Thông tin quy hoạch Bình Phước mới nhất 2024
Thông tin quy hoạch Bình Phước 2024 như phạm vi quy hoạch, mục tiêu phát triển, phương án quy hoạch hệ thống đô thị,... là những nội dung chính được chia sẻ trong bài viết sau đây.
Giới thiệu sơ lược về tỉnh Bình Phước
Bình Phước là một tỉnh thuộc vùng Đông Nam Bộ, Việt Nam, đồng thời còn là tỉnh có diện tích lớn nhất Nam Bộ.
Tỉnh lỵ của Bình Phước hiện nay là thành phố Đồng Xoài, cách Thành phố Hồ Chí Minh khoảng 121 km theo đường Quốc lộ 13 và Quốc lộ 14 và 102 km theo đường Tỉnh lộ 741.
Bình Phước là tỉnh nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm Nam bộ có 240 km đường biên giới với Vương quốc Campuchia trong đó 3 tỉnh biên giới gồm Tbong Khmum, Kratie, Mundulkiri, tỉnh là cửa ngõ đồng thời là cầu nối của vùng với Tây Nguyên và Campuchia.
Thông tin quy hoạch Bình Phước mới nhất
Thông qua Quy hoạch tỉnh Bình Phước thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 với các nội dung chính như sau:
Phạm vi, ranh giới quy hoạch
Phạm vi quy hoạch bao gồm toàn bộ phạm vi ranh giới hành chính của tỉnh Bình Phước với tổng diện tích tự nhiên là 6.873,56 km2, ở tọa độ địa lý từ 11°22’ đến 12°16’ độ vĩ Bắc và 102°8’ đến 107°8’ độ kinh Đông. Trong đó:
- Phía Bắc giáp tỉnh Đắk Nông
- Phía Nam giáp tỉnh Bình Dương
- Phía Đông giáp tỉnh Lâm Đồng và tỉnh Đồng Nai, phía Tây giáp tỉnh Tây Ninh
- Phía Tây Bắc tiếp giáp với Campuchia
Mục tiêu phát triển
Phấn đấu đến năm 2025, Bình Phước cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp phát triển nhanh và bền vững, có quy mô kinh tế khá dựa trên xây dựng đồng bộ nền tảng hạ tầng “cứng và mềm”. Cụ thể:
- Phát triển các cụm ngành có tiềm năng tạo nhiều việc làm có thu nhập và nguồn thu ngân sách.
- Nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, thu hẹp khoảng cách giữa nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới với đô thị; tăng cường kết nối vùng thông qua phát triển hệ thống hạ tầng trọng yếu;
- Hoàn thành chính quyền điện tử, từng bước chuyển dần sang chính quyền số; đảm bảo quốc phòng - an ninh vững chắc;
- Tổ chức đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện.
Đến năm 2030, Bình Phước trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, hiệu quả và bền vững, là “điểm đến hấp dẫn” của vùng Đông Nam bộ.
Đến năm 2050, trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại, phát triển giàu mạnh và văn minh.
Phương án quy hoạch hệ thống đô thị, khu chức năng và phát triển nông thôn
1. Phương án quy hoạch hệ thống đô thị
Giai đoạn 1 (2021 -2025)
Nâng cấp các xã đủ tiêu chuẩn lên đô thị loại V để hình thành 07 đô thị mới đối với các xã: Đức Liễu, huyện Bù Đăng; Bù Nho, huyện Phú Riềng; Đồng Nơ, huyện Hớn Quản; Tân Lập và Tân Hòa, huyện Đồng Phú; Lộc Hiệp, huyện Lộc Ninh; Thiện Hưng, huyện Bù Đốp. Số lượng đô thị toàn tỉnh đến năm 2025 là 18 đô thị.
Giai đoạn 2 (2026 - 2030)
- Đầu tư phát triển các đô thị: Đồng Xoài hướng đến là đô thị loại II; Bình Long, Phước Long, Chơn Thành hướng đến là đô thị loại III; Tân Khai, huyện Hớn Quản và Tân Phú, huyện Đồng Phú hướng đến là đô thị loại IV;
- Nâng cấp các xã đủ tiêu chuẩn lên đô thị loại V để hình thành 04 đô thị mới đối với các xã: Tân Tiến, huyện Đồng Phú; Lộc Thái, huyện Lộc Ninh; Thanh An, huyện Hớn Quản; Tân Hưng, huyện Hớn Quản, số lượng đô thị toàn tỉnh đến năm 2030 là 22 đô thị.
2. Phương án phát triển hệ thống khu công nghiệp, khu kinh tế, cụm công nghiệp
Quy hoạch khu công nghiệp
Số khu công nghiệp đến năm 2025 là 20 khu công nghiệp và đến năm 2030 là 27 khu công nghiệp.
Đất công nghiệp đến năm 2025 là 7.584 ha, cao hơn 1.523 ha so với số quy hoạch được phê duyệt và đến năm 2030 là 18.105 ha, cao hơn 10.521 ha so với thời kỳ 2021 - 2025 và so với Quyết định số 326/QĐ-TTg ngày 09 tháng 3 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ, trong đó:
- Quy hoạch phát triển mới các Khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2025 với diện tích 6.283 ha;
- Quy hoạch phát triển mới các Khu công nghiệp giai đoạn 2026 - 2030 với diện tích 4.117 ha;
- Quy hoạch đất Công nghiệp tại Khu kinh tế 1.640 ha.
Quy hoạch khu kinh tế
Khu kinh tế trên địa bàn tỉnh đến năm 2025 là 1 khu và đến năm 2030 là 1 khu. Giảm diện tích Khu kinh tế Cửa khẩu Hoa Lư từ 28.364 ha xuống còn 25.864 ha (đưa ra khỏi quy hoạch 2.500 ha sang đất quy hoạch mở rộng thị trấn Lộc Ninh và xã Lộc Thái, huyện Lộc Ninh).
Quy hoạch cụm công nghiệp
Quy hoạch 32 cụm công nghiệp với tổng diện tích 1.827,41 ha phân bố tại các huyện trên địa bàn tỉnh; hình thành ít nhất 3 cụm công nghiệp chuyên ngành chế biến nông sản: hạt điều, tiêu, cà phê, trái cây,...
3. Phương án quy hoạch phát triển nông thôn
Tổ chức bố trí sắp xếp, ổn định dân cư nông thôn phù hợp với quy hoạch xây dựng vùng huyện, quy hoạch sử dụng đất cấp huyện, quy hoạch hệ thống đô thị - nông thôn, quy hoạch nông thôn mới, đảm bảo bền vững, định cư lâu dài, giảm thiểu những thiệt hại tiềm ẩn do thiên tai gây ra.
Phát triển các khu dân cư tập trung gắn với phát triển thương mại, dịch vụ nông thôn tại các xã trên địa bàn tỉnh.
Trên đây là những thông tin mới nhất về quy hoạch Bình Phước, bạn đọc có thể tham khảo để biết chính xác thông tin quy hoạch ở các thành phố, thị xã và huyện trên địa bàn tỉnh Bình Phước.