Tòa tuyên 'Tinh hoa Bắc Bộ' là tác phẩm phái sinh của 'Ngày xưa': Tác phẩm phái sinh là gì?

Tác phẩm phái sinh chỉ được bảo hộ theo quy định nếu không gây phương hại đến quyền tác giả đối với tác phẩm được dùng để làm tác phẩm phái sinh.

Ngày 20/3, TAND TP Hà Nội tuyên án sơ thẩm vụ tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến vở thực cảnh Ngày xưa (còn gọi là Thuở ấy xứ Đoài).

Nguyên đơn là Công ty Cổ phần Tuần Châu Hà Nội (TCHN) và bị đơn là Công ty Cổ phần Đầu tư tổng hợp truyền thông DS (DS) do đạo diễn Nguyễn Việt Tú là giám đốc.

Theo đó, Hội đồng xét xử sơ thẩm nhận định Việt Tú là tác giả của vở diễn Ngày xưa, còn TCHN là chủ sở hữu kịch bản.

Việc DS đăng ký quyền tác tác giả đối với Việt Tú là đúng quy định nhưng việc doanh nghiệp này đứng tên sở hữu kịch bản là sai.

Do đó, tòa chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của TCHN buộc phía Việt Tú chuyển giao quyền sở hữu kịch bản vở diễn Ngày xưa, nhưng không chấp nhận yêu cầu bồi thường hơn 6 tỷ đồng do không có căn cứ.

Hội đồng xét xử cũng chấp nhận một phần yêu cầu phản tố của DS. Trong tranh tụng, DS đã dẫn giải các tài liệu, chứng cứ, tòa xác định Tinh hoa Bắc Bộ là tác phẩm phái sinh của vở Ngày xưa.

Tòa không chấp yêu cầu bồi thường hơn 6 tỉ đồng của phía Việt Tú nhưng yêu cầu TCHN chi trả 660 triệu đồng là tiền lãi cho các khoản chậm thanh toán và 10% doanh thu bán vé như cam kết.

Vậy thế nào là tác phẩm phái sinh? Các loại tác phẩm được xếp vào thể loại tác phẩm phái sinh đó được hiểu là như thế nào?

Tòa tuyên Tinh hoa Bắc Bộ là tác phẩm phái sinh của Ngày xưa: Tác phẩm phái sinh là gì? - Ảnh 1.

Một cảnh trong Vở diễn thực cảnh Thuở ấy xứ Đoài của đạo diễn Việt Tú.

Có nhiều tác phẩm tuy được sáng tạo dựa trên một hoặc một số tác phẩm gốc đã có từ trước nhưng vẫn được bảo vệ quyền tác giả. Việc kế thừa các tác phẩm đã tồn tại, các nghiên cứu đi trước trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật và khoa học là một trong các yếu tố thúc đẩy sự phát triển của tài sản trí tuệ.

Việc bảo hộ tác phẩm phái sinh có liên quan đến việc bảo hộ tác phẩm gốc, để một tác phẩm phái sinh được bảo hộ quyền tác giả thì điều kiện tiên quyết là không phương hại đến quyền tác giả của tác phẩm gốc.

Tác phẩm phái sinh theo quy định của Công ước Berne

Công ước Berne được quốc tế thông qua vào năm 1886 tại Berne Thụy Sĩ. Công ước quy định mỗi quốc gia tham gia sẽ công nhận bản quyền các tác phẩm của các tác giả thuộc các nước thành viên tham gia ký kết.

Các tác phẩm được bảo vệ bản quyền theo Công ước này bao gồm các tác phẩm văn học, nghệ thuật và khoa học được định hình dưới một dạng vật chất nhất định, không phân biệt hình thức và cách thức thể hiện.

Công ước Berne có ba nguyên tắc cơ bản (nguyên tắc đối xử quốc gia, nguyên tắc bảo hộ đương nhiên và nguyên tắc bảo hộ độc lập) cùng một loạt các quy định về sự bảo hộ tối thiểu cũng như các quy định đặc biệt dành cho các nước đang phát triển.

Khoản 3 điều 2 Công ước Berne (có hiệu lực tại Việt Nam từ ngày 26/10/2004) về bảo hộ các tác phẩm văn học và nghệ thuật (sau đây viết tắt là Công ước Berne) đã quy định: "Các tác phẩm dịch, mô phỏng, chuyển nhạc và các chuyển thể khác từ một tác phẩm văn học hoặc nghệ thuật đều được bảo hộ như các tác phẩm gốc, miễn không phương hại đến quyền tác giả của tác phẩm gốc".

Một điểm quan trọng nữa trong Điều 2 Công ước Berne là cái thường được gọi là "các tác phẩm phái sinh" cũng được bảo hộ. Đây là các tác phẩm bắt nguồn từ các tác phẩm khác đang tồn tại.

Nên lưu ý rằng trước khi cho ra đời một tác phẩm phái sinh, cần phải tôn trọng quyền tác giả của tác phẩm gốc.

Ví dụ, nếu một tác giả muốn dịch một cuốn tiểu thuyết sang một ngôn ngữ khác thì phải được sự cho phép của chủ sở hữu cuốn tiểu thuyết sẽ được dịch. Dịch một tác phẩm mà không có sự cho phép của chủ sở hữu sẽ khiến dịch giả đó rơi vào tình trạng xâm phạm quyền tác giả.

Quyền tác giả bảo hộ các tác phẩm văn học và nghệ thuật như được nêu tại tiêu đề của Công ước Berne. Hai khái niệm này cần phải được hiểu theo nghĩa rất rộng.

Ví dụ, thuật ngữ văn học không chỉ có nghĩa là gồm các tiểu thuyết, bài thơ hay truyện ngắn mà còn có thể bao gồm cả tài liệu hướng dẫn bảo dưỡng xe ôtô hay thậm chí là những thứ được viết ra nhưng không phải ai cũng có thể hiểu được, ví dụ phần mềm máy tính. Mấu chốt của thuật ngữ này nằm ở từ "tác phẩm".

Quy định của pháp luật Việt Nam về tác phẩm phái sinh

Với tư cách là một thành viên của Công ước