Tin tức mới nhất về mưa lũ tại miền Trung

Mưa lũ những ngày qua tại các tỉnh từ Quảng Nam đến Bình Định không to nhưng nhiều người thiệt mạng. Đến chiều 3/12, mưa lũ làm 8 người chết, 2 người mất tích. Tại tỉnh Thừa Thiên-Huế tiếp tục có mưa to,  khiến nhiều địa phương ở vùng thấp trũng bị ngập lụt.

Quảng Nam, Bình Định: 8 người chết, 2 người mất tích

Mưa lũ những ngày qua tại các tỉnh từ Quảng Nam đến Bình Định không to nhưng nhiều người thiệt mạng. Đến chiều 3/12, mưa lũ làm 8 người chết, 2 người mất tích. Trong đó, tỉnh Quảng Nam có 1 người chết, 1 người mất tích; tỉnh Quảng Ngãi có 1 người chết, 1 người chưa tìm được thi thể; tỉnh Bình Định 6 người chết. Chính quyền các địa phương đã chủ động cử lực lượng chốt chặn tại các điểm ngập sâu nhưng vẫn xảy ra những cái chết do sự bất cẩn.

Sáng 3/12, lực lượng chức năng và người dân đã tìm thấy thi thể ông Đinh Văn Ước, Phó Chủ tịch UBND xã An Toàn, huyện An Lão, tỉnh Bình Định bị nước lũ cuốn trôi vào chiều tối 2/12. Sau giờ làm việc ở cơ quan, ông Đinh Văn Ước, 32 tuổi, người dân tộc Ba Na, đi từ trụ sở UBND xã An Toàn về nhà cách 7 km, khi qua đập tràn Cha Ri, thuộc thôn 1, xã An Toàn thì bị lũ cuốn trôi.

Ông Phạm Văn Nam, Chủ tịch UBND huyện An Lão cho biết, ông Ước đã cẩn thận dựng xe máy lội qua tràn để kiểm tra mực nước ngập, bất ngờ nước lũ tràn về cuốn trôi. Đợt mưa lũ vừa qua tại huyện An Lão đã làm 2 người chết. Trước đó, anh Phan Văn Kiệt, ở xã An Hòa bị chết đuối khi kiểm tra hồ cá.

tin tuc moi nhat ve mua lu tai mien trung
Mưa lũ ở Bình Định

Ông Phạm Văn Nam, Chủ tịch UBND huyện An Lão, tỉnh Bình Định thừa nhận, nguyên nhân dẫn đến chết người do người dân bất cẩn: “Cũng có phần người dân chủ quan chứ thực ra thì không phải nước lũ dâng cao đến mức nguy hiểm”.

Tại tỉnh Bình Định, mưa lũ mấy ngày qua đã làm 6 người chết và 3 người bị thương. Sáng 3/12, ông Hồ Quốc Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định đã đi thị sát tại các điểm sạt lở nghiêm trọng ở 2 huyện miền núi An Lão và Hoài Ân. Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định yêu các địa phương huy động mọi lực lượng giúp dân khôi phục đường giao thông, nhà cửa, ruộng đồng; triển khai công tác an sinh xã hội, cứu trợ khẩn cấp đối với những gia đình bị thiệt hại nặng về người và tài sản.

Ông Phan Văn Ơn, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Ngãi cho biết, các địa phương đã liên tục cảnh báo người dân không được qua lại vùng ngập lụt nhưng nhiều người vẫn chủ quan đi lại trong mưa lũ.

“Mưa to trên miền núi, đoạn đó nước chảy rất nhanh. Trên rừng đã trồng keo hết cho nên nước mưa là ào xuống liền chứ không giữ lại. Địa phương đã cảnh báo rồi nhưng người dân vẫn đi qua nên họ chết. Do ý thức của người dân là mất cảnh giác, bất cẩn, chủ quan”- ông Ơn nói.

Thông tin trên báo Nhân dân, theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Ngãi, vào chiều 3/12, mực nước các sông trong tỉnh đang xuống chậm và do chịu ảnh hưởng của việc xả lũ hồ chứa nước Núi Ngang với lưu lượng 240m3/s nên mực nước trên sông Trà Câu đang lên nhanh trên mức BĐ 3 là 0,41m, dự báo đêm nay sẽ lên 6,2m, trên mức BĐ 3 là 0,7m, do đó nhiều hộ dân ở vùng hạ lưu sông Trà Câu có khả năng bị ngập nặng.

