Đại diện Công ty bất động sản có trụ sở tại quận Phú Nhuận (TP HCM), cho biết năm rồi thị trường khó khăn, hầu hết đơn vị khác đều ngừng hoạt động vì "càng làm càng lỗ". Trong khi đó, công ty vẫn cố gắng tập trung bán dự án tại Long An và Tiền Giang nên cũng có nguồn thu.
Ngoài ra, để tiết kiệm ngân sách tối đa, doanh nghiệp ông không chạy truyền thông, quảng cáo, ngay cả công tác tổ chức sự kiện cũng tự làm. Sản phẩm bán ra có giá vừa tầm, từ 1-1,3 tỷ đồng, pháp lý đầy đủ đi kèm hỗ trợ lãi suất, kéo giãn thanh toán. Nhờ vậy mà công ty có giao dịch và không rơi vào cảnh nợ nần.
"Kết quả kinh doanh không được như các năm trước nhưng cũng tích cực hơn nhiều đơn vị khác. Vậy nên, công ty cố gắng có khoản thưởng nho nhỏ để nhân viên ăn Tết", ông nói.
Một tập đoàn bất động sản lớn tại quận 7, TP HCM cũng cho biết công ty năm nay có thưởng Tết cho nhân viên. Theo chia sẻ từ ban lãnh đạo công ty này, so với các năm trước, doanh số năm nay giảm mạnh nhưng bù lại có nguồn thu từ việc bàn giao dự án, các khoản lãi từ công ty liên doanh, liên kết. Doanh nghiệp cũng cắt giảm bớt các chi phí hoạt động nên năm qua xem như cân đối được tài chính, vẫn đảm bảo được lương thưởng và cả hoa hồng cho nhân viên vui xuân.
"Mức thưởng năm nay của tập đoàn tương đương năm rồi, tức từ 0,5-2 tháng lương, tùy hiệu suất của mỗi nhân viên", đại diện doanh nghiệp cho hay.
Cũng chi lương thưởng cuối năm, tổng giám đốc một công ty bất động sản chuyên về môi giới nhà phố, nhà riêng lẻ có trụ sở tại quận 3, cho rằng năm 2023, phân khúc này vẫn đều đặn có khách, thậm chí nhiều thị trường còn ghi nhận doanh thu tăng trưởng tích cực hơn các năm trước. Nhờ vậy, công ty vẫn có lãi nên sẽ thưởng Tết và tháng 13 cho nhân viên. Mức thưởng không ít hơn 1,5 tháng lương cơ bản.
Bất ngờ hơn, một tập đoàn địa ốc đang trong giai đoạn tái cơ cấu cũng thưởng Tết cho mỗi nhân viên 0,5 tháng lương. Tuy nhiên, thưởng Tết năm nay chỉ áp dụng cho khối vận hành.
Theo đại điện doanh nghiệp này, năm ngoái công ty đã phải cắt giảm hơn 40% nhân sự nên nhân viên còn lại, mỗi người phải gánh lượng công việc gấp 2-3 lần. Do đó, sau khi thu xếp được tài chính, công ty ưu tiên quyền lợi cho nhóm nhân viên này, trả đủ lương tháng 13 và một phần thưởng thêm, gọi là lì xì Tết .
"Ngân sách hạn chế, chúng tôi cố gắng thưởng cho khối vận hành. Còn bộ phận kinh doanh, trước đó công ty đều đã có thưởng nóng cho mỗi giao dịch thành công và trả phí hoa hồng đầy đủ", đại diện đơn vị cho hay.
Các chuyên gia nhận định, để thưởng Tết cho nhân viên là nhiệm vụ đầy khó khăn của đa số các công ty bất động sản, nhất là tại thị trường phía Nam. Nguyên nhân là tình trạng bán buôn ế ẩm, thiếu hụt tiền mặt, khó tiếp cận vốn vay, bế tắc ở khâu thu hồi công nợ của các doanh nghiệp đang ở mức báo động.
Do đó, nhìn vào bức tranh tổng thể, các doanh nghiệp địa ốc có thưởng Tết năm nay chỉ là số ít. Ghi nhận của VnExpress cho thấy, gần 80% các công ty, sàn môi giới bất động sản đang hoạt động đều cho biết không thưởng Tết.
Chị Xuân Lan, môi giới đang làm việc tại công ty có trụ sở tại quận Bình Tân, nhìn nhận thưởng Tết là điều xa xỉ với chị và các đồng nghiệp lúc này. Thông thường, thưởng là khoản được tính dựa trên lợi nhuận từ kinh doanh. Năm nay, hầu như không có phòng ban nào của công ty đạt chỉ tiêu kinh doanh.
"Hai năm rồi, tôi không biết thưởng Tết là gì. Giờ tôi chỉ mong bán được nhà, có thêm phí hoa hồng để trang trải Tết", chị Lan chia sẻ.
Nhiều lãnh đạo công ty cũng cho biết hoạt động năm qua khó khăn khi thị trường mất thanh khoản, đơn vị môi giới không có dự án để bán, hoặc có cũng bán rất chậm. Nhiều doanh nghiệp đến nay vẫn chưa sắp xếp trả được phí môi giới, hoa hồng, thậm chí đang nợ lương nhân viên kinh doanh.
Một ông lớn thuộc top đầu trong ngành bất động sản, có trụ sở tại quận 1, TP HCM cho biết đây là năm thê thảm nhất của thị trường này kể từ 2014. Cả năm, tập đoàn ông không có nguồn thu. Dự án đang triển khai vướng pháp lý, không bán ra được. "Thu không đủ bù chi, doanh nghiệp phải ưu tiên dòng tiền để duy trì hệ thống. Việc trả lương, thưởng Tết năm nay đành lỗi hẹn", ông nói.
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết tình hình kinh tế - xã hội cuối năm ngoái vẫn còn những khó khăn. Mặc dù phần lớn doanh nghiệp đảm bảo được đời sống, việc làm cho người lao động, song một bộ phận doanh nghiệp tiếp tục thiếu đơn hàng; nhiều đơn vị suy giảm sức chống chọi. Vì vậy tình hình lương và thưởng Tết của ngành địa ốc năm nay kém khả quan.
Nói về câu chuyện thưởng Tết, ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, cho rằng nhiều doanh nghiệp cũng muốn có thưởng để động viên, quan tâm nhân viên, cố gắng duy trì và tạo động lực cống hiến, nhưng cái khó là không có tiền. Bởi phần lớn doanh nghiệp vẫn đang chật vật tìm cách "sống sót" qua giai đoạn khó khăn này.
Các chuyên gia nhìn nhận, thị trường bất động sản năm nay đang đón nhận làn gió mới từ các chính sách Luật vừa được thông qua. Lãi suất ngân hàng trên đà giảm, dòng vốn tín dụng dần khơi thông. Dẫu vậy, 2024 vẫn sẽ là năm khó khăn nhưng mang tính bản lề quyết định để tiến đến sự phục hồi thực sự vào 2025 tới.