Tình hình phát triển kinh tế Việt Nam: Lạm phát sẽ tăng nhưng không cao, thặng dư cán cân vãng lai sẽ thu hẹp

Nhờ gia tăng đầu tư trực tiếp nước ngoài, tăng trưởng xuất khẩu mạnh, nông nghiệp phát triển, và nhu cầu trong nước cũng tăng mạnh, nên tốc độ tăng trưởng GDP trong năm nay dự kiến sẽ đạt 7,1% so với 6,8% năm ngoái, sau đó lại giảm xuống 6,8% vào năm 2019.
 

Việc thu hẹp khoảng cách về kỹ năng tay nghề của lực lượng lao động trong nước sẽ là yếu tố then chốt để Việt Nam tiếp tục hấp dẫn đầu tư trực tiếp nước ngoài và duy trì tăng trưởng.

Tăng trưởng GDP tăng từ 6,2% năm 2016 lên 6,8% trong năm 2017, đây là tốc độ tăng trưởng cao nhất kể từ khủng hoảng tài chính toàn cầu giai đoạn 2008-2009. Xuất khẩu, đầu tư và tiêu dùng cá nhân đều tăng trưởng mạnh mẽ, làm nền tảng cho tăng trưởng kinh tế của năm ngoái.

Bên cạnh đó thương mại toàn cầu hồi phục, đặc biệt trong lĩnh vực hàng điện tử giúp cho kim ngạch xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam tăng 21,2% tính theo giá trị USD.

Thêm một yếu tố nữa làm tăng tổng cầu là đầu tư nội địa tăng trưởng 9,8% nhờ thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cao và tăng trưởng tín dụng nhanh. Chỉ số niềm tin người tiêu dùng cũng tăng kỷ lục lên 117 và tiêu dùng cá nhân tăng 7,4%, thừa để bù đắp cho sự sụt giảm của tiêu dùng chính phủ do tiếp tục củng cố tài khoá.

tinh hinh phat trien kinh te viet nam lam phat se tang nhung khong cao thang du can can vang lai se thu hep
Họp báo của ADB tình hình phát triển kinh tế Việt Nam và Châu Á. Ảnh: Hương Nguyễn

Minh chứng cho tình hình tiêu dùng cá nhân mạnh mẽ, doanh số bán lẻ tăng 10,9% trong năm 2017 lên mức kỷ lục 129,6 tỉ USD, tương đương 58,6% GDP.

Trên phương diện ngành kinh tế, ngành công nghiệp và xây dựng tăng trưởng 8,0% nhờ tổng cầu hồi phục giúp bù đắp cho sự sụt giảm 7,1% của ngành khai khoáng, mức tăng trưởng này là sự cải thiện đáng kể so với mức 7,6% của năm ngoái.

Sản xuất công nghiệp tăng 14,4%, dẫn đầu là sản xuất hàng xuất khẩu, đặc biệt là hàng điện tử, sản phẩm viễn thông và dệt may.

Nhờ thời tiết tốt và nhu cầu xuất khẩu mạnh nên sản lượng nông, lâm, thuỷ sản đã tăng 2,9% trong năm 2017, hơn hai lần so với mức tăng trưởng của năm 2016. Tổng cầu tăng mạnh cũng gia tăng áp lực đối với giá cả, tương tự như tác động của giá dầu quốc tế cao và việc chính phủ tiếp tục điều hành giá cả theo hướng tăng giá dịch vụ giáo dục và y tế công lập.

Do vậy, mặc dù giá lương thực có giảm nhưng lạm phát năm 2017 vẫn tăng lên 3,5% so với 2,7% trong năm 2016, song vẫn dưới mục tiêu lạm phát 4% của chính phủ đề ra.

Cán cân vốn đạt thặng dư ước tính tương đương 8,9% GDP, nhờ kết quả giải ngân FDI mạnh mẽ và dòng vốn đầu tư gián tiếp ước tính đạt 1,9 tỉ USD do chính phủ nới lỏng quy định về hạn chế sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài vào các doanh nghiệp trong nước.

