Thủ tướng yêu cầu khẩn trương 'cứu' ngành đường sắt, không để ảnh hưởng người lao động

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ GTVT, Bộ Tài chính cùng các bộ, ngành liên quan thống nhất có giải pháp khẩn trương tháo gỡ vướng mắc về kinh phí quản lí, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia, không được để ảnh hưởng đến đời sống người lao động.
Thủ tướng yêu cầu khẩn trương 'cứu' ngành đường sắt, không để ảnh hưởng người lao động - Ảnh 1.

(Ảnh minh họa: Di Linh).

Khẩn trương tháo gỡ vướng mắc về kinh phí bảo trì đường sắt

Ngày 24/2, Thủ tướng Chính phủ chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ về giao ngân sách Nhà nước thực hiện việc quản lí, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia, một nhiệm vụ được Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) thực hiện từ trước đến nay.

Sau khi lắng nghe các ý kiến, Thủ tướng nhấn mạnh, an ninh an toàn đường sắt là vấn đề rất quan trọng, liên quan đến tính mạng, tài sản của nhân dân.

Bên cạnh đó, ngành đường sắt có nhiều đặc thù, chịu sự chi phối của nhiều luật như Luật Ngân sách, Luật Quản lí sử dụng tài sản công, Luật Đường sắt; có hệ thống đường ngang, lối đi tự mở qua đường sắt phức tạp.

Do đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ GTVT, Bộ Tài chính cùng các bộ, ngành liên quan thống nhất có giải pháp khẩn trương tháo gỡ vướng mắc về kinh phí quản lí, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia, không được để ảnh hưởng đến đời sống người lao động.

Đồng thời phải bảo đảm thực hiện đúng, tuân thủ qui định pháp luật, trường hợp cần thiết, báo cáo cấp có thẩm quyền theo qui định.

Thủ tướng yêu cầu khẩn trương 'cứu' ngành đường sắt, không để ảnh hưởng người lao động - Ảnh 2.

(Ảnh minh họa: Di Linh).

Đường sắt nguy cơ dừng chạy tàu

Theo tìm hiểu, hiện VNR được giao quản lí, khai thác, bảo trì toàn bộ hệ thống đường sắt quốc gia, gồm 15 tuyến đường sắt, qua 34 tỉnh thành, tổng chiều dài 3.143 km; 297 nhà ga và khu ga.

Đồng thời, đơn vị này cũng phải đảm bảo an toàn 652 điểm gác chắn đường ngang, 380 đường ngang cảnh báo tự động, 486 đường ngang biển báo, 4.172 lối đi dân tự mở.

Hiện ngành đường sắt có 11.315 người, trong đó có 1.241 lao động tuần cầu, tuần đường, tuần hầm.

6.278 lao động thực hiện công việc bảo trì đường sắt; 2.881 lao động gác chắn đường ngang, hầm, cầu; và 915 lao động gián tiếp.

Tuy nhiên, ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch HĐTV VNR cho biết năm năm 2018, đơn vị này đã chuyển về Ủy ban Quản lí vốn Nhà nước.

Do không còn trực thuộc Bộ GTVT nên đầu năm 2020, VNR không được Bộ giao dự toán ngân sách duy tu đường sắt và không thể kí hợp đồng với các đơn vị thành viên.

Trong khi đó, các công ty con vẫn phải đảm bảo các vấn đề như an toàn chạy tàu, duy tu, bảo dưỡng... cũng như việc trả lương cho công nhân.

Theo đại diện VNR, nếu hết tháng 3/2020 mà không được giao dự toán ngân sách, VNR buộc phải báo cáo Chính phủ dừng chạy tàu.

VNR cho hay, khó khăn lớn nhất hiện tại là việc giao dự toán ngân sách nhà nước năm 2020 cho đơn vị bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia.

Trước đó, VNR cũng kiến nghị Thủ tướng chấp thuận cơ chế để Bộ GTVT giao vốn cho đơn vị này như trước và xem xét được chuyển trở lại về Bộ GTVT.

chọn
Lãnh đạo Fecon: Luật mới không ảnh hưởng đến mảng BĐS của công ty, cam kết trả cổ tức 2022 vào quý IV năm nay
Giai đoạn đến 2029, Fecon cho biết đang nghiên cứu phát triển và triển khai đầu tư khoảng 11 dự án bất động sản với tổng giá trị gần 2 tỷ USD. Với các luật mới vừa được thông qua, ban lãnh đạo đánh giá không ảnh hưởng quá nhiều đến Fecon, các dự án của doanh nghiệp hiện khá là thuận lợi so với sự thay đổi của các luật.