Thừa Thiên - Huế thúc tiến độ lắp camera xử phạt vi phạm giao thông

Hiện nay, tình hình trật tự an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế vẫn còn phức tạp. Do đó, chính quyền tỉnh này sẽ triển khai các giải pháp bảo đảm an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh.

Ngày 10/8, thông tin từ Văn phòng UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, ông Nguyễn Văn Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh vừa chủ trì buổi làm việc với các sở ngành, địa phương về triển khai các giải pháp bảo đảm an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh.

Thời gian qua, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã triển khai nhiều giải pháp đồng loạt, đặc biệt là tăng cường tuần tra, xử phạt. Tuy nhiên, tình hình trật tự an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh vẫn còn diễn ra phức tạp.

Tại buổi làm việc này, ông Phương đề nghị các sở ngành, địa phương đưa ra những giải pháp cụ thể, tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, tồn tại trên địa bàn nhằm hạn chế thấp nhất số vụ, số người chết, số người bị thương do tai nạn giao thông gây ra.

Được biết, nguyên nhân chủ yếu khiến tai nạn giao thông trên địa bàn tỉnh 7 tháng đầu năm tăng so với cùng kì (524 vụ, tăng 20%; 121 người chết, tăng 17%; 489 người bị thương, tăng 29%) chủ yếu tập trung một số lỗi: Vi phạm tốc độ, đi không đúng phần đường, không giữ khoảng cách an toàn, chuyển hướng không an toàn, không làm chủ tay lái, quay đầu xe trái qui định, không nhường quyền ưu tiên, vượt sai qui định, vi phạm đèn tín hiệu.

Một số tồn tại, hạn chế cụ thể được các địa phương, đơn vị đưa ra tại buổi làm việc như: Việc khắc phục các bất hợp lí trong tổ chức giao thông, giải quyết các "điểm đen", điểm tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn giao thông không kịp thời trên các tuyến giao thông, nhất là trên Quốc lộ 1, đường tỉnh; công tác xử lí đảm bảo an toàn giao thông cho các lối đi tự mở qua đường sắt, nâng cấp các đường ngang, làm đường gom, xây dựng hàng rào ngăn cách giữa đường sắt với đường bộ triển khai còn chậm.

Bên cạnh đó, vẫn còn tình trạng thiếu cương quyết trong những hành vi vi phạm qui định pháp luật của người điều khiển phương tiện, đặc biệt là ở khu vực ngoài đô thị; ý thức tự giác chấp hành trật tự an toàn giao thông của người tham gia giao thông vẫn chưa cao; hình thức và công tác tuyên truyền an toàn giao thông vẫn chưa được mạnh, chưa trọng tâm, trọng điểm.

2

CSGT xử lí nhiều "quái xế" có hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông, chủ yếu là những lỗi lạng lách, nẹt ống bô... (Ảnh: T.H).

Triển khai nhiều giải pháp lập lại trật tự an toàn giao thông

Phát biểu kết luận tại buổi làm việc, ông Nguyễn Văn Phương ghi nhận sự vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành đã có nhiều cố gắng trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong 7 tháng đầu năm 2019. Tuy nhiên, để cải thiện tình hình trật tự an toàn giao thông trên địa bàn, cần có sự vào cuộc tích cực, sáng tạo và quyết liệt của các đơn vị, địa phương hơn nữa.

Trong đó, cần tập trung đẩy mạnh công tác tuần tra kiểm soát, tập trung các tuyến, địa bàn trọng điểm, phức tạp về tai nạn giao thông. Tập trung sớm xử lí dứt điểm những bất cập về tổ chức giao thông, khắc phục điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông; tăng cường các giải pháp bảo đảm an toàn giao thông đường sắt, đường thủy nội địa theo qui định của pháp luật. 

Ngoài ra, chủ động triển khai các đợt cao điểm để giải quyết tình hình phức tạp về trật tự an toàn giao thông, tập trung vào các lỗi vi phạm tốc độ, nồng độ cồn, lạng lách đánh võng, xe dù - "xe ké".

Bên cạnh đó, cần đẩy nhanh tiến độ dự án đầu tư hệ thống camera giám sát an ninh công cộng và xử lí vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông; đa dạng hóa các hình thức, biện pháp tuyên truyền, đặc biệt là thông qua mạng xã hội.

Ông Nguyễn Văn Phương nhấn mạnh, hơn ai hết, cán bộ, công chức viên chức phải là những người nghiêm túc, gương mẫu trong thực hiện chấp hành trật tự an toàn giao thông. Vì vậy, trong thời gian tới, cần có sự vào cuộc của tất cả các ngành, các cấp, các tổ chức xã hội, nêu cao tinh thần trách nhiệm đối với công tác đảm bảo an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh. Cần phải triển khai nhiều biện pháp, quyết liệt để lập lại trật tự an toàn giao thông, xây dựng và hình thành một nền văn hóa giao thông an toàn.

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.