Thực hư hủ tục ‘cõng mẹ bỏ vào rừng’: Từ truyền thuyết cổ xưa đến những chuyện sởn gai ốc thời hiện đại

Là một hủ tục xuất hiện trong văn hóa dân gian Nhật Bản, ubasute được hiểu là hành động đưa một người thân bị bệnh hoặc người già yếu đến một nơi xa xôi rồi bỏ mặc họ chết đói ở đó. 

Huyền thoại về hủ tục "cõng mẹ bỏ vào rừng" và khu rừng tự sát ở Nhật Bản

Ubasute đã để lại dấu ấn trong văn hóa dân gian Nhật Bản và xuất hiện trong nhiều bài thơ, truyện ngắn và các tác phẩm nghệ thuật. Theo trang Ancient Origins, ubasute hay obasute được hiểu theo nghĩa đen là "bỏ rơi một bà lão". Ngoài ra, nó còn được gọi là oyasute, có nghĩa là "bỏ rơi cha mẹ". Thực tế, đây là một hình thức giết hại người già, thường liên quan đến việc bỏ rơi, để mặc họ chết đói trên một ngọn núi hoặc những nơi hoang vắng. 

"Nhiều truyền thuyết xung quanh ubasute lấy bối cảnh ở các vùng quê nghèo ở phía bắc và đông bắc Nhật Bản, liên quan đến các cộng đồng đang vật lộn để sinh tồn sau một vụ mùa xấu, thời tiết xấu hoặc thảm họa thiên nhiên"Jun Okumura, một nhà phân tích chính trị cho biết.

Thực hư hủ tục ‘cõng mẹ bỏ vào rừng’: Từ truyền thuyết cổ xưa đến những chuyện sởn gai ốc thời hiện đại - Ảnh 1.

Cảnh người con trai cõng mẹ lên núi trong phim "Bài ca núi Narayama".

Một địa điểm nổi tiếng gắn liền với những câu chuyện về ubasute là khu rừng rậm rạp nằm ở phía tây bắc của núi Phú Sĩ  - "khu rừng tự sát" Aokigahara (còn được gọi là Jukai, có nghĩa là "Biển cây"). Nhiều người dân địa phương tin rằng linh hồn các nạn nhân ubasute và oyasute muốn trả thù nên đã thôi thúc mọi người tự sát khi họ vào sâu trong rừng.

Những câu chuyện bỏ rơi người thân sởn gai ốc thời hiện đại

Việc thực hiện ubasute phần lớn chỉ giới hạn trong văn hóa dân gian và không có đủ bằng chứng cho thấy nó đã được thực hiện rộng rãi trong quá khứ. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng những câu chuyện này đã truyền cảm hứng cho các hành động ubasute thời hiện đại, bao gồm các trường hợp bỏ rơi người thân xuất hiện trong những năm gần đây tại Nhật Bản.

Đơn cử năm 2011, Katsuo Kurokawa, một người đàn ông 63 tuổi đã bị buộc tội bỏ rơi người chị gái tàn tật Sachiko của mình trên sườn núi ở tỉnh Chiba, sau khi đưa bà tới đó và chỉ để lại một ít đồ ăn.

Katsuo Kurokawa nói rằng sau khi nhà của họ bị phá hủy trong trận động đất tháng 3/2011, Sachiko đã trở thành một gánh nặng và ông không thể tiếp tục chăm sóc cho bà. Người chị tật nguyền được cho là đã chết đuối trên sông Obitsu ngay sau đó.

Năm 2018, một người phụ nữ thất nghiệp đã bị bắt vì bỏ rơi người cha già của mình giữa đường cao tốc. Theo tờ Mainichi, Ritsuko Tanaka (46 tuổi, trú tại thành phố Otsu, quận Shiga) đã đưa người cha 76 tuổi đến một trạm dừng trên đường cao tốc Chugoku ở ngoại ô Kobe vào chiều ngày 22/11 rồi trở về nhà cách đó tận 70 km.

Đáng nói, cha cô là một bệnh nhân Alzheimer, hội chứng gây suy giảm trí nhớ. Khi được hỏi, người đàn ông 79 tuổi không thể nhớ được tên mình và địa chỉ nhà, nhưng lại không quên tên con gái.

Nhờ vậy, cảnh sát đã nhanh chóng bắt được Tanaka. Sau khi thừa nhận các cáo buộc, cô con gái cho biết: "Tôi nghĩ sau khi được cảnh sát giám hộ, ông ấy nên vào trại dưỡng lão hơn là để tôi chăm sóc. Tôi không đủ khả năng lo cho ông".

