Tính phương án về thời gian các kì nghỉ lễ, nghỉ hè của học sinh để kích cầu du lịch nội địa

Hoạt động du lịch nội địa đã dần được phục hồi sau khi các qui định về giãn cách xã hội được nới lỏng từ cuối tháng 4/2020. Để kích cầu du lịch, các bộ ngành tiếp tục thúc đẩy các phương thức làm việc từ xa, có phương án về thời gian các kì nghỉ lễ, nghỉ hè của học sinh...

Du lịch nội địa là cứu cánh trong thời điểm hiện tại

Chiều 3/6, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã làm việc với lãnh đạo một số bộ ngành, hiệp hội, các doanh nghiệp du lịch trong bối cảnh ngành du lịch chịu ảnh hưởng rất nặng nề do đại dịch Covid-19. 

Báo cáo của Tổng cục Du lịch cho biết do tác động của dịch, trong 5 tháng đầu năm 2020, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt 3,7 triệu lượt, giảm 50% so với cùng kì năm 2019. Lượng khách nội địa đạt 16 triệu lượt, giảm 58,5%. Tổng thu du lịch đạt 150.300 tỉ đồng, giảm 47,4%.

Trong quí I và II có khoảng 95% các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế trên cả nước đã dừng hoạt động. Nhiều doanh nghiệp chỉ bố trí khoảng 30% nhân sự trực tại công ty, nhân viên được cho nghỉ không hưởng lương hoặc giảm đến 80% lương. Công suất phòng trung bình của các cơ sở lưu trú chỉ đạt khoảng 20% so với tỉ lệ 52% của năm trước.

Tính phương án về thời gian các kì nghỉ lễ, nghỉ hè của học sinh để kích cầu du lịch nội địa - Ảnh 1.

Lượng khách quốc tế đến Việt Nam giảm mạnh do ảnh hưởng của dịch Covid-19. (Ảnh tư liệu: Phương Linh)

Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch dự báo với tình hình hiện nay lượng khách du lịch nội địa năm 2020 sẽ đạt khoảng 60-65 triệu lượt. Còn đối với khách quốc tế, trường hợp có thể đón khách vào đầu quí III/2020 thì sẽ đạt khoảng 6-8 triệu lượt. Nếu đón khách vào đầu quý IV/2020 có thể đạt khoảng 4,5-5 triệu lượt.

Do đó, du lịch nội địa được xem là cứu cánh trong thời điểm hiện tại. Sau thời điểm nới lỏng giãn cách xã hội, chương trình "Người Việt Nam du lịch Việt Nam" được phát động đã có 15 địa phương ở các địa bàn trọng điểm phát triển du lịch đồng loạt hưởng ứng kế hoạch kích cầu, hợp tác giữa du lịch, hàng không và các điểm tham quan, vui chơi giải trí để xây dựng các sản phẩm kích cầu với nhiều ưu đãi, giá hợp lí. 

Đến nay, với việc mở lại các đường bay, tần suất bay và công suất chuyên chở đã tăng trở lại gần bằng mức trước dịch. Điều này mở ra nhiều thuận lợi nhằm kích cầu du lịch nội địa.

Các chính sách thúc đẩy du lịch nội địa

Đại diện một số doanh nghiệp du lịch lớn kiến nghị cần có chính sách đồng bộ giữa các bộ, ngành, địa phương, tạo điều kiện cho người dân đi du lịch như kéo dài một số kì nghỉ lễ, miễn, giảm các khoản thu, phí tham quan, tăng cường truyền thông quảng bá, xúc tiến du lịch…

Bản thân các doanh nghiệp du lịch cần có cơ chế hợp tác, thống nhất mức giảm giá, thời gian giảm giá chung, công khai, minh bạch, không gây nhiễu loạn thị trường, đảm bảo chất lượng và ổn định tài chính của mỗi doanh nghiệp.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Thế Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho rằng không được bỏ quên rất nhiều doanh nghiệp du lịch nhỏ, cơ sở du lịch cộng đồng, người làm homestay tại các điểm du lịch ở vùng sâu, vùng xa đang vô cùng khó khăn. Nếu mất đi những “rễ nhỏ” này, chúng ta sẽ phải mất nhiều thời gian để gây dựng lại.

