Vừa qua, Ban Quản lý Đầu tư Xây dựng Công trình giao thông tỉnh Tiền Giang đã công bố Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của tuyến đường phát triển Đồng Tháp Mười (giai đoạn 1).
Theo đó, vùng Đồng Tháp Mười là vùng đất ngập nước rộng khoảng 697.000 ha, trải rộng qua ba tỉnh Long An, Tiền Giang và Đồng Tháp.
Trong những năm qua, vùng Đồng Tháp Mười đang từng bước được quan tâm định hướng phát triển kinh tế với thế mạnh nuôi trồng thủy hải sản và du lịch sinh thái. Song hiện nay vùng Đồng Tháp Mười gặp nhiều khó khăn, nhất là hệ thống giao thông đường bộ liên kết các vùng còn hạn chế.
Việc đầu tư đường phát triển vùng Đồng Tháp Mười (giai đoạn 1) là hết sức cần thiết, dự án vừa đáp ứng được nhu cầu giao thông để phục vụ nhu cầu dân sinh, kinh tế của địa phương, vừa tạo ra giá trị kinh tế lớn góp phần thúc đẩy môi trường đầu tư, ổn định kinh tế - xã hội.
Theo Ban Quản lý Đầu tư Xây dựng Công trình giao thông (chủ dự án), đường phát triển Đồng Tháp Mười (giai đoạn 1) có tổng chiều dài hơn 12 km. Tuyến đi qua các xã Tân Lý Đông, huyện Châu Thành; trung tâm Mỹ Phước, huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang.
Điểm đầu tuyến giao đường ĐT 878 tại nút giao tuyến nhánh cao tốc (nút giao Thân Cửu Nghĩa) với ĐT 878, thuộc địa phận xã Tân Lý Đông, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang. Điểm cuối tuyến giao nút giao vòng xoay Tân Phước, thuộc địa phận trung tâm thị trấn Mỹ Phước, huyện Tân Phước.
Mục tiêu dự án nhằm tạo thuận lợi liên kết vùng, kết nối giao thông từ nút giao Thân Cửu Nghĩa (thuộc cao tốc trung lương - TP HCM) đến Trung tâm huyện Tân Phước, cùng với tuyến ĐT 865, ĐT 867 hình thành trục giao thông tuyến liên kết vùng Đồng Tháp Mười kết nối ba tỉnh Tỉnh Long An, Tiền Giang và Đồng Tháp với TP HCM.
Cùng với đó, tạo điều kiện tiếp cận giao thông thuận lợi từ QL 1, cao Tốc Trung Lương - TP HCM vào vùng Đồng Tháp Mười. kết nối giao thông các khu công nghiệp Tân Phước, Long Giang...
Bên cạnh đó, chỉnh trang đô thị trung tâm Thị Trấn Mỹ Phước, huyện Tân Phước đạt chuẩn đô thị loại V trước năm 2020 và sau năm 2020 phát triển khu đô thị gắn với phát triển công nghiệp, thương mại - dịch vụ khu vực Đông Nam Tân Phước.
Tổng diện tích sử dụng đất của dự án này là 92,44 ha. Trong đó, huyện Tân Phước chiếm 92 ha (đất lúa 40 ha; đất khác 52 ha); huyện Châu Thành chiếm 0,44 ha.
Về hiện trạng, tổng cộng là 12 km (giải phóng mặt bằng), chiều dài thiết kế xây dựng (7,5 km) đi qua các khu dân cư sống rải rác dọc theo các tuyến đường giao thông, tuyến kênh trong khu vực tại xã Tân Lý Đông, xã Tân Lập 1, xã Phước Lập và thị trấn Phước Mỹ.
Tuyến đi qua chủ yếu đất trồng lúa của các cụm dân cư dọc theo các tuyến đường. Tại các các khu vực tập trung dân cư trên có một số trường học như THPT Tân Phước, tiểu học Phước Lập, THCS Tân Lập.
