Thủ phủ mới của loạt dự án nghỉ dưỡng nghìn tỷ đồng

Một trong những đặc trưng hiện nay của thị trường bất động sản Hoà Bình là sự nở rộ của các dự án quy mô từ hàng trăm đến nghìn tỷ đồng, trong đó phân khúc sôi động nhất là nghỉ dưỡng.

Một năm gần đây, Hòa Bình có thêm nhiều dự án nghỉ dưỡng mới quy mô từ hàng trăm, đến hàng nghìn tỷ đồng.

UBND địa phương vừa chấp thuận chủ trương đầu tư Khu đô thị sinh thái, nghỉ dưỡng khoáng nóng cao cấp Hồ Khả tại xã Qúy Hòa, huyện Lạc Sơn quy mô 85,22 ha; tổng mức đầu tư 2.600 tỷ đồng.

Huyện Lạc Sơn cũng có thêm một khu đô thị mới là Khu đô thị sinh thái, nghỉ dưỡng và vui chơi giải trí cao cấp Đồi Thung, xã Qúy Hòa quy mô 186,3 ha; tổng mức đầu tư 5.300 tỷ đồng.

Huyện Kim Bôi có các dự án mới như: Quần thể khu đô thị sinh thái, vui chơi giải trí cao cấp, cáp treo Cuối Hạ 189 ha, tổng mức đầu tư 6.650 tỷ đồng; Dự án Khu nhà ở sinh thái và dịch vụ thương mại Hạ Bì (Habi Valley) tại thị trấn Bo rộng 8,97 ha với 200 căn nhà ở, tổng vốn đầu tư dự kiến trên 407 tỷ đồng. 

TP Hòa Bình có thêm Khu đô thị cao cấp Sao Mai rộng 45,79 ha tại phường Dân Chủ, Phương Lâm và phường Thái Bình 897,4 tỷ đồng. 

Ngoài ra, tỉnh có nhiều dự án sân golf đang được triển khai và quy hoạch để mời gọi đầu tư. Hồi cuối tháng 4, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh thông báo tìm chủ cho dự án sân golf quốc tế Quang Tiến tại xã Quang Tiến, TP Hòa Bình quy mô 88,68 ha; tổng mức đầu tư 998 tỷ đồng.

Tỉnh cũng vừa thông báo điều chỉnh quy hoạch sân golf 393 ha của Geleximco. Tại huyện Kim Bôi, địa phương này đang quy hoạch 6 sân golf mới.

Trước đó, vào tháng 6/2017, Hòa Bình ra Nghị quyết phát triển khu du lịch hồ Hòa Bình thành Khu du lịch quốc gia, tạo điều kiện phát triển một số điểm du lịch sinh thái nghỉ dưỡng.

Sau 5 năm, tỉnh thực hiện thu hút đầu tư phát triển du lịch được 11 dự án, tổng diện tích sử dụng đất khoảng 757 ha, với tổng nguồn vốn từ nhà đầu tư khoảng 3.201 tỷ đồng.

Trong đó có một số dự án đầu tư quy mô lớn như: Dự án khu du lịch thiên nhiên Robinson của CTCP đầu tư du lịch Hòa Bình với tổng mức đầu tư hơn 900 tỷ đồng; Khu nghỉ dưỡng và sinh thái hồ Hòa Bình của CTCP đầu tư Lạc Hồng với vốn đăng ký đầu tư 800 tỷ đồng; Khu du lịch sinh thái Ngòi Hoa của CTCP đầu tư năng lượng xây dựng Hoàng Sơn 474 tỷ đồng...

Riêng với khu du lịch hồ Hòa Bình, một số doanh nghiệp xây dựng và hình thành các khu, điểm du lịch sinh thái như: Mai Châu Hideaway, Ba Khan Village Resort, đảo Dừa; các điểm du lịch cộng đồng xóm Ké, Đá Bia, Ngòi Hoa, Mó Hém, Bích Trụ... 

Một góc tỉnh Hòa Bình. (Ảnh: Người Lao động).

Khoảng ba năm gần đây, một số ông lớn BĐS đã hiện diện hoặc tiết lộ ý định phát triển các dự án lớn tại địa phương này như Vingroup, Phú Mỹ Hưng, T&T, Geleximco, Sungroup, FLC... 

Tháng 3, CTCP Tập đoàn FLC (mã chứng khoán: FLC) được tỉnh cho phép đầu tư dự án Quần thể du lịch, nghỉ dưỡng và sân golf Yên Thủy 150,33 ha.

Tổng mức đầu tư của dự án là 2.883 tỷ đồng; bao gồm sân golf 36 lỗ (140 ha), khách sạn 5 sao với 200 phòng (2,3 ha), trung tâm hội nghị (2,3 ha) và khu resort với 100 căn bungalow (4,7 ha).

Năm 2021, Sungroup cũng đề xuất triển khai các dự án tại huyện Lạc Sơn và Kim Bôi. 

Bên cạnh những chủ đầu tư lớn đang rục rịch kế hoạch triển khai, trong khoảng hơn một năm nay, một loạt các nhà đầu tư vừa và nhỏ công bố các dự án ở Hoà Bình, trong đó tập trung tại thành phố Hoà Bình, Lương Sơn, Kim Bôi, Kỳ Sơn, Đà Bắc, Lạc Sơn...