Sau khi nhận được thông báo xả lũ từ phía đơn vị khai thác hồ chứa nước Núi Ngang, sáng nay, chính quyền huyện Đức Phổ đã tiến hành sơ tán trẻ em, phụ nữ và người già tại các xã nằm trong vùng có nguy cơ bị ảnh hưởng nặng, cắt cử lực lượng giúp dân di dời tài sản lên nơi cao ráo. Chủ tịch UBND xã Phổ Ninh Lê Thanh Bằng cho biết, từ hai ngày nay, địa phương đã hoàn thành công tác sơ tán những hộ dân và tài sản nằm trong vùng bị ngập nước đến nơi an toàn. Hiện 100% quân số của xã đã được huy động dùng ghe đi đến các thôn bị ngập sâu để kịp thời hỗ trợ người dân vận chuyển đồ đạc, gia súc và người đến nơi an toàn.

tin tuc moi nhat ve mua lu tai mien trung
Các lực lượng sẵn sàng ứng cứu người dân khi cần thiết. Ảnh: báo Nhân dân

Ghi nhận của phóng viên Nhân Dân điện tử vào trưa 3/12, tại xã Phổ Ninh (Đức Phổ), vùng chịu ảnh hưởng nặng nhất của việc xả lũ đã làm nhiều nhà dân ở ven sông Trà Câu bị ngập nước sâu từ 30 - 60 cm và một số tuyến đường vào thôn đã bị chia cắt hoàn toàn. Hiện chính quyền địa phương thực hiện phương án tại chỗ kịp thời hỗ trợ người dân di dời đến nơi cao ráo.

Phó Chủ tịch UBND huyện Đức Phổ Lê Thanh Tân cho biết: Hiện có gần 200 nhà dân ở các xã Phổ Ninh, Phổ Thuận đang bị ngập nước. Trước việc nhà dân bị cô lập, chia cắt, chính quyền huyện Đức Phổ đã huy động hơn 100 chiến sĩ công an, bộ đội và dân quân tự vệ… để giúp dân vùng bị ngập nặng. Các lực lượng trên tích cực dùng xuồng đưa, đón người dân ra khỏi vùng ngập và hỗ trợ thuốc men, nhu yếu phẩm cho người dân…

Còn tại tỉnh Quảng Nam, khoảng 6h30 sáng 3/12, chị Trần Thị Vũ, 36 tuổi, trú tại xã Tam Đàn, huyện Phú Ninh đi xe máy chở theo con trai tên 4 tuổi lưu thông theo hướng Phú Ninh - Tam Kỳ. Khi đến cầu Tây Yên, xã Tam Đàn, do nước lũ qua cầu chảy mạnh đã cuốn trôi 2 mẹ con cùng chiếc xe máy. Mẹ con chị Vũ trôi xa khoảng 100m thì chị Vũ bám được một nhánh cây. Người dân địa phương kịp thời phát hiện chạy đến dùng gậy dài đưa ra ứng cứu và khẩn trương đưa 2 mẹ con chị Vũ đến bệnh viện nhưng cháu bé đã tử vong.

Ông Nguyễn Phi Thạnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam cho biết: Vị trí mà mẹ con chị Vũ mất đã chốt chặn. Nhưng sáng nay có một thanh niên đi sớm tháo chốt chặn để đi. Hai mẹ con chị này thấy vậy đã đi theo. Không phải nước lũ mà thường cứ mưa to là ngập ở vùng các xã Tam Đàn, Tam An.

Mưa lũ không to nhưng số người thiệt mạng lại nhiều, phần lớn do bất cẩn. Tình hình mưa lũ vẫn còn diễn biến phức tạp trong những ngày tới. Chính quyền và người dân cần cảnh giác hơn nữa, tránh chủ quan đi lại ở những vùng nước chảy xiết và ngập sâu.

tin tuc moi nhat ve mua lu tai mien trung
Tại Quảng Ngãi, nhiều vùng bị ngập sâu đến gần 0,6m. Ảnh: Báo Nhân Dân

Thừa Thiên-Huế: Các hồ chứa nước đạt và vượt ngưỡng tràn

VOV đưa tin, đến tối nay (3/12), tại tỉnh Thừa Thiên-Huế tiếp tục có mưa to, mực nước trên sông Hương, sông Bồ xấp xỉ báo động 2. Hiện các hồ chứa trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên-Huế đã đạt và vượt cao trình đỉnh tràn đang tiến hành xả lũ gồm: Hồ chứa nước Truồi đạt 38 mét, vượt cao trình ngưỡng tràn 2 mét, hiện tại hồ đang mở cửa van xả lũ.