Khu vực dự án có hệ thống đường giao thông tương đối thuận lợi, các tuyến đường ra vào nhà máy đều là đường nhựa. Cụ thể bao gồm cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, TL 865, TL 866B và TL 876 và các tuyến đường liên xã.
Về quy mô xây dựng, phân cấp công trình bao gồm đường ô tô cấp IV; cận tốc thiết kế 60 km/h (đường ô tô cấp IV). Chiều rộng mặt đường rộng 7 m; chiều rộng lề gia cố 1 m; chiều rộng lề không gia cố rộng 1 m; chiều rộng nền đường 9 m.
Dự án này được chia thành hai phân đoạn, bao gồm phân đoạn 1 (đoạn tuyến nghiên cứu giai đoạn 1), đoạn từ nút giao với đường ĐT 878 giao tuyến nhánh cao tốc (nút giao Thân Cửu Nghĩa) với ĐT878 đến bờ kênh 3 (ĐH43). Chiều dài đoạn tuyến khoảng 7,5 km.
Tim tuyến thẳng và cắt ngang 6 dòng chảy lớn cần bố trí cầu và 10 dòng chảy nhỏ cần bố trí công trình thoát nước phục vụ tưới tiêu người dân. Phía trái tuyến đoạn gần kênh 1 giáp dự án Quy hoạch KCN Tân Phước 1 đang được chuẩn bị đầu tư.
Phân đoạn 1 tim tuyến được chia làm hai phương án tim thiết kế, phương án 1 là tim tuyến đi giữa ranh giải phóng mặt bằng đều ra mỗi bên 40 m.
Phương án 2 tim tuyến đi lệch sang phải so với phương án 1 khoảng 4,75 m dự trù cho việc xây dựng giai đoạn sau khi hình thành các cụm công nghiệp và các trung tâm kinh tế trong khu vực với trong giai đoạn đoạn 2 quy mô mặt cắt ngang dự kiến nền đường khoảng 27,5 m trong đó 16 m mặt đường, 1,5 m dải phân cách và 5 m lề đường.
Trong hai phương án tuyến thiết kế, tư vấn thiết kế kiến nghị chọn Phương án 2 tim thiết kế đi tim tuyến đi lệch sang phải làm tim thiết kế nền đường cho giai đoạn 1.
Phân đoạn 2 có đoạn từ bờ kênh 3 (ĐH 43) (giáp cuối phân đoạn 1) đến nút giao nút vòng xoay Tân Phước, thị trấn Mỹ Phước huyện Tân Phước. Tim tuyến thẳng và cắt ngang các dòng chảy lớn cần bố trí cầu và các dòng chảy nhỏ cần bố trí công trình thoát nước phục vụ tưới tiêu người dân (không thuộc phạm vi nghiên của dự án này).
Về tiến độ, dự kiến thời gian thực hiện đầu tư dự án khoảng 5 năm. Bắt đầu chuẩn bị đầu tư dự án vào khoảng quý I năm 2022; khởi công dự án trong năm 2024 và hoàn thành trong năm 2026.
Tiến độ chi tiết và nhu cầu vốn dự kiến cho từng năm, năm 2024 sẽ tiếp tục triển khai thiết kế, giải phóng mặt bằng và rà phá bom mìn; tổ chức khởi công thi công công trình; năm 2023 - 2026 sẽ tiếp tục triển khai thi công và hoàn thành phần vốn trung hạn giai đoạn 1 từ năm 2021 - 2025.
Tổng mức đầu tư của dự án là 596 tỷ đồng. Trong đó, chi phí giải phóng mặt bằng 272,5 tỷ đồng; chi phí xây dựng 264,5 tỷ đồng; chí phí quản lý dự án 3,8 tỷ đồng; chi phí tư vấn đầu tư 14,5 tỷ đồng; chi phí khác là 11 tỷ và chi phí dự phòng là 29,5 tỷ đồng.
Nguồn vốn đầu tư từ Vốn ngân sách Trung ương 432 tỷ đồng và phần còn lại ngân sách địa phương.