Trong bối cảnh lạm phát dù tăng nhưng vẫn ở mức thấp, và cán cân thanh toán quốc tế cải thiện, ngân hàng trung ương đã cắt giảm lãi suất cơ bản 25 điểm cơ bản trong tháng 7.2017, lãi suất tái cấp vốn giảm xuống 6,25% và lãi suất chiết khấu xuống 4,25%.

Lãi suất cho vay trung bình của ngân hàng thương mại theo đó giảm 0,5-1,0 điểm phần trăm trong cả năm. Lãi suất cho vay giảm, niềm tin của người tiêu dùng và nhà đầu tư đều cải thiện là yếu tố kích thích tăng trưởng tín dụng đạt 18,0% trong năm 2017, đạt mục tiêu chính phủ đề ra.

Tiến độ thoái vốn nhà nước khỏi các doanh nghiệp quốc doanh trong năm 2017 đã nhanh hơn, song vẫn chưa đạt chỉ tiêu đề ra.

Chính phủ đã thoái vốn trong 39 doanh nghiệp nhà nước, so với chỉ tiêu đề ra là 44.

Một yếu tố làm cho thu nhập thoái vốn tăng là hoạt động khởi sắc của thị trường chứng khoán, với chỉ số giá cổ phiếu tăng mạnh 48% trong năm ngoái, nâng mức vốn hoá thị trường của thị trường chứng khoán lên gần 75% GDP.

Tăng trưởng GDP dự báo tăng, đạt 7,1% trong năm 2018 trước khi giảm trở lại 6,8% vào năm 2019. Động lực dẫn dắt tăng trưởng là gia tăng xuất khẩu, tiêu dùng nội địa và đầu tư đặc biệt là FDI, và ngành nông nghiệp hoạt động mạnh mẽ hơn.

Việt Nam có lực lượng lao động hiệu quả dồi dào và mức tiền lương tương đối thấp.

Đây là yếu tố giúp thu hút nguồn vốn FDI lớn, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất hàng xuất khẩu cần nhiều lao động. Kể từ năm 2012, sản xuất công nghiệp đã hấp thụ trung bình 400.000 lao động mỗi năm.

Tuy nhiên, sự thiếu hụt kỹ năng lao động nổi lên như một rào cản đối với việc thu hút FDI, và đối với hoạt động kinh doanh nói chung.

Để thu hẹp sự thiếu hụt kỹ năng lao động này, Việt Nam cần ưu tiên cho ba nhóm sáng kiến nhằm tăng cường hiệu quả các trường đại học và hệ thống trường dạy nghề: mở rộng tiếp cận, cải thiện chất lượng, và tinh giản quản trị.

Điểm cuối cùng là cần phải tinh giản hệ thống và công tác quản trị trường đại học và trường đào tạo nghề.

tinh hinh phat trien kinh te viet nam lam phat se tang nhung khong cao thang du can can vang lai se thu hep
Họp báo của ADB tình hình phát triển kinh tế Việt Nam và Châu Á. Ảnh: Hương Nguyễn

Những thay đổi trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo có thể phải mất một thế hệ mới đạt được kết quả, do vậy cần phải bắt tay vào công tác hiện đại hoá trường đại học và đào tạo nghề từ bây giờ. Làm vậy để đảm bảo rằng vấn đề lao động thiếu hụt tay nghề sẽ không trở thành nút thắt nghẽn cản trở tương lai phát triển và tăng trưởng của đất nước.

chọn
5 điểm nổi bật trong quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế thời kỳ 2021 - 2030
Thừa Thiên Huế là một trong những tỉnh được quy hoạch lên thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2025. Cùng điểm qua những điểm nổi bật về quy hoạch tỉnh này thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050.