Tỉ USD đổ vào trường đua ngựa, đua chó, đua F1

Hàng loạt dự án giải trí quy mô lớn xây dựng trường đua ngựa, đua chó, đua F1... đã và đang được đề xuất đầu tư trên cả nước với số vốn lên tới hàng tỉ USD.
Tỉ USD đổ vào trường đua ngựa, đua chó, đua F1 - Ảnh 1.

Tại một lễ hội đua ngựa ở phía Bắc thu hút đông đảo người xem. (Ảnh: Vũ Tuấn).

Các dự án kinh doanh trường đua, có đặt cược, kết hợp bất động sản nghỉ dưỡng đang hấp dẫn các nhà đầu tư tư nhân vì lợi nhuận hứa hẹn mà nó mang lại.

Hàng loạt dự án được đề xuất

Bộ Kế hoạch - đầu tư (KH-ĐT) vừa có văn bản trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư dự án tổ hợp vui chơi giải trí đa năng - trường đua ngựa tại Sóc Sơn, TP Hà Nội. 

Theo đó, hai nhà đầu tư là Tổng công ty Du lịch Hà Nội và Global Consultant Network Co., Ltd (Hàn Quốc) được chọn thực hiện dự án.

Quy mô sử dụng đất của dự án dự kiến lên tới 125ha, trong đó sẽ làm trường đua ngựa - sân vận động phục vụ đua ngựa sức chứa 30.000 khán giả rộng 99,5ha, hồ điều hòa 22,5ha, khách sạn 3 sao 1,5ha, trung tâm hội nghị hội thảo 0,5ha và khu biệt thự nghỉ dưỡng 1ha.

Theo tính toán của Tổng công ty Du lịch Hà Nội và Global Consultant Network Co., Ltd, dự án trường đua ngựa có tổng vốn đầu tư lên tới khoảng 9.557 tỉ đồng, tương đương 420 triệu USD, trong đó riêng hạng mục trường đua ngựa có vốn đầu tư khoảng 348 triệu USD.

Cũng liên quan tới đầu tư trường đua ngựa, mới đây Tập đoàn FLC cũng gửi văn bản đến TP Hà Nội đề xuất quy hoạch và đầu tư một khu phức hợp sân vận động, vui chơi giải trí có đường đua F1, trường đua ngựa tại Đông Anh hoặc Sóc Sơn... thuộc Hà Nội, với số vốn đầu tư lên tới 25.000 tỉ đồng.

Trong khi đó, TP Hà Nội đã lên kế hoạch huy động vốn tư nhân để xây dựng đường đua F1 theo 2 phương án: nâng cấp đường phố hiện có tại khu trung tâm thể thao quốc gia Mỹ Đình hoặc xây dựng mới đường đua.

Ước tính, trong 10 năm tổ chức giải đua F1 (2020-2030) sẽ tốn khoảng 570 triệu USD (khoảng 13.000 tỉ đồng) nâng cấp đường đua. 

Trường hợp Hà Nội đầu tư xây mới đường đua F1 sẽ tiêu tốn khoảng 270 triệu USD (trên 6.000 tỉ đồng). Mỗi lần tổ chức giải đua phải góp chi phí tổ chức giải khoảng vài chục triệu USD/năm.

Trăm hoa đua nở

Việc bỏ hàng trăm triệu USD để đầu tư các dự án giải trí kết hợp bất động sản nghỉ dưỡng không chỉ diễn ra tại đô thị lớn như Hà Nội. 

Vừa qua, lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh cũng đề nghị Bộ KH-ĐT gỡ vướng cho dự án trung tâm dịch vụ thể thao giải trí đua chó Xuân Thành tại khu du lịch Xuân Thành, huyện Nghi Xuân của tỉnh này. 

Đến nay, trường đua chó Xuân Thành đã được Công ty CP Hồng Lam Xuân Thành xây dựng xong, chi phí đầu tư khoảng 300 tỉ đồng nhưng chưa thể đua có cá cược vì chưa được cấp phép.

Trước đó, phía Nam đã có nhiều dự án trường đua hoạt động và tỉnh Phú Yên cũng đề xuất Thủ tướng cho đầu tư trường đua chó, đua ngựa có cá cược tại huyện Tuy An. 

Theo đề xuất của Công ty TNHH Trường đua ngựa Phú Yên, quy mô đầu tư lên tới khoảng 100 triệu USD (trên 2.300 tỉ đồng), với diện tích xây dựng 82,4ha mặt đất và 13ha mặt biển - thuộc dạng lớn so với những dự án hiện hữu.

Doanh thu lớn, lợi nhuận cao?

Dự án trường đua ngựa Sóc Sơn có mục tiêu xây dựng trường đua ngựa, tổ chức hoạt động đua ngựa, hoạt động đặt cược đua ngựa, tổ chức đại lý đua ngựa bên ngoài đường đua, buôn bán nhập khẩu ngựa. 

