Tín dụng từ ngân hàng quốc doanh chuyển sang ngân hàng cổ phần

Tăng trưởng cho vay đạt 3,9% từ đầu năm đến nay và tăng trưởng tín dụng chín tháng đạt 3,2% (mục tiêu đại hội cổ đông đưa ra là 6-7%) là số liệu ghi nhận từ báo cáo tài chính quí III/2019 và số liệu mới cập nhật của Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) vừa công bố.

Đây là mức tăng trưởng tín dụng thấp nhất trong nhiều năm so với chính VietinBank, và cũng là mức tăng thấp nhất trong tốp bốn ngân hàng hàng đầu Việt Nam.

Tín dụng từ ngân hàng quốc doanh chuyển sang ngân hàng cổ phần - Ảnh 1.

Chín tháng đầu năm 2019, tăng trưởng tín dụng của VietinBank chỉ đạt 3,2%, mức tăng trưởng thấp nhất trong nhiều năm nay của ngân hàng này. (Ảnh: Thành Hoa).

Sự tăng trưởng thấp này đã được nhìn thấy trước từ cuối năm ngoái, khi VietinBank không có điều kiện tăng vốn pháp định, vốn chủ sở hữu dẫn đến tỉ lệ an toàn vốn bị ảnh hưởng, và tất nhiên không thể phát triển tín dụng mạnh. VietinBank không còn dư địa bán cổ phần cho nước ngoài như BIDV, VCB, Agribank (tỉ lệ vốn nắm giữ của Nhà nước ở VietinBank hiện đã dưới 65%, thấp hơn quy định) và cũng không có khả năng phát hành cổ phiếu tăng vốn cho cổ đông hiện hữu, trừ khi cổ đông nhà nước chấp nhận nộp tiền để mua.

Cũng cần nói thêm là VietinBank vẫn chưa trả cổ tức tiền mặt cho năm 2018.

Nếu tỉ lệ an toàn vốn được đảm bảo, VietinBank có khả năng tăng trưởng tín dụng 13-14% năm nay, tức tăng thêm 9-10 điểm phần trăm nữa, tương đương khoảng 75.000-80.000 tỉ đồng tính theo số tuyệt đối. Con số này ngang ngửa số tuyệt đối tăng trưởng tín dụng của bốn hoặc năm ngân hàng thương mại cổ phần tầm trung trong một năm.

Ngoài VietinBank, thời gian chín tháng, tăng trưởng tín dụng của Agribank cũng thấp, chỉ nhỉnh hơn mức tăng không đáng kể của quí II/2019. Agribank thậm chí còn cho biết nếu không được tăng vốn điều lệ, ngân hàng này có nguy cơ không thể cung ứng vốn cho doanh nghiệp từ giữa năm sau, vì hệ số an toàn vốn khi đó sẽ bị vi phạm, một khi phát triển thêm tín dụng.

Như vậy mức hụt tăng trưởng tín dụng từ VietinBank, Agribank có khả năng tác động đến chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng chung của cả ngành ngân hàng.

Hiện tại tổng dư nợ cho vay nền kinh tế của các ngân hàng, theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã lên đến hơn 7,85 triệu tỉ đồng, và có thể sẽ cán mốc 8 triệu tỉ đồng vào cuối năm nay, tương đương 338 tỉ đô la Mỹ, trong khi tổng GDP của cả nước ở mức 255 tỉ đô la Mỹ.

Như vậy tỉ lệ tín dụng/GDP của Việt Nam đang ở mức 1,33 lần, cao hơn mức 1,3 lần được khuyến cáo đối với các nước đang phát triển và các quốc gia trong khối Asean. NHNN rõ ràng có lí do để duy trì một mức tăng trưởng tín dụng hợp lí hơn và thấp hơn 14%, là mức chỉ tiêu cho năm nay. Sẽ không có gì ngạc nhiên nếu tín dụng năm nay kết lại tăng trưởng ở 12% hoặc 13%.


Tuy nhiên, theo NHNN, cơ quan này đang xem xét tạm thời chuyển tăng trưởng tín dụng từ các ngân hàng như VietinBank, Agribank sang cho khối cổ phần. Sự chuyển dịch này chỉ có thể áp dụng trong những tháng còn lại của năm và với những ngân hàng cổ phần đã áp dụng Basel II cũng như kiểm soát tốt việc sử dụng vốn vay.

Đại diện ACB cho biết năm nay ngân hàng được phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng ban đầu 14%, sau được nâng lên 17% và hiện mức tăng trưởng mới ở hơn 11%. ACB nhấn mạnh "tiêu" hết hạn mức 17% không khó, vì khách hàng bất động sản nộp hồ sơ xin vay rất nhiều, chỉ giải ngân cho vài dự án bất động sản là đạt chỉ tiêu.

Song, ACB tập trung cho vay sản xuất và kiểm tra chặt chẽ đường đi của đồng vốn. Trước rủi ro khủng hoảng tài chính và leo thang của chiến tranh thương mại toàn cầu, sự cung ứng vốn cho bất động sản càng phải thận trọng.

Kể từ khi NHNN siết lại việc đầu tư trái phiếu doanh nghiệp của các ngân hàng và quản lí chặt hơn việc cho vay bất động sản, đã xuất hiện những tín hiệu đầu tiên về việc doanh nghiệp bất động sản khó khăn trong huy động vốn.

Một số đầu mối tổ chức tư vấn và bảo lãnh phát hành trái phiếu đã không còn báo lãi như trước, có tổ chức báo lỗ. Trong điều kiện các ngân hàng ngày càng chọn lọc khách hàng cho vay và cẩn trọng thẩm định hồ sơ vay, tăng trưởng tín dụng quí cuối của năm nay có khả năng không tăng mang tính đột biến như quí tư những năm trước.

Nhìn chung từ đầu năm đến nay các ngân hàng đều trích lập dự phòng rủi ro thấp hơn so với cùng kỳ. Một số ngân hàng chưa trích lập dự phòng cho trái phiếu của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) như VietinBank sẽ phải trích trong cuối năm.

Trong báo cáo tài chính của hầu hết các ngân hàng đều cho thấy nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) tăng mạnh so với cùng kì, khiến tỉ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ của một số ngân hàng bị đẩy lên. Điều này chắc chắn sẽ phải được xử lí nếu các ngân hàng muốn được phân bổ hạn mức tín dụng cao trong năm tới.

Trong báo cáo tài chính của hầu hết các ngân hàng đều cho thấy nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) tăng mạnh so với cùng kì, khiến tỉ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ của một số ngân hàng bị đẩy lên.

Điều này chắc chắn sẽ phải được xử lí nếu các ngân hàng muốn được phân bổ hạn mức tín dụng cao trong năm tới.

chọn
Địa phương được dự báo là 'thủ phủ công nghiệp' mới ở phía nam vừa hút hơn 1,5 tỷ USD vốn ngoại sau một quý
Quý I/2024, Bà Rịa - Vũng Tàu đã thu hút 13 dự án FDI với tổng vốn đầu thu thu hút hơn 1,56 tỷ USD và 10 dự án trong nước với tổng đầu tư thu hút gần 25.000 tỷ đồng.