“Mức thưởng tết của tôi thường là 1 tháng lương, khoảng 5,4 triệu đồng. Chắc năm nay cũng vậy”, Nguyễn Thị Trúc Mai (28 tuổi), giáo viên một trường mầm non tư thục Q. Bình Tân hờ hững nói. Lương của Mai “cao”, bởi đã có thâm niên hơn 5 năm nghề nuôi dạy trẻ tại trường. Theo Mai, với những giáo viên mới vào nghề, lương chỉ 3,8 - 4 triệu đồng/tháng, nếu làm dưới 1 năm thì chỉ nhận được khoản thưởng tết khoảng 2 triệu đồng.
“Vì là trường tư nên thưởng nhiều hay ít phụ thuộc vào ngân sách của trường. Tuy nhiên, với mức lương này, rất khó khăn cho người đã có gia đình. Việc thưởng tết cũng không căn cứ vào năng lực, mức độ làm việc của giáo viên nên nhiều cô nản”, Mai tâm sự.
Khi hỏi đến thưởng tết, chị Lê Thùy Trang (40 tuổi, công nhân may ở Q.12) không mấy hào hứng. Chị Trang cho biết, năm nào công ty cũng thưởng 1 tháng lương khoảng 5 đến 6 triệu đồng. Chị Vũ Thị Đạt (25 tuổi), công nhân cơ sở bóc vỏ điều ở Bình Dương nói: “Hai năm trước, công ty khó khăn nên chỉ thưởng tượng trưng mỗi người 500.000 đồng cho có không khí. “Bây giờ tui tăng ca thường xuyên nên hy vọng sẽ có thưởng tết. Mấy năm rồi không về quê (Sóc Trăng), vì về mà không có tiền cho con, cho cháu cũng buồn lắm”, Đạt kể.
Theo tìm hiểu của phóng viên, đến thời điểm này, hầu hết DN tại TPHCM vẫn chưa được thông báo về điều chỉnh lương tối thiểu (LTT) vùng 2018. Ông Minh Thành – chủ cơ sở gia công mui nệm (H. Củ Chi) cho rằng, nếu “cầm đèn chạy trước ô tô”, công bố mức điều chỉnh lương cơ bản mà chưa có nghị định về điều chỉnh LTT vùng thì có nguy cơ bất ổn trong quan hệ lao động. Do chưa biết mức điều chỉnh LTT vùng như thế nào, nên chưa thể công bố thưởng. Đây cũng là một nguy cơ tiềm ẩn dẫn đến tranh chấp lao động tập thể vào thời điểm giáp Tết Nguyên đán.
Tuy nhiên, ông Phạm Huy Thông, Phó trưởng Ban quản lý các khu chế xuất & công nghiệp TPHCM (Hepza) cho rằng, việc chậm ban hành nghị định về điều chỉnh LTT không ảnh hưởng đến việc DN công bố lương, thưởng Tết 2018. Lý do là bây giờ, DN đều cố gắng giữ chân công nhân bằng các chế độ lương thưởng. Các tỉnh thành đều có nhà máy, xí nghiệp, DN nào không đãi ngộ tốt người lao động thì không có nhân công, sản xuất đình trệ. Bên cạnh đó, nhiều DN đã chủ động tính toán tiền thưởng tết cho công nhân. Tiền thưởng tết được đưa luôn vào thỏa ước lao động tập thể.
“Tiền thưởng tết năm nay sẽ cao hơn năm trước, vì lương cơ bản tăng. Mặc dù vẫn còn một số DN hoạt động kém hiệu quả nhưng không nhiều nên theo tôi, công nhân sẽ có cái tết ấm áp, đủ đầy trong năm nay” – ông Thông chia sẻ. Ông Củ Phát Nghiệp, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH PouYuen Việt Nam (DN có 75.000 công nhân) thông tin, tiền thưởng tết của công nhân sẽ được tính là một tháng lương cơ bản và một số khoản phụ cấp, tiền thưởng sẽ tính theo thâm niên. Người làm việc đủ 12 tháng sẽ được thưởng đủ 1 tháng lương, người có thâm niên sẽ được thưởng cao hơn, trên 12 năm sẽ được thưởng 2,2 tháng lương.
Ông Nguyễn Hữu Thắng, Giám đốc marketing Công ty CP Thành Hữu tiết lộ, thưởng tết cho lao động tính theo doanh thu. Người có thành tích tốt nhất sẽ được thưởng 3 tháng lương kèm thưởng nóng cuối năm. Còn lại trung bình mỗi lao động sẽ được thưởng 1 tháng lương. Công ty hằng năm còn có quỹ phúc lợi để thưởng thêm cho nhân viên có hoàn cảnh đặc biệt.
Ông Trần Văn Dũng, Giám đốc Công ty xây dựng và quản lý BĐS Trường Phát cho biết: “Dự kiến Tết nguyên đán năm nay lãnh đạo công ty thưởng từ 1 - 1,5 tháng lương cho toàn nhân viên. Ngoài ra, công ty còn mua vé máy tàu, xe… cho các nhân viên có thành tích phấn đấu, trách nhiệm cao trong công việc”.
Ông Trần Ngọc Sơn, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TPHCM cho hay, Sở đã gửi công văn yêu cầu DN báo cáo tình hình tiền lương năm 2017 và kế hoạch thưởng Tết 2018. Theo đó, DN phải thực hiện việc trả lương, thưởng tết cho người lao động trên cơ sở các thỏa thuận trong hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể và quy chế của DN, không được nợ lương, nợ thưởng Tết.