Tin tức mới nhất về bão số 3: Sáng mai (19/8), nhiều tỉnh \"gánh\" bão

Tin bão số 3 mới nhất, từ sáng mai (19/8), khu vực các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa có gió mạnh dần lên cấp 8-10, giật cấp 12-14. 

Chiều tối nay (18/8), bão số 3 đã vượt qua bán đảo Lôi Châu, đi vào vịnh Bắc Bộ. Do ảnh hưởng của hoàn lưu phía tây bão số 3, ở phía Đông Bắc Bộ đã có mưa rào và dông, một số nơi có mưa to đến rất to như Hòn Dấu (Hải Phòng) 120mm, Cửa Ông (Quảng Ninh) 60mm, Uông Bí (Quảng Ninh) 65mm, Hoài Đức (Hà Nội) 70mm, Ba Vì (Hà Nội) 70mm, Láng (Hà Nội) 60mm.

Hồi 20 giờ ngày 18/8, vị trí tâm bão số 3 ở vào khoảng 20,3 độ Vĩ Bắc; 109,1 độ Kinh Đông, trên khu vực Bắc Vịnh Bắc Bộ, cách đảo Bạch Long Vĩ 150km về phía Đông.

Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 (75-90km/giờ), giật cấp 10-12.
Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 15-20km, đi vào vùng biển Bắc Vịnh Bắc Bộ và còn tiếp tục mạnh thêm. Đến 07 giờ ngày 19/8, vị trí tâm bão ở vào khoảng 20,2 độ Vĩ Bắc; 107,4 độ Kinh Đông, trên vùng biển Bắc Vịnh Bắc Bộ. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 10 (90-100km/giờ), giật cấp 12-14.

Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão, ở Vịnh Bắc Bộ (bao gồm các huyện đảo Bạch Long Vĩ, Cát Hải, Cô Tô, Vân Đồn) có gió mạnh cấp 6-8, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 9-10, giật cấp 12-14, sóng biển cao từ 4-6m. Biển động rất mạnh. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 3.

Trong 12 đến 24 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 15-20km, đi vào đất liền với sức gió mạnh nhất cấp 10, ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh phía Đông Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Sức gió mạnh nhất ở vùng vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 9-10, giật cấp 12-14.

Đến 19 giờ ngày 19/8, vị trí tâm bão ở vào khoảng 20,3 độ Vĩ Bắc; 105,4 độ Kinh Đông, trên đất liền các tỉnh phía Đông Bắc Bộ và Thanh Hóa.

tin nhap 20160818221900
Tối 18/8, do ảnh hưởng của cơn bão số 3, Hà Nội đã đón cơn mưa lớn bất ngờ lớn kéo dài, khiến nhiều nơi trên địa bàn thành phố xảy ra tình trạng ngập lụt và tắc đường cục bộ.

Từ sáng mai (19/8), khu vực các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa có gió mạnh dần lên cấp 8-10, giật cấp 12-14. Các nơi khác thuộc vùng đồng bằng, trung du Bắc Bộ và Nghệ An, Hà Tĩnh có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 8-11. Vùng ven biển từ Nam Quảng Ninh đến Nam Định có nước dâng bão kết hợp thủy triều cao 3-4m. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 3.

Trong 24 đến 36 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Bắc, tiếp tục ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Sau đó bão đi sâu vào đất liền và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới, sau là một vùng áp thấp trên khu vực thượng Lào. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (dưới 40km/giờ).

Khu vực các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa có gió mạnh cấp 8, giật cấp 9-10. Các nơi khác thuộc phía Đông Bắc Bộ, Nghệ An, Hà Tĩnh có gió mạnh cấp 6, giật cấp 7-8. Vùng ven biển từ Nam Quảng Ninh đến Bắc Thanh Hóa có nước dâng bão kết hợp thủy triều cao 3-4m. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 3.

