Đêm giao thừa là thời khắc khép lại năm cũ với những câu chuyện vui buồn đan xen và chào đón năm mới với mọi điều hanh thông. Đối với Việt Nam, quốc gia đa dạng văn hóa với nhiều phong tục, tập quán thì đêm giao thừa là thời điểm có nhiều hoạt động ý nghĩa diễn ra. Phong tục đốt lửa đêm giao thừa là một trong số đó.
Theo nhiều người đã lớn tuổi, phong tục đốt lửa vào đêm giao thừa có nguồn gốc từ Campuchia. Người dân thường đốt một đống lửa lớn ở đầu làng vào đêm giao thừa để cùng nhau nhảy múa, uống rượu và chúc mừng nhau. Theo thời gian, hoạt động này du nhập vào Việt Nam và duy trì cho đến hiện tại.
Tại nhiều địa phương khác, người dân cho biết do đêm giao thừa thời tiết khá lạnh nên gia đình đốt lửa để sưởi ấm khi gia đình quây quần bên nhau đêm cuối năm. Dù một khu vực sẽ có câu chuyện khác nhau về nguồn gốc của hoạt động nhưng điều không thay đổi đấy chính là cứ độ 29 Tết, người dân lại tất bật chuẩn bị củi trước sân để đốt vào đêm tất niên.
Phong tục đốt lửa đêm giao thừa được duy trì cho đến hiện tại chính bởi những ý nghĩa của hoạt động. Với nhiều gia đình, ngọn lửa chính là khởi nguồn cho sự sống, lửa sáng bừng cũng đại diện cho sự sinh trưởng. Bên cạnh đó, lửa giúp xua đuổi ma khí, bảo vệ những thành viên trong gia đình khỏi điều xui xẻo.
Không những thế, nhiều người còn cho rằng, việc đốt lửa trong đêm giao thừa là một sự thắp sáng. Điều này giúp gia chủ sẽ gặp được nhiều may mắn, mọi việc thuận lợi, hanh thông khi bước sang năm mới.
Việc đốt lửa đêm giao thừa cũng sẽ có sự khác biệt giữa các gia đình từ việc chuẩn bị đến châm lửa đốt. Tuy nhiên, theo nhìn nhận của người dân, việc này thường do người đàn ông được xem là trụ cột của gia đình thực hiện.
Ngoài ra, khi đốt lửa cũng cần cẩn trọng trong việc chọn củi. Củi để đốt lửa phải là củi khô để lửa bắt nhanh và cháy đều. Đốt lửa bằng củi tươi là điều cần tránh vì khi đốt lửa có thể bị tắt lửa giữa chừng, đây là điềm báo cho những chuyện không may, trắc trở sẽ xảy đến cho gia đình trong năm mới.