Thông xe cầu cửa ngõ tây nam TP HCM sau 8 năm dang dở

Cầu Tân Kỳ - Tân Quý, quận Bình Tân, vốn đầu tư hơn 491 tỷ đồng thông xe sáng 21/1 góp phần giảm ùn tắc, chỉnh trang đô thị khu vực Tây Nam thành phố.

Công trình nằm trên đường Tân Kỳ - Tân Quý với tổng chiều dài 385 m. Trong đó, phần cầu bắc qua kênh Tham Lương dài 83 m, 4 làn xe và lề đi bộ hai bên. Phần còn lại là đường dẫn cùng nhánh kết nối với các tuyến đường xung quanh. Ngoài ra, dự án còn các hạng mục thoát nước, cây xanh, chiếu sáng, cầu thang cho người đi bộ, kè dọc kênh...

Cầu Tân Kỳ - Tân Quý nhìn từ trên cao, sáng 21/1. (Ảnh: Tuấn Việt).

Trước đó, dự án cầu Tân Kỳ - Tân Quý từ năm 2017 được triển khai theo hình thức BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao). Công trình khi đó có tổng vốn 312 tỷ đồng, sau nâng lên 668 tỷ đồng do tính cả lãi vay trong thời gian xây dựng, chờ thu phí. Cuối năm 2018, dự án hoàn thành 70% rồi tạm dừng do vướng mặt bằng và bị xác định không phù hợp với Nghị quyết 437 của Quốc hội (không được làm dự án BOT trên đường hiện hữu).

Công trình ngưng trệ suốt 6 năm trước khi khởi động trở lại vào giữa năm 2024 khi TP HCM hoàn tất thủ tục chuyển đổi từ hình thức BOT sang dùng vốn ngân sách. Đây cũng là dự án BOT đầu tiên ở thành phố dừng trước thời hạn hợp đồng để chuyển qua đầu tư công. Sau khi thay đổi hình thức đầu tư, tổng vốn thực hiện dự án là 491 tỷ đồng.

Xe qua cầu Tân Kỳ - Tân Quý, sáng 21/1. (Ảnh: Tuấn Việt).

Ông Trịnh Linh Phương, Phó giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP HCM (chủ đầu tư), nói việc thông xe cầu kết hợp với đường Tân Kỳ - Tân Quý mới hoàn thành mở rộng thêm hơn 2 km, giúp khơi thông cửa ngõ Tây Nam thành phố. Trục đường này kết nối trực tiếp quốc lộ 1 dẫn vào sân bay Tân Sơn Nhất và nội đô thành phố, góp phần hoàn thiện mạng lưới giao thông ở khu vực khi nhiều dự án khác cũng đang triển khai.

Vị trí cầu Tân Kỳ - Tân Quý. Đồ họa: Đăng Hiếu

Theo Phó chủ tịch UBND TP HCM Bùi Xuân Cường, quá trình triển khai dự án cầu Tân Kỳ - Tân Quý trước đây gặp nhiều khó khăn, ngoài vấn đề pháp lý phải chuyển hình thức đầu tư còn vướng mặt bằng, di dời hạ tầng kỹ thuật. Sau hơn nửa năm khởi động lại, công trình được đẩy nhanh, đưa vào khai thác giúp giảm ùn tắc, chỉnh trang đô thị cho khu vực.

Tuy nhiên, ông cũng cho rằng từ quá trình thực hiện dự án này, các đơn vị cần rút kinh nghiệm, bao gồm làm tốt khâu chuẩn bị và kiểm soát tốt hơn tiến độ. Ngoài ra, các bên liên quan cũng cần phối hợp đồng bộ trong tháo gỡ vướng mắc giải phóng mặt bằng và di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật (điện, viễn thông...).

Ngoài dự án trên, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP HCM, cho biết trước Tết Nguyên đán 2025 sắp tới, một loạt công trình trọng điểm khác ở thành phố cũng hoàn thành đưa vào khai thác, như: mở rộng đường Hoàng Hoa Thám; thông xe một đoạn đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa ở cửa ngõ Tân Sơn Nhất (quận Tân Bình). Ngoài ra, các dự án xây cầu Bà Hom (Bình Tân), mở rộng đường Dương Quảng Hàm (Gò Vấp), Lương Định Của (TP Thủ Đức)... cũng hoàn thành toàn bộ hoặc đưa vào khai thác một phần giúp giảm ùn tắc địa bàn thành phố.

chọn
Doanh thu bất động sản dự báo tăng 25-50% năm nay
Năm nay, doanh thu của doanh nghiệp địa ốc dự kiến tăng 25-50%, chủ yếu dẫn dắt bởi các chủ đầu tư lớn, theo VIS Rating.