Mới đây, Trường Đại học Xây dựng (Hà Nội) đã tổ chức lễ công nhận và trao bằng tốt nghiệp hệ đại học chính quy năm 2017. Là sinh viên duy nhất của ngành Kỹ thuật công trình xây dựng khóa 57 tốt nghiệp loại xuất sắc với điểm trung bình 3,70/4 - Trần Xuân Hòa đã chia sẻ bí quyết thành công của mình.
PGS.TS Phạm Xuân Anh - Phó Hiệu trưởng ĐH Xây dựng trao giấy khen cho kỹ sư Trần Xuân Hòa. Ảnh: CTV. |
Vốn là một người con của vùng đất học Nam Định, năm 2012, Trần Xuân Hòa đã nỗ lực thi đỗ vào Khoa Kỹ thuật công trình xây dựng của ĐH Xây dựng với số điểm khá ấn tượng (26,5 điểm khối A).
Chia sẻ với chúng tôi, chàng thủ khoa đầu ra năm 2017 Trần Xuân Hòa cho biết, ban đầu em đã xác định mình hợp với khối ngành kỹ thuật hơn là ngành về kinh tế. Năm đó, được sự định hướng của cậu ruột nên em đã đăng ký dự thi vào ĐH Xây dựng và trúng tuyển. Qua 5 năm gắn bó với mái trường này cũng là ngần ấy thời gian Hòa được trải nghiệm rất nhiều điều bổ ích, đáng nhớ.
"Theo em, khâu định hướng tư tưởng cho các bạn sinh viên mới là vô cùng quan trọng. Điều cốt yếu chính là nằm ở phương pháp học tập, chúng ta cần thay đổi cách học ở đại học so với học phổ thông. Bình thường như môn Tích phân trong toán học, ở phổ thông có thể kéo dài hàng tháng mới hết. Nhưng ra ĐH, các bạn chỉ học gói gọn trong một tuần mà thôi.
Một phần là do chưa có nhiều tài liệu tham khảo, sinh viên mới lại thiếu cách nhìn để tổng hợp xem các môn học những cái gì? Trong đó có phần nào là trọng tâm trọng điểm cần ghi nhớ. Để làm được thì phải tự mày mò tìm hiểu, nhờ thầy cô trợ giúp chứ tuyệt đối không nên 'giấu dốt'.
Chịu khó học hỏi những người đi trước, không ngại khó ngại khổ. Không hiểu chỗ nào phải hỏi ngay chỗ đó, mỗi ngày tích lũy dần dần một chút chứ đừng giấu dốt. Nếu trượt thì học lại, học đại học là phải 'chày cối' một chút thì mới tiến bộ được", Hòa tâm sự.
Đặc thù là một trường chuyên về kỹ thuật có vẻ khô khan, nhưng thông qua các hoạt động tập thể và nghiên cứu khoa học, thủ khoa Trần Xuân Hòa đã tích lũy cho mình nhiều trải nghiệm quý báu.
Hòa chia sẻ: Cả 5 năm học trên Hà Nội sống cuộc sống xa gia đình, em phải ở trọ và đi làm gia sư ngay từ năm nhất (dạy các em học sinh lớp 8,9) để lấy tiền trang trải cuộc sống. Sang năm thứ 3 trở đi, học các môn chuyên ngành và ra thực địa nhiều hơn, nhưng Hòa vẫn tham gia CLB chuyên về dạy kiến thức và kỹ năng mềm cho các em sinh viên khóa dưới ngay tại trường.
Trần Xuân Hòa (thứ 2 từ trái sang) cùng các bạn chụp ảnh tại công trường. Ảnh: NVCC. |
Nói về dự định sắp tới, Hòa đang lên kế hoạch sẽ sang Pháp để học nâng bằng lên Thạc sĩ, sau đó sẽ lên Tiến sĩ chuyên ngành Vật liệu và kết cấu.
"Sang môi trường mới, em có thể tìm hiểu nền văn hóa của Pháp, cách sống, làm việc, tự lập và suy nghĩ, so sánh với Việt nam để học hỏi được nhiều thứ hơn. Học cách tư duy, nghiên cứu khoa học, tiếp thu tri thức của họ để sau này về nước có thể phục vụ tốt hơn việc nghiên cứu và giảng dạy. Sau này nếu được, em muốn thành giảng viên tại Trường ĐH Xây dựng.
Về Việt Nam em có thể tự tin 2 ngôn ngữ: tiếng Anh và tiếng Pháp. Bên đó đi học, đi làm giao tiếp bằng tiếng Pháp, tài liệu chủ yếu tiếng Anh. Khi về VN, làm nghiên cứu và giảng dạy,em quen với việc tìm và đọc tài liệu bằng tiếng Anh như vậy cập nhật thông tin sẽ tốt và nhanh hơn rất nhiều, không bị hạn chế bởi ngôn ngữ nữa.
Thời gian học ở Pháp ngắn em học có 1 năm là có thạc sĩ, đề tài làm tiến sĩ cũng nhiều và lương cao, hầu như không mất chi phí gì cho 5 năm học thạc sĩ + tiến sĩ. Thậm chí, em có thể còn giành được một khoản để mang về nước. Ở Việt Nam thì không được như vậy", Hòa tâm sự thêm.
Trải qua gần 5 năm học tại trường, Trần Xuân Hòa đã giành được khá nhiều học bổng và giấy khen, giấy chứng nhận từ nhà trường và các tổ chức đối tác khác như: Giải Ba cuộc thi Olympic Cơ học toàn quốc, Giấy chứng nhận học bổng Đỗ Quốc Nam, học bổng của khoa Xây dựng dân dụng & Công nghiệp trị giá 5 triệu đồng...
Ngoài ra, chàng thủ khoa ĐH Xây dựng năm 2017 cũng tự tin chia sẻ, trải qua những gì học tập và trải nghiệm ở môi trường đại học, việc thiết kế một ngôi nhà từ thấp tầng cho đến cao tầng trở nên không quá khó. Hòa cho rằng, để xây được một công trình xây dựng nói chung sẽ phải dựa vào nhiều yếu tố, trong đó hệ kết cấu đóng vai trò chủ đạo. Hệ kết cấu thể hiện ở tải trọng đứng và tải trọng ngang của công trình - điều này sẽ quyết định tuổi thọ của chính công trình đó. Nếu chỉ là tòa nhà 10 tầng, kết cấu cơ bản có thể cầm có dầm, cột để chịu lực. Nhưng nếu tòa nhà cao hơn 10 tầng, kết cấu sẽ thêm nhiều hạng mục khác như lõi, dầm, cột... để đảm bảo độ án toàn cho công trình. "Nhiều người nghĩ rằng theo học ngành xây dựng thì chỉ là những kiến thức khô khan, suốt ngày va chạm với vôi vữa, vật liệu. Em thì thấy đó lại là một niềm vui, niềm đam mê từ nhỏ và phải công nhận, dù nói chuyện với bạn bè ở những quán trà đá, hay những buổi họp Câu lạc bộ, hay lúc đi trại hè SV do trường tổ chức rồi cũng quay về với chủ đề Bê tông cốt thép, đồ án mà thôi", Hòa tâm sự thêm. |
Quên đi thời ở kí túc xách nước từng xô, nay điện nước thoải mái, wifi 'tận giường' "Điểm cộng" dành cho KTX Trường Đại học Bách khoa Hà Nội có lẽ nằm ở sân bóng rộng rãi và có wifi phủ sóng ... |