Công binh bắt đầu tìm mộ trong sân bay. Ảnh: T.N.A. |
Ngổn ngang công trường
Khu vực tìm kiếm mà các nhà nghiên cứu, sử học, những người quan tâm và các tài liệu được trao đổi, cung cấp trên internet để tìm mộ tập thể các liệt sĩ hóa ra lại nằm gọn trong khu vực đang san lấp mặt bằng. Con đường bao nhỏ quanh sân bay, nơi mà các tấm ảnh tư liệu cũ chụp lại, nay vẫn còn, đã được trải nhựa.
Thậm chí cái bốt gác cũ có trong các tấm hình tuy bị phá bỏ nhưng vẫn còn những viên đá lớn sót lại. Một sĩ quan còn cho biết: “Chúng tôi tìm thấy dép cao su, nhưng không rõ là ở vị trí này hay do san ủi, hoặc người ta đem tới vất ở đây!”.
Nhưng tuyệt đại đa số diện tích khu vực này đã bị đào xới sâu hàng mét bằng máy ủi, nên khung cảnh chỉ là một màu đất đai đỏ vàng, lâu lâu mới có vài chỗ còn cỏ xanh.
Đại diện Sư đoàn Không quân 370 báo cáo với đoàn công tác: “Chúng tôi đã quán triệt với đơn vị thi công là tại khu vực này rất có thể còn mộ tập thể, mộ đơn lẻ của các chiến sĩ ta hi sinh trong năm 1968.
Do vậy, nếu đơn vị thi công nào phát hiện mộ thì phải dừng ngay và báo cáo cho bộ đội phối hợp quy tập”. Đại diện cho bên san ủi mặt bằng cũng khẳng định: “Chúng tôi vẫn thực hiện san lấp kết hợp tìm kiếm mộ, nếu phát hiện thấy mộ sẽ báo cáo ngay lên các đơn vị”.
Những ý kiến về các ngôi mộ không phải vô cớ được đặt ra, trước đây cũng tại khu vực này đã tìm thấy một ngôi mộ hàng trăm hài cốt đã được đưa về quy tập tại nghĩa trang.
Ông Nguyễn Văn Hòa - Phó ban quản lý sân bay Tân Sơn Nhất từ 1990 đến 2003, người từng chứng kiến việc quy tập lần trước, nói với phóng viên Tiền Phong: “Chúng tôi làm việc ở đây nhiều năm và ai cũng biết là trong sân bay có một số ngôi mộ tập thể của chiến sĩ ta, nhưng việc tìm kiếm không có kết quả, vì sân bay rất rộng, cỏ dại mọc nhiều và những ngôi mộ tập thể thì được chôn lấp sơ sài”.
Ông Hòa kể: “Lần trước, tìm được ngôi mộ tập thể đó là do có một người lính chế độ cũ từng tham gia chôn liệt sĩ ta đến tận nơi chỉ vị trí mới tìm được”.
Từ hình ảnh đến hiện trường
KTS Nguyễn Xuân Thắng đem máy tính đến hiện trường và mở xem nhiều hình ảnh trên internet, liên quan đến khu vực mà ông cho rằng “có tới hai ngôi mộ tập thể, từ đó đặt ra việc vẫn còn nơi đây một ngôi mộ tập thể nữa chưa được tìm thấy”.
Ông Thắng cho biết: “Theo các tài liệu của tôi tìm được thì nhiều liệt sĩ của ta hi sinh quanh khu vực sân bay cũng được đưa vào chôn trong các ngôi mộ này. Vì lúc đó, đất đai dân cư có chủ, nên không dễ chôn đâu thì chôn”.
Cựu binh chế độ cũ ông Lê Công Hoàng (giữa) người đã đưa các liệt sĩ vào hai ngôi mộ trong sân bay năm 1968. Ảnh: T.N.A. |
Ông Lê Công Hoàng, cựu binh chế độ cũ, nói với phóng viên: “Tôi tự bỏ tiền xe cộ đi lên đây để cung cấp thông tin. Tôi nghĩ rằng mình chưa làm được gì nhiều cho chế độ mới, nên nhân đây ráng giúp”.
Ông Hoàng nói: “Tôi là người đã trực tiếp đi thu gom các thi thể liệt sĩ đem về đây. Các thi thể được đưa vào hai hố lớn. Việc chúng tôi là thế, còn việc chôn thì thuộc cơ sở khác và có lẽ họ dùng máy ủi để lấp nên rất nhanh”.
