Huy động nhiều tàu hiện đại tham gia tìm kiếm 9 thuyền viên bị mất tích | |
Người con bật khóc nức nở khi không thấy bố trở về cùng thuyền |
Giây phút tàu bị đâm chìm giữa đêm tối
Chiều 29/3, sức khoẻ của thuyền trưởng và thuyền viên tàu Hải Thành 26 BLC đã ổn định trở lại. Được đích thân Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa đến tận nơi thăm hỏi, động viên, ông Nguyễn Viết Thắng (47 tuổi, quê Thái Bình, thuyền trưởng tàu Hải Thành 26 BLC) tỏ ra phấn chấn hơn so với đêm được đưa vào bờ.
Ngoài việc nói lời cảm ơn đến lực lượng chức năng, thuyền trưởng Thắng khẩn thiết nhờ bộ trưởng Trương Quang Nghĩa cùng các đơn vị cố gắng tìm kiếm bằng được 9 thuyền viên còn lại đang bị mất tích.
Kể về giây phút tàu bị đâm chìm, ông Thắng nói rằng khuya 27/3, khi ông vừa kết thúc ca lái tàu của mình và vào khoang để nghỉ ngơi. Khi vừa chợp mắt được ít phút thì ông bị đánh thức bởi tiếng động lớn khiến con tàu rung lắc và động cơ máy dừng đột ngột.
Thuyền trưởng Nguyễn Viết Thắng cho biết, thời điểm tàu bị đâm chìm xảy ra rất nhanh. Ảnh: Văn Dũng |
“Theo quán tính, tôi bật dậy và chạy lên boong kiểm tra thì phát hiện tàu bị nghiêng và đang chìm. Tôi nhanh chóng chạy vào trong để cố gắng gọi anh em dậy và nhấn chuông báo động nhưng bất thành. Nước ập vào rất nhanh và tôi bị hút vào khoang. Một lúc sau, tôi cầm được phao và nổi lên mặt nước. Từ khi tàu nghiêng cho đến lúc chìm hẳn chỉ khoảng 3 phút”, thuyền trưởng Thắng kể.
Còn anh Hoàng Tiến Khôi (27 tuổi, quê Hải Dương, sỹ quan boong) cho biết, thời điểm xảy ra tai nạn, anh Khôi đang trực tại cabin của tàu.
Theo anh Khôi, tàu Hải Thành 26 BLC đang lưu thông thì bị tàu chưa rõ số hiệu đâm mạnh vào mạn phải theo góc 90 độ. Trong tích tắc, tàu Hải Thành 26 BLC đổ nghiêng và nước tràn vào khoang dữ dội.
“Lúc tàu gặp nạn, tôi đã cố gắng bấm chuông báo động nhưng nước ập tới và nhấn tôi chìm xuống. Lúc đó, phần lưng của tôi đập mạnh vào thành cabin và khi nổi lên mặt nước thì đầu bị sóng xô, đập vào thành chiếc tàu gây tai nạn”, anh Khôi nhớ lại.
Anh Khôi (người ngồi bên phải ông Thắng) cho biết lúc tàu gặp nạn, anh đã cố gắng bấm chuông báo động nhưng nước ập tới và nhấn tôi chìm xuống. Ảnh: Văn Dũng |
Cũng theo người sỹ quan boong, khi nổi lên mặt nước, Khôi thấy thuyền trưởng đang trôi dạt cạnh đó nên 2 người hỏi han tình hình và kêu gọi, tìm kiếm những người còn lại.
Bị sóng hất mạnh, thuyền trưởng Thắng và anh Khôi bám và leo lên được chiếc phao bè lênh đênh trên biển giữa đêm tối. Để duy trì sự sống, hai người liên tục tát nước ra khỏi phao và phát đi tín hiệu cầu cứu. Khoảng 2 giờ sau khi tàu chìm, họ phát hiện tàu (chưa rõ số hiệu) đang tiến lại gần nên bắn pháo lên trời làm hiệu.
Vị thuyền trưởng 47 tuổi kể thêm, khi chiếc tàu đến gần, những người trên tàu dùng đèn soi về phía người phát pháo hiệu. Để những người trên boong nhìn thấy, ông Thắng dùng bao bạc bọc vào chèo rồi quơ lên cao.