Tính phương án về thời gian các kì nghỉ lễ, nghỉ hè của học sinh để kích cầu du lịch nội địa - Ảnh 2.

(Ảnh: Sun World Ba Na Hills)

Do đó, ông đề nghị các địa phương đồng hành hơn nữa với du lịch. “Sức khoẻ” các doanh nghiệp đang xấu mà vẫn phải giảm giá, kích cầu để tồn tại nhưng một số địa phương vẫn đang “vô cảm”, chưa thực sự đồng hành, hỗ trợ thực sự cho doanh nghiệp trong việc miễn, giảm các khoản thu, lệ phí tại điểm du lịch…

Bên cạnh các kiến nghị về thuế, thị thực nhập cảnh, giá điện… Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng ngành du lịch phải chuẩn bị tâm thế tình hình dịch bệnh trên thế giới còn diễn biến phức tạp, kéo dài. 

Tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng đối với phòng, chống dịch là “bao đê chặt, ngăn chặn bên ngoài để phát triển bên trong”. Vì vậy, chúng ta phải tận dụng tối đa các điều kiện thúc đẩy du lịch nội địa để các doanh nghiệp không bị giải thể, phá sản, các cơ sở kinh doanh du lịch nhỏ, du lịch cộng đồng không phải dừng hoạt động, chuyển mục đích sử dụng.

Phó Thủ tướng yêu cầu tất cả các bộ, ngành, địa phương phải đồng hành, chia sẻ với doanh nghiệp du lịch. Đặc biệt, địa phương phải xem xét các doanh nghiệp du lịch giảm giá như thế nào thì các khoản thu, phí du lịch cũng phải giảm ít nhất ở mức độ tương đương. 

Các bộ ngành tiếp tục thúc đẩy các phương thức làm việc từ xa, có phương án về thời gian các kì nghỉ lễ, nghỉ hè của học sinh… để tạo điều kiện kích cầu du lịch.

Cùng với đó, Phó Thủ tướng chỉ đạo Bộ VHTTDL, Tổng cục Du lịch phối hợp với các địa phương, hiệp hội du lịch tập trung thực hiện hoạt động xúc tiến, quảng bá, kích cầu theo điểm đến trọng điểm theo khu vực như Tây Bắc, Đông Bắc, Duyên hải miền Trung… không để cho doanh nghiệp phải tự làm riêng lẻ.

Đối với du lịch quốc tế, Phó Thủ tướng nhấn mạnh chúng ta chuẩn bị sẵn sàng nhưng chỉ mở ra khi thực sự an toàn. Theo đó, cần theo dõi sát tình hình phòng, chống dịch ở các thị trường lớn. Cùng bàn bạc, thống nhất, khi điều kiện cho phép chúng ta sẽ chọn những địa bàn, thị trường thực sự an toàn, chọn trước một số điểm đến ở Việt Nam, có qui trình chặt chẽ từ cho phép nhập cảnh, vận chuyển đưa đón, quản lí du khách theo tour.

Hoạt động truyền thông, xúc tiến du lịch quốc tế cần đẩy mạnh các hình thức mới như trực tuyến, quảng bá qua mạng. Chú ý, chương trình phải gắn với công tác phòng, chống dịch Covid-19 và thông điệp “Việt Nam an toàn”.

chọn
Công ty liên kết của PC1 gom hơn 600 ha đất công nghiệp
Từ tháng 7 đến nay, Western Pacific đã được chấp thuận đầu tư 3 khu công nghiệp hơn 600 ha ở Bắc Giang và Hà Nam. Theo đánh giá của SSI, điểm nhấn bất động sản năm 2024 của PC1 sẽ xoay quanh việc phát triển các dự án mới từ Western Pacific.