Ông Hoàng ngậm ngùi: “Lúc đó, con đường này là con đường đất. Vài ngày sau, tôi quay trở lại, vì chúng tôi làm việc trong khu vực này mà, tôi thấy có tấm biển bằng gỗ với những chữ viết sơ sài dựng lên trên hai ngôi mộ. Còn những tấm biển bằng sắt với chữ in thì có lẽ là thời gian sau mới được làm và được chụp ảnh lưu lại”.
Khung cảnh sân bay giờ đây đã khác xưa rất nhiều, chưa kể khung cảnh san ủi ngổn ngang. Ông Hoàng cũng không thể nhớ chính xác ngôi mộ tập thể còn lại nằm ở vị trí nào. Đi dọc con đường bao, còn đây đó những khoảng đất cỏ xanh mướt, chưa bị đào ủi.
Ông nói: “Tôi nghĩ ngôi mộ nằm gần đây thôi chứ không xa. Tôi nhớ hai ngôi mộ cách nhau chừng trăm mét thôi. Ngôi mộ cũng không xa con đường, chỉ cách con đường chừng trăm mét”. Song, con đường bao quanh sân bay rất dài, bởi vậy thực sự ngôi mộ nằm ở tọa độ nào, ông cũng không dám khẳng định.
Thiếu tướng Trần Hữu Tài: “Cần phải tìm cho được ngôi mộ”
Thiếu tướng Trần Hữu Tài - Phó chủ nhiệm Chính trị Quân khu 7 trao đổi tại hiện trường với các cán bộ chiến sĩ và đại diện Sở LĐ-TB&XH khẳng định: “Các tài liệu của chúng ta và cả tài liệu của phía Mỹ cũng đều khẳng định còn một ngôi mộ tập thể nữa trong khu vực sân bay Tân Sơn Nhất.
Dựa trên hình ảnh tư liệu và hiện trường, có thể khẳng định khu vực chúng ta đang đứng đây rất có thể là nơi có ngôi mộ tập thể của cán bộ chiến sĩ trong chiến dịch Mậu Thân. Vì vậy, việc san ủi mặt bằng phải hết sức thận trọng. Quân khu 7 và Bộ Tư lệnh TPHCM sẽ báo cáo với lãnh đạo thành phố để triển khai việc tìm kiếm và quy tập sao cho khoa học và chu đáo nhất”.
Thiếu tướng Ngô Tuấn Nghĩa, Chính ủy Bộ Tư lệnh TPHCM kể: “Trước kia, để vào được khu vực này phải qua 10 lớp rào thép gai, chưa kể các đường hào địch thả rắn lục để ngăn đặc công của ta.
Do vậy, những nhân chứng vào được khu vực này không nhiều, thời gian lại khiến cho đất đai bị bồi lấp, địa hình địa vật thay đổi. Nhưng tôi tin rằng các anh nằm ở khu vực này. Chúng ta sẽ tìm kiếm trên từng xăng ti mét, để đảm bảo tìm thấy các anh, để đưa các anh về nghĩa trang”.
Lực lượng công binh đã được điều đến hiện trường và bắt đầu đưa ra kế hoạch tìm kiếm. Thiếu tướng Ngô Tuấn Nghĩa nói sẽ cho tìm kiếm đến độ sâu 1,5 m vì theo thời gian có thể đất đai đã vùi sâu ngôi mộ xuống khoảng 0,5m. Những vị trí công trường đã đào ủi thì sẽ cho đào sâu xuống 0,5m nữa để tiếp tục tìm.
Trời đổ mưa và tối dần, sân bay vẫn tiếp tục những chuyến bay và mảnh đất thiêng liêng, nơi hàng trăm liệt sĩ đã anh dũng ngã xuống cũng chìm trong cơn mưa. Chúng tôi nghe rõ các cán bộ chiến sĩ công binh phân công nhau: “Tất cả sẵn sàng làm nhiệm vụ!”.
7/2017
|
Phát hiện vị trí chính xác cổ mộ của vợ vua Nguyễn
Sáng 6/7, Hội đồng Trị sự Nguyễn Phước Tộc đã tìm thấy vị trí huyệt táng bà Tài nhân họ Lê ngay tại vùng đất ... |