Vụ việc này đã gây ra một cuộc tranh luận gay gắt trên mạng. Nhiều người mô tả hành động của Ritsuko Tanaka là "vô cảm" và lên án cô "vô ơn" với bố mình. Nhưng cũng có người tỏ ra thông cảm với sự căng thẳng mà Tanaka phải đối mặt khi chăm sóc một người bệnh trong hoàn cảnh kinh tế eo hẹp.

Thông điệp bất ngờ sau những truyền thuyết nói về hủ tục "cõng mẹ bỏ vào rừng"

Như đã nhắc tới ở trên, ubasute là đề tài xuất hiện trong nhiều truyền thuyết Nhật Bản. Mới nghe qua, tưởng chừng như những truyện cổ viết về ubasute mô tả việc bỏ rơi người già, nhưng thực chất chúng lại truyền cảm hứng cho lòng hiếu thảo, đồng thời khuyên răn con người ta không được từ bỏ cha mẹ già của họ. 

Chẳng hạn, một trong những câu chuyện ubasute nổi tiếng nhất được biết đến với cái tên Ubasuteyama, tức núi Ubasute. Trong truyện dân gian này, một người con trai cõng mẹ già lên ngọn núi hẻo lánh với ý định bỏ rơi bà ở đó. 

Mặc dù biết rõ con trai mình đang làm gì, người mẹ vẫn lo anh ta bị lạc và rải những nhành cây bà bẻ được trên đường đi để anh ta có thể tìm đường xuống núi. Câu chuyện làm nổi bật tình yêu mà một người mẹ dành cho con cái, cũng là lập luận sâu sắc và cảm động chống lại hủ tục ubasute.

Thực hư hủ tục ‘cõng mẹ bỏ vào rừng’: Từ truyền thuyết cổ xưa đến những chuyện sởn gai ốc thời hiện đại - Ảnh 2.

Không chỉ xuất hiện trong truyền thuyết Nhật Bản, những câu chuyện bỏ rơi người thân còn diễn ra ngay giữa thời hiện đại . (Ảnh minh họa: Wikimedia Commons).

Một câu chuyện khác có nguồn gốc từ Ấn Độ nói về một vị vua ghét người già đã lập ra một loại hình ubasute do chính nhà nước thực thi, trong đó bất đối tượng nào sống qua 70 tuổi đều bị lưu đày. Một trong những bề tôi thân cận của đức vua không muốn làm điều kinh khủng đó với mẹ mình. Bởi vậy khi bà bước sang tuổi 70 tuổi, ông đã đào một căn hầm bí mật trong nhà để bà ẩn náu. 

Vài năm sau, người cai trị vương quốc láng giềng đã gửi hai con ngựa gần như giống hệt nhau cho nhà vua, kèm theo câu đố xác định đâu là ngựa mẹ, đâu là ngựa con. Nếu nhà vua không giải được câu đố này, vương quốc sẽ bị tấn công. Nhà vua cùng các quần thần suy nghĩ mãi nhưng không tìm được câu trả lời

Trong khi đó, người bề tôi nhắc tới ở trên đã đến hỏi mẹ mình. Bà nói rằng đã từng nghe về câu đố này trước đây và dặn con hãy xếp cỏ trước hai con ngựa. Con ngựa lùi lại để nhường cho con còn lại ăn trước chính là ngựa mẹ. 

Sau đó, nhà vua nước láng giềng tiếp tục gửi nhiều câu đố khác và lần nào, bà lão cũng tìm được lời giải chính xác. Cuối cùng, ông ta từ bỏ kế hoạch tấn công và trở thành đồng minh của vương quốc. 

Lúc này, người bề tôi quyết định thú nhận tất cả những gì ông đã làm với đức vua. Tuy nhiên thay vì nổi giận, đức vua đã nhận ra lỗi lầm của mình, thu hồi chiếu chỉ nghiệt ngã với người già và dành cho họ sự tôn kính đáng có. 

chọn
Thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua (11/1 - 17/1): Thủ tướng yêu cầu khởi công toàn bộ cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng trong quý I
Thủ tướng yêu cầu khởi công cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng; Hà Nội khởi công đường Tây Thăng Long qua Đan Phượng; gần 4.000 tỷ đồng bồi thường, TĐC cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành qua Bình Phước... là những thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua.