ưu thế hiếm có để trở thành một dòng sông đô thị quyến rũ, góp phần tạo dựng một diện mạo đô thị giàu tính nhân văn, tương xứng với vị trí và vai trò của một siêu đô thị”, ông Vũ nhấn mạnh.

Nhiều sông, kênh rạch bị san lấp, lấn chiếm

Theo số liệu của Sở Giao thông vận tải, năm 2010, TP HCM xảy ra 26 trường hợp lấn chiếm sông, kênh, rạch. Số vụ vi phạm tăng dần theo từng năm. Cụ thể: Năm 2011: 46 trường hợp; năm 2012: 115 trường hợp; năm 2013: 184 trường hợp; năm 2014: 284 trường hợp; năm 2015: 361 trường hợp. Từ năm 2016, số vụ vi phạm giảm dần, cụ thể: Năm 2016: 276 trường hợp; năm 2017: 122 trường hợp; năm 2018: 75 trường hợp, 8 tháng đầu năm 2019 có 69 trường hợp.

Làm giảm giá trị đô thị

Theo TSKH.KTS Ngô Viết Nam Sơn, quy hoạch TP HCM nên theo hướng xây dựng thấp dần về phía dòng sông. Xây cao ốc không chỉ che khuất tầm nhìn về hướng sông mà còn cản gió, gây nóng bức cho đô thị bên trong. Cho phép xây dựng càng nhiều nhà cao tầng ven sông thì sẽ càng làm giảm giá trị đô thị.

“Nếu mật độ dân cư quá cao, cao ốc ngày càng vươn cao tầng thì lượng nước thải sẽ tăng lên, tình trạng ngập lụt sẽ xảy ra và không loại trừ nguy cơ lượng nước thải lớn không qua xử lý sẽ bị thải lén lút ra sông Sài Gòn, gây ô nhiễm”. PGS TS Lê Huy Bá


chọn
'Quy hoạch NOXH ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi là không khả thi'
Theo đại diện Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp TP HCM, so với các dự án nhà ở thông thường, việc xây dựng NOXH phức tạp hơn. Chẳng hạn như việc chọn địa điểm xây dựng, nếu NOXH được quy hoạch ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi thì sẽ không khả thi do di chuyển hàng ngày bất tiện.