Tiến độ khu công nghiệp Sơn Mỹ 1 tại Bình Thuận

KCN Sơn Mỹ 1 ở Bình Thuận có tổng mức đầu tư 2.300 tỷ. Hiện dự án đã bàn giao mặt bằng khoảng 86/375 ha; phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cho 21 hộ dân, 6 tổ chức với diện tích hơn 214 ha.

Phối cảnh khu công nghiệp Sơn Mỹ I. (Ảnh: Báo Bình Thuận).

Theo Cổng Thông tin điện tử tỉnh Bình Thuận, lãnh đạo tỉnh này vừa có buổi kiểm tra tiến độ thực hiện công tác giải phóng mặt bằng dự án Khu công nghiệp Sơn Mỹ 1, huyện Hàm Tân. 

Theo báo cáo của UBND huyện Hàm Tân, tổng diện tích đất phải thu hồi để thực hiện dự án là 375 ha, hiện đã bàn giao mặt bằng hơn 86 ha. Phần diện tích còn lại cần thực hiện đền bù giải phóng mặt bằng là gần 289 ha, trong đó có 80 hộ dân và 10 tổ chức.

Đến nay, tỉnh đã kiểm kê được 56 hộ dân và 6 tổ chức với diện tích hơn 233 ha (chiếm 81%); đã xét tính pháp lý cấp xã được 29 hộ dân và 6 tổ chức với diện tích gần 217 ha (chiếm 75%); đã thông qua Hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cho 25 hộ dân và 6 tổ chức với diện tích gần 215 ha; đã phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cho 21 hộ dân và 6 tổ chức với diện tích hơn 214 ha (chiếm 74,3%). 

Tiến độ thực hiện còn chậm, nhất là trong công tác xây dựng, thẩm định phương án giá đất cụ thể để phục vụ giải phóng mặt bằng, giao và cho thuê đất khu công nghiệp. Bên cạnh đó, việc phối hợp, đôn đốc giữa địa phương với đơn vị tư vấn chưa chặt chẽ, công tác chuẩn bị đầu tư xây dựng các công trình ngoài hàng rào phục vụ cho khu công nghiệp chậm. 

Lãnh đạo UBND tỉnh yêu cầu UBND huyện Hàm Tân tập trung xây dựng bảng giá đất cụ thể để phục vụ công tác đền bù giải phóng mặt bằng cho dự án. Chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng và Kinh doanh Kết cấu Hạ tầng Khu công nghiệp Sơn Mỹ (IPICO) tiếp tục phối hợp với UBND huyện Hàm Tân và các cơ quan của tỉnh trong công tác giải phóng mặt bằng. 

Khu công nghiệp Sơn Mỹ 1 có chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng và Kinh doanh Kết cấu Hạ tầng Khu công nghiệp Sơn Mỹ (IPICO), tổng mức đầu tư 2.300 tỷ đồng. Quy mô dự án khoảng 1070 ha, nằm sát QL 55, thuộc xã Sơn Mỹ, huyện Hàm Tân. Đây là khu vực kinh tế trọng điểm phía nam của Bình Thuận, tiếp giáp với tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu.

Khu công nghiệp được quy hoạch với các chức năng đất xí nghiệp, nhà máy; khu trung tâm dịch vụ; khu đầu mối hạ tầng kỹ thuật; đất cây xanh và mặt nước. Trong đó, nổi bật là hai nhà máy điện khí Sơn Mỹ 1, Sơn Mỹ 2 được xây dựng trên diện tích ước tính 200 ha, Kho cảng khí LNG khoảng 100 ha, hơn 430 ha đất dành cho các nhà máy, xí nghiệp. 

Trước đó, dự án được Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương đầu tư vào tháng 12/2017, Ban Quản lý các khu công nghiệp Bình Thuận cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư vào tháng 1/2018 và khởi công vào ngày tháng 8/2022. 

chọn
Chủ tịch Lương Minh Tuấn: Kính siêu trắng sẽ là mũi nhọn 5 năm tới của Đạt Phương, dự kiến bắt đầu có doanh thu hàng nghìn tỷ từ 2026
Theo kế hoạch, quý I /2025 Đạt Phương sẽ khởi công nhà máy sản xuất kính siêu trắng tại Thừa Thiên - Huế, dự kiến từ 2026 sẽ mang về doanh thu 1.500 - 2.000 tỷ đồng. Chủ tịch Đạt Phương cho biết, đây là ngành mũi nhọn của Đạt Phương trong thời gian tới, doanh nghiệp đang có những lợi thế lớn trên thị trường kính siêu trắng.