Hồ thủy điện Bình Điền xấp xỉ cao trình 85 mét, đang xả lũ về hạ du với lưu lượng hơn 940 m3/s. Các hồ thủy điện Hương Điền, A Lưới gần đạt đỉnh tràn, đang xả lũ về hạ du... khiến nhiều địa phương ở vùng thấp trũng ở các huyện Phong Điền, Quảng Điền, Phú Vang… bị ngập lụt.

tin tuc moi nhat ve mua lu tai mien trung
Nhiều địa phương ở tỉnh Thừa Thiên-Huế bị ngập lụt. Ảnh: VOV

Mưa lũ cũng làm hệ thống kè mềm ở bờ biển xã Phú Thuận, huyện Phú Vang, bị sóng đánh vỡ 5 mỏ hàn, cuốn trôi khoảng 4.000 m3 đất cát, đe dọa an toàn nhà cửa gần 100 hộ dân. Bờ biển khu vực xã Vinh Thanh, huyện Phú Vang; xã Vinh Hải, Tư Hiền, huyện Phú Lộc bị sạt lở nặng.

Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Thừa Thiên-Huế đã có công điện khẩn yêu cầu các địa phương, đơn vị tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24 giờ để kịp thời triển khai ứng phó với mọi diễn biến bất thường của thiên tai, không cho tàu thuyền ra khơi.

Ông Đặng Văn Hòa, Phó Chánh Văn phòng Ban chỉ huy PCLB và TKCN tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết, do vào cuối mùa lũ, các hồ chứa nước đã chứa đầy nước đặc biệt là các hồ thủy điện. Ban chỉ huy đã có lệnh điều tiết để đưa về mực nước để đưa về mực nước trước lũ cũng có dung tích phòng lũ cho các hồ.

“Hiện nay trên sông Hương cũng như trên sông Bồ, thủy điện Hương Điền và Bình Điền đang điều tiết lưu lượng nước về hạ du bằng lưu lượng về các hồ. Ban Chỉ huy đã có thông tin trước để các địa phương thông tin cho người dân để tránh bị động khi có nước lên ở các triền sông”, ông Hòa cho biết.

Mưa lũ còn tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường

Chiều tối 3/12, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo TƯ về phòng chống thiên tai đã có văn bản số 560 gửi Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố ven biển từ Thừa Thiên - Huế đến Bình Định.

Theo đó, để kịp thời khắc phục hậu quả mưa, lũ những ngày qua và chủ động ứng phó với tình hình mưa, lũ còn tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường trong những ngày tới, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai đề nghị Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố, các cơ quan thông tin đại chúng theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa, lũ; bằng mọi biện pháp thông tin kịp thời, đầy đủ đến các cấp chính quyền, người dân, cộng đồng để chủ động phòng tránh; tiếp tục thực hiện nghiêm túc các nội dung Công điện số 40/CĐ-TW ngày 26/11 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai - Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn.

Triển khai quyết liệt, đồng bộ, có hiệu quả các biện pháp phòng, chống nhằm đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của người dân tại các khu vực bị ảnh hưởng, đặc biệt là tránh những thiệt hại đáng tiếc về người như đã xảy ra trong những ngày vừa qua ở Quảng Ngãi và Bình Định.

Tăng cường kiểm tra, hướng dẫn việc neo đậu tầu thuyền tại các khu vực cửa sông, đặc biệt là các sông đang có lũ, tránh để đứt neo, trôi dạt gây thiệt hại về người và tài sản như đã xảy ra trong đợt mưa lũ tháng 10 và 11 vừa qua.

Tiếp tục đẩy mạnh các nỗ lực tìm kiếm những nạn nhân còn mất tích, cứu chữa người bị thương, thăm hỏi, động viên gia đình có người bị chết; huy động lực lượng triển khai các hoạt động hỗ trợ người dân sửa chữa nhà ở, xử lý vệ sinh môi trường, phòng ngừa dịch bệnh, khôi phục sản xuất và từng bước ổn định cuộc sống khi lũ rút.

Tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên báo cáo về Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai để kịp thời chỉ đạo.

Theo tin từ Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương, do ảnh hưởng của không khí lạnh nên các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Bình Định đã có mưa vừa, mưa to, riêng các tỉnh từ Quảng Nam đến Bình Định có mưa rất to. Lũ trên các sông từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Ngãi đang lên, các sông ở Bình Định đang xuống. Mực nước lúc 7h ngày 3/12 trên sông Bồ tại Phú Ốc là 1,99m (trên BĐ1: 0,49m); sông Vu Gia tại Ái Nghĩa là 5,11m (dưới BĐ1); sông Trà Khúc tại Trà Khúc là 5,37m (trên BĐ2: 0,37m), sông Vệ tại Sông Vệ là 4,44m (dưới BĐ3: 0,06m); sông Kôn tại Thạnh Hòa là 7,21m (trên BĐ2: 0,21m).

Dự báo, trong 12h tới, mực nước trên các sông ở Thừa Thiên Huế đến Quảng Nam tiếp tục lên, các sông ở Quảng Ngãi - Bình Định xuống chậm (các sông ở Thừa Thiên Huế dao động ở mức BĐ1-BĐ2; các sông khác ở mức BĐ2-BĐ3). Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập lụt vùng trũng các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Bình Định. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 1-2.

Quy hoạch và xây dựng bản đồ thoát lũ

Thông tin trên TTXVN, theo các chuyên gia, tình hình thiên tai đặc biệt là bão, mưa lũ đang có những diễn biến phức tạp, cực đoan và bất thường đối với khu vực miền Trung và Tây Nguyên.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng, mưa lũ ở miền Trung trong thời gian qua đã bộc lộ nhiều tồn tại, chính quyền cơ sở còn bị động, thậm chí còn chủ quan. Công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức cho người dân chưa hiệu quả. Có những nơi địa hình bình thường nhưng đã để xảy ra thiệt hại về người. Công tác dự báo chưa đáp ứng được yêu cầu với việc mưa lũ xảy ra nhanh chóng, ở nơi địa hình phức tạp.

Ngoài ra, theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, công tác vận hành điều tiết xả lũ, thông tin hồ chứa còn nhiều bất cập, khó khăn cho công tác ứng phó. Đặc biệt đối với người dân, ví dụ Thủy điện Hố Hô thông báo đến hạ du rất chậm, quy trình vận hành chưa tốt gây thiệt hại cho người dân.

Do vậy, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu các địa phương nghiên cứu lại quy hoạch phát triển hạ tầng, đô thị, xây dựng nông thôn, khu công nghiệp, giao thông... để không làm giảm các khu vực chứa nước, tiết diện dòng chảy, dẫn tới ngập úng nhanh. Xây dựng công trình giao thông phải tính toán ống thoát nước phù hợp với tần suất xuất hiện của mưa lũ. Điều tiết xả lũ không để thiệt hại kinh tế, tính mạng của Nhà nước, người dân.

Ngoài ra: “Các bộ cần phối hợp để xây dựng bản đồ ngập lụt. Có kế hoạch cụ thể để trồng mới rừng, rà soát lại toàn bộ quy hoạch thoát lũ của mỗi địa phương và liên vùng dựa trên quy hoạch mới”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Trong thời gian tới, mưa lũ được dự báo vẫn còn diễn ra phức tạp ở khu vực miền Trung. Do vậy, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết: “Các hồ đập, sông đã đầy nước nên cần quan tâm tới dự báo thời tiết. Công tác cứu hộ, cứu nạn nhất là vùng biển cần đặc biệt quan tâm vì khí hậu bất thường có thể xuất hiện ở Biển Đông. Bên cạnh đó, các tỉnh cần có phương án phục hồi sản xuất, đề xuất để Trung ương hỗ trợ”.

chọn
Đề xuất ưu đãi thuế bất động sản cho Việt kiều
Với Luật Đất đai 2024 đang được kỳ vọng có liệu lực sớm từ 1/7, quyền sử dụng đất đối với Việt kiều sẽ được mở rộng. VARS kiến nghị cần thiết lập chính sách ưu đãi như giảm hoặc miễn thuế cho Việt kiều đầu tư vào địa ốc.