Mới đây nhất, CTCP Đầu tư quốc tế Thịnh Phát được tỉnh công bố nhà đầu tư thực hiện dự án Khu nhà ở sinh thái Mường Hoa, phường Dân Chủ, TP Hòa Bình 326,3 tỷ đồng trên nền diện tích 21,5 ha.

Cen Invest - thành viên của Cengroup liên danh cùng Công ty Sao Đất Việt đầu tư Khu nhà ở và dịch vụ sinh thái Vilas tại thị trấn Lương Sơn và xã Tân Vinh, huyện Lương Sơn hơn 410 tỷ đồng, diện tích khoảng 14,75 ha.

Cuối tháng 3, Công ty TNHH Phát triển du lịch Quốc tế Phượng Hoàng Mộc Châu đề xuất nghiên cứu khảo sát và triển khai dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng và vui chơi giải trí cao cấp tại xóm Máy, xã Hòa Bình, TP Hòa Bình, quy mô 366,7 ha. 

Cuối tháng 1, HĐND tỉnh Hoà Bình đã phê duyệt chủ trương chuyển mục đích sử dụng 50 ha đất rừng sang mục đích khác để thực hiện dự án Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng cao cấp tại xã Suối Hoa, huyện Tân Lạc (tên thương mại dự kiến là THM - Villa - Resort on the Mountain) do Tập đoàn Tân Hoàng Minh làm chủ đầu tư.

Bất động sản nghỉ dưỡng địa phương đón thêm dự án mới Takara Hòa Bình Resort tại xã Hiền Lương, huyện Đà Bắc có quy mô khoảng 60 ha với 661 căn biệt thự, do Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển du lịch Hiền Lương làm chủ đầu tư.
 

Năm 2021, CTCP Đầu tư Du lịch Hòa Bình ra mắt dự án Cullinan Hoa Binh Resort quy mô hơn 40 ha, ở khu vực hồ Hòa Bình với vốn đầu tư khoảng 1.200 tỷ đồng.

Một dự án dịch vụ vui chơi giải trí, khách sạn từng bị "treo" hơn 10 năm cũng được CTCP Thương mại Du lịch Kim Bôi (một thành viên thuộc Tập đoàn Apec) tiếp quản và triển khai với tên gọi mới là Apec Sky Villas Kim Boi.

Giai đoạn gần đây, tỉnh cũng liên tiếp họp triển khai tháo gỡ vướng mắc cho các dự án nghỉ dưỡng như KĐT sinh thái Đông Trường Sơn hơn 1.000 tỷ đồng, chủ đầu tư là liên danh Reenco Hòa Bình - Xây dựng Thành Hưng - Đô thị An Thịnh; Làng sinh thái Việt Xanh gần 50 ha, hơn 400 tỷ đồng tại huyện Lương Sơn do Saigonres làm chủ đầu tư;...

Cuộc đổ bộ của loạt doanh nghiệp địa ốc cùng các dự án quy mô đã thúc đẩy bất động sản nghỉ dưỡng và đất thổ cư ở đây được quan tâm hơn.

Nếu tại khu vực trung tâm TP Hòa Bình, tâm điểm của cơn sốt cục bộ, nhà đầu tư tìm mua đất thổ cư vị trí đẹp, gần các dự án, công trình lớn thì tại huyện Lương Sơn và vùng ven TP Hòa Bình, khu vực hồ Hòa Bình, huyện Kim Bôi, Lạc Sơn,… làn sóng đầu tư chủ yếu người dân Hà Nội lên tìm hiểu khiến thị trường BĐS khá nóng.  

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia lưu ý rằng nhà đầu tư nên lựa chọn những dự án của chủ đầu tư uy tín, xác định đầu tư an toàn và dài hạn, không nên lao vào lướt sóng đất rừng hoặc đất không rõ quy hoạch.

Bên cạnh những lực đẩy, bất động sản sản nghỉ dưỡng Hòa Bìnhvà cả nước giai đoạn hiện nay cũng phải đối mặt với các thách thức, nhất là về vấn đề siết tín dụng. Vốn có tỷ lệ đầu tư sử dụng đòn bẩy tài chính cao, bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng được dự đoán sẽ là một trong những phân khúc ảnh hưởng đầu tiên bởi chính sách này.

Đặc biệt, trong văn bản gửi đến các tổ chức tín dụng về việc phát triển thị trường bất động sản trên địa bàn ổn định và lành mạnh, Thanh tra, giám sát Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP HCM còn nhắc các tổ chức tín dụng hạn chế tín dụng cho đầu tư bất động sản du lịch, cùng với bất động sản cao cấp và đầu cơ bất động sản. Trong ngắn hạn, chính sách này có thể trở thành lực cản của thị trường bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng.

chọn
D2D ước lãi thêm 800 tỷ từ dự án Lộc An
Năm 2024 - 2029, D2D sẽ thực hiện tiếp giai đoạn 2 khu dân cư Lộc An với tổng mức đầu tư gần 1.116 tỷ đồng. Tổng doanh thu dự kiến trong giai đoạn 2 là hơn 2.181 tỷ đồng, lợi nhuận dự kiến 795 tỷ đồng.