“Tàu đó đến gần, cách chúng tôi khoảng 200 m nhưng sóng to, gió lớn nên không thể tiếp cận. Gần 2 giờ sau, đèn của chúng tôi hết pin, đuốc cũng hết nên không ai tìm thấy”, thuyền trưởng kể. Người gặp nạn nói rằng, trên phao bè có nước uống, lương khô và vật dụng để giữ ấm cơ thể nên họ không rơi vào tình trạng đói, khát.
“Cả đêm lênh đênh trên biển, tôi và Khôi không dám ngủ mà liên tục gọi nhau để nắm bắt tình hình. Lúc đó tư tưởng hoang mang, nghĩ đến mọi người và nghĩ chắc mình chắc không sống sót ”, ông Thắng nói.
Theo Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn Hàng hải khu vực 3 (Trung tâm 3), ông Thắng và anh Khôi lênh đênh trên biển đến 8h thì được tàu Petrolimex 14 đang hoạt động gần đó phát hiện, cứu lên boong. Khuya 28/3, họ được tàu SAR 272 của Trung tâm 3 đưa về đất liền an toàn.
Người thân mỏi mắt ngóng chờ tin thuyền viên nơi bến cảng
Người thân các thuyền viên còn bị mất tích ngóng đợi tin của con em mình từ biển khơi. Ảnh: Văn Dũng |
Có mặt tại bến cảng trong Trung tâm tìm kiếm cứu nạn Hàng hải khu vực 3 (TP Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu), nhiều người thân của các thuyền viên Lê Văn Ba (23 tuổi, quê Thanh Hoá, thợ máy tàu Hải Thành 26 BLC), Vũ Thế Kiên (quê Thanh Hoá, sỹ quan máy), Nguyễn Duy Đại, Mai Văn Dương (cùng là thủy thủ, cùng quê Thanh Hoá) đang mỏi mắt ngóng chờ tin con em mình nơi biển khơi.
Anh trai thuyền viên Lê Văn Ba luôn hướng mắt dõi theo những chiếc tàu ra vào cảng để ngóng tin em. Ảnh: Văn Dũng |
Anh Lê Văn Tân (anh ruột thuyền viên Lê Văn Ba) cho biết, 4 thuyền viên Ba, Kiên, Đại và Dương ở cùng xóm với nhau. Họ mới đi biển được gần 1 năm nay. Riêng thuyền viên Ba vừa mới xuống tàu Hải Thành 26 BLC làm sỹ quan máy từ hồi tháng 10/2016 sau khi tốt nghiệp ngành cơ khí.
“Cả nhà tôi từ hôm qua đến giờ cứ đứng ngồi không yên, không biết em trai tôi hiện giờ ra sao nữa. Nó còn trẻ, mới ra trường đi làm được mấy tháng thì gặp nạn”, anh Tân nói.
Khi có tàu cập cảng, những người thân vội chạy đến hỏi thăm tình hình nhưng vẫn không nhận được tín hiệu tích cực. Ảnh: Văn Dũng |
Ngồi hướng mắt về phía biển, những người thân của các thuyền viên thi thoảng cứ chạy đến hỏi thăm khi có tàu từ ngoài khơi vào cập bến. Nhưng, tất cả họ đều nhận lại được những cái lắc đầu khi tung tích 9 thuyền viên vẫn bặt vô âm tín.
Trước đó, vào khuya 27/3, tàu Hải Thành 26 BLC đang lưu thông ngoài khơi thì va chạm với tàu khác chưa rõ số hiệu. Vị trí tai nạn khoảng 10 độ 18,9 phút vĩ độ Bắc, 107 độ 45,6 phút kinh độ Đông, cách mũi Vũng Tàu khoảng 43 hải lý về phía Đông. Trên tàu có 11 thuyền viên. Sau khi tiếp nhận thông tin, Trung tâm 3 đã huy động tàu Petrolimex 14 đang hoạt động gần khu vực đến tìm kiếm. Đồng thời điều động 2 tàu SAR 413 và SAR 272 rời cầu ra hiện trường để tổ chức tìm kiếm cứu nạn. Tại hiện trường, tàu Petrolimex 14 đã phát hiện 2 phao bè và cứu được 2 thuyền viên. |