Tiền ảo đứng trước những ‘chế tài’ mới

Nhằm ngăn chặn các rủi ro có thể phát sinh từ đồng tiền kỹ thuật số (tiền ảo), một số tổ chức, quốc gia tiếp tục lên tiếng về cách “ứng xử” với loại tiền này. - Thông tin chính thống hoạt động, quyết định, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng, Phó Thủ tướng về kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, ngoại giao; và thế giới...

Nhằm ngăn chặn các rủi ro có thể phát sinh từ đồng tiền kỹ thuật số (tiền ảo), một số tổ chức, quốc gia tiếp tục lên tiếng về cách “ứng xử” với loại tiền này.

Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Christine Lagarde ngày 13/3 kêu gọi các chính phủ và ngân hàng trung ương các nước phối hợp trong việc ban hành các quy định về các tài sản kỹ thuật số. Mục đích là không để các tài sản này trở thành công cụ mới cho việc rửa tiền và tài trợ khủng bố.

Theo bà Lagarde, các đồng tiền ảo được tạo ra trên cơ sở tập trung hóa và không cần một ngân hàng trung ương, cho phép thực hiện các giao dịch ẩn danh nên có thể trở thành công cụ mới cho việc rửa tiền và tài trợ khủng bố.

Tổng Giám đốc IMF cho biết trước khi đóng cửa trang web "đen" AlphaBay vào tháng 7/2017, số thuốc lậu, công cụ tấn công mạng, súng cầm tay và hóa chất độc hại trị giá khoảng 1 tỷ USD đã được giao dịch bằng tiền ảo trên trang web này.

Theo bà Lagarde, để bảo vệ người tiêu dùng trước các đồng tiền ảo, có thể sử dụng chính những công nghệ nền tảng của các đồng tiền ảo để tăng cường chia sẻ thông tin giữa người giao dịch và các nhà quản lý cũng như mở sổ đăng ký thông tin khách hàng.

Nhà chức trách cũng có thể sử dụng sinh trắc học, trí tuệ nhân tạo và mật mã để tăng cường an ninh số và phát hiện các giao dịch khả nghi. Việc áp dụng các quy định về an toàn đối với các đồng tiền ảo cũng có thể tăng cường sự minh bạch và cảnh báo cho người mua về các rủi ro tiềm ẩn.

Bà Lagarde cho biết nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) sẽ xem xét việc quản lý các đồng tiền ảo trong năm nay.

Liên quan đến đồng tiền ảo, Google ngày 14/3 thông báo từ tháng 6 tới, tất cả quảng cáo cho những sản phẩm tài chính không được kiểm soát hoặc có tính đầu cơ (như tiền điện tử, cá cược) sẽ không được xuất hiện trên các mục quảng cáo của trang này.

Tại Thái Lan, trong phiên họp ngày 13/3, Nội các Thái Lan đã nhất trí việc soạn thảo một đạo luật quản lý các giao dịch bằng tiền điện tử và đánh thuế loại hình thị trường tài chính mới mẻ nhưng chưa được quản lý này.

Bộ Tài chính Thái Lan cũng đệ trình một dự luật nhằm ngăn chặn việc lợi dụng tiền kỹ thuật số để rửa tiền và gian lận.

Trong khi đó, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Thái Lan (BoT) cũng cho biết nước này sẽ có một đạo luật để quản lý một cách toàn diện tiền kỹ thuật số và việc gọi vốn đầu tư bằng tiền kỹ thuật số (ICO) trong tháng 4 tới.

Còn Tổng Thư ký Ủy ban Chứng khoán và Hối đoái Thái Lan nói rằng cơ quan này trông đợi “một Sắc lệnh Hoàng gia” để được quyền điều chỉnh “tất cả các khía cạnh” của ngành tiền điện tử, bao gồm cả các sàn giao dịch và hoạt động gọi vốn đầu tư bằng tiền ảo.

Cũng ở Thái Lan, hồi đầu năm nay, BoT đã yêu cầu các ngân hàng thương mại và tổ chức tài chính trong nước dừng toàn bộ hoạt động liên quan đến tiền kỹ thuật số vì lo ngại việc giao dịch không được kiểm soát.

Trong diễn biến liên quan, hồi cuối tháng 1/2018, Facebook cũng thông báo cấm các quảng cáo liên quan đến tiền điện tử vì cho rằng những nội dung này thường gây nhầm lẫn hoặc mang tính lừa đảo.

Các nước như Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ đã cấm giao dịch tiền ảo. Giới chức Liên minh châu Âu (EU) cũng lên tiếng yêu cầu siết chặt kiểm soát tiền kỹ thuật số.

chọn