Đáng lưu ý, phương án kinh doanh cũng đã rõ ràng hơn: thông qua đơn vị có giấy phép sản xuất truyền hình trong nước, sẽ liên kết để sản xuất, xuất khẩu nội dung các chương trình đua ngựa ra 50 đại lý thuộc dự án, ra quốc tế.

Đặc biệt, dự án cũng hướng tới mục tiêu kinh doanh bất động sản nghỉ dưỡng thông qua đầu tư, xây dựng, kinh doanh khách sạn 3 sao, biệt thự du lịch nghỉ dưỡng chuẩn 3 sao, trung tâm thương mại, hội nghị, hội thảo trong khu vực dự án.

Theo tính toán của Tổng công ty Du lịch Hà Nội và Global Consultant Network Co., Ltd, doanh thu bình quân dự án trường đua ngựa Sóc Sơn khoảng 4.804 tỉ đồng/năm, chủ yếu đến từ hoạt động đặt cược đua ngựa, vui chơi, nghỉ dưỡng.

Tuy nhiên, khi trình Thủ tướng thông qua chủ trương đầu tư, Bộ KH-ĐT cũng chỉ ra những tác động tiêu cực của dự án, như ảnh hưởng đến diện tích trồng lúa, số lao động nông nghiệp bị ảnh hưởng do thu hồi đất lên tới 3.280 nhưng dự án chỉ tạo việc làm cho khoảng 600 lao động.

Một số chuyên gia cho rằng việc cấp phép cần tính toán trên lợi ích tổng thể nhưng cũng phải có quy định để hạn chế những tác động tiêu cực. Đặc biệt, cần hạn chế cấp đất "bờ xôi ruộng mật" cho dự án.

Trả lời Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Đức Chung - chủ tịch UBND TP Hà Nội - cho rằng không phải nước nào cũng được cấp phép tổ chức giải đua F1, khách của giải đua F1 là phân khúc khách du lịch cao cấp, đó là cuộc đua về công nghệ chứ không đơn thuần là thể thao. Chỉ đội hậu cần phục vụ đua F1 đã lên tới 12.000 người.

Ông Chung khẳng định đến mùa đua thì ngăn đường lại tổ chức giải đua, khi giải đua kết thúc, hạ tầng đường đua, các hạng mục phụ trợ khác như một công viên phục vụ người dân.

Với trường đua ngựa Sóc Sơn, ông Chung cho hay đã nằm trong quy hoạch chung thủ đô được duyệt từ năm 2011 và khẳng định sẽ tạo việc làm cho khoảng 5.000 người và tạo ra những ngành nghề chăn nuôi và kích thích việc làm ăn theo.

Ông Phạm Tất Đính, phó tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản VN, cho rằng việc hàng loạt nhà đầu tư bỏ nghìn tỉ vào các dự án giải trí dạng trên do tiềm năng du lịch VN rất lớn. 

Các dự án trường đua ngựa, đua chó hay đua F1 sẽ tạo thêm động lực cho phát triển kinh tế du lịch. 

Tuy nhiên, VN cần phát triển thêm các dịch vụ giải trí khác để nâng cao chất lượng du lịch, để khách tiêu nhiều tiền hơn tại VN.

Quan tâm rủi ro của loại hình kinh doanh

Tỉ USD đổ vào trường đua ngựa, đua chó, đua F1 - Ảnh 3.

TS Huỳnh Thế Du - ĐH Fulbright VN.


Trước câu hỏi về các dự án giải trí lớn gắn với cá cược có phát triển quá nhiều hay không, TS Huỳnh Thế Du - ĐH Fulbright VN - cho rằng hoạt động kinh doanh trên được nhiều nhà đầu tư cùng bỏ vốn vào phụ thuộc quy luật cung cầu thị trường.

Nếu tư nhân bỏ vốn, chỉ xin Nhà nước cấp chủ trương đầu tư, ông Du cho rằng chỉ nên quan tâm tới các rủi ro, khuyết tật của hoạt động kinh doanh trường đua có đặt cược.

Nếu dự án hiệu quả sẽ mang lại lợi ích cho cả nhà đầu tư và Nhà nước.

Việc đầu tư 1 dự án hay 10 dự án nên để cho thị trường quyết định, về nguyên tắc không có vấn đề gì vì họ tự chịu trách nhiệm với dự án đầu tư.

Chỉ khi việc cấp phép đầu tư dự án có gì đó không minh bạch mới cần phải quan tâm.

* GS.TSKH ĐẶNG HÙNG VÕ (nguyên thứ trưởng Bộ Tài nguyên - môi trường):

Vẫn cần có kiểm soát

Cần tính chi phí lợi ích, đất lúa ở vùng chuyên trồng lúa cần giữ. Rồi lao động mất đất không thể vào dự án làm đời sống sẽ ra sao cần đặt ra với cả nhà đầu tư và cơ quan phê duyệt dự án.

Việc cấp phép các dự án trường đua ngựa, đua chó cũng giống như sân golf, đến thời điểm nào đó tỉnh nào cũng xin.

Theo Luật quy hoạch, sẽ xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, nên cần cập nhật quy hoạch trường đua vào quy hoạch tích hợp này để kiểm soát việc cấp phép.

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.