Chiều nay (18/8) đến hết ngày 20/8 sẽ xuất hiện mưa lớn diện rộng trên toàn khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ với lượng mưa từ 200 - 300mm, có nơi trên 500mm. Lũ sẽ xuất hiện trên hệ thống sông Hồng - Thái Bình, Sông Hoàng Long, sông Kỳ Cùng, sông Bằng Giang, với biên độ lũ lên ở thượng lưu từ 2 - 5m, hạ lưu từ 2 - 3m, đỉnh lũ ở mức báo động I đến báo động II; thượng lưu sông Mã, sông Bưởi lên trên mức báo động II, hạ lưu lên trên mức báo động I đến báo động II. Sông Cả, sông La lên mức báo động I.

Trước tình hình này, để chủ động phòng chống ngập úng khi có mưa lớn do ảnh hưởng của bão số 3 trên địa bàn thành phố Hà Nội, Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội đã yêu cầu các xí nghiệp hạ mức nước tại các hồ điều hòa do đơn vị quản lý đến mức thấp nhất. Rà soát các công trình đang thi công trên địa bàn quản lý, thanh thải dòng chảy, tháo dỡ các trường hợp làm thu hẹp dòng chảy, bố trí đầy đủ lực lượng ứng trực có đầy đủ phương tiện, công cụ dụng cụ, thiết bị cơ giới để giải quyết thoát nước tại các vị trí được phân công. Kiểm tra và xử lý các sự cố bất cập của ga thu trên các tuyến phố đảm bảo khả năng thu nước. Chuẩn bị vật tư đóng cọc căng dây cảnh báo nguy hiểm trên hệ thống sông mương, tổ chức thu dọn tấm chắn, vật cản trên các ga thu.

Tất cả các xí nghiệp, phòng ban trực thuộc thường xuyên cập nhật, theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, sẵn sàng nhận nhiệm vụ theo yêu cầu của BCH phòng chống lụt bão. Các đơn vị kiểm tra, rà soát lại các phương tiện, thiết bị, kho vật tư phòng chống lụt bão, đảm bảo sẵn sàng theo phương án được duyệt. Đảm bảo an toàn tuyệt đối các công trình và cán bộ - công nhân viên trong quá trình ứng trực.

Ngoài ra, Sở Giao thông vận tải phối hợp với Công an Thành phố hướng dẫn và đảm bảo giao thông, đặc biệt là khu vực nội đô, các đường giao thông huyết mạch và các điểm thường xảy ra úng ngập. Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội cũng đã tổ chức lực lượng kiểm tra các cây đã được khôi phục do bị ảnh hưởng sau cơn bão số 1 để có biện pháp đảm bảo an toàn cho cây; có kế hoạch tổ chức lực lượng sẵn sàng giải tỏa cây đổ trên địa bàn Thành phố khi có mưa dông lớn, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân, hạn chế tối đa các thiệt hại có thể xảy ra.

Tổng Công ty Điện lực thành phố Hà Nội tiến hành kiểm tra hệ thống các cột và đường dây đặc biệt là các cột điện và đường dây đã được khôi phục do ảnh hưởng sau cơn bão số 1; cung cấp đủ nguồn điện ổn định cho các trạm bơm tiêu hoạt động hết công suất phục vụ tiêu úng; đảm bảo an toàn về điện, kịp thời khắc phục sự cố. Bộ Tư lệnh Thủ đô, Công an Thành phố, Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy chuẩn bị lực lượng, phương tiện sẵn sàng ứng cứu, giữ gìn an ninh trật tự khi có tình huống xảy ra trên địa bàn Thành phố. Các Sở, ban, ngành; UBND các quận, huyện, thị xã theo chức năng nhiệm vụ được giao, căn cứ phương án phòng chống thiên tai đã được xây dựng sẵn sàng, chủ động triển khai ứng phó khi có thiên tai trên địa bàn.

chọn
Hình ảnh cầu vượt sông Đào ở TP Nam Định đã hoàn thành hơn 56%
Dự án xây dựng cầu qua sông Đào nối từ đường Song Hào đến đường Vũ Hữu Lợi do UBND thành phố Nam Định làm chủ đầu tư khởi công ngày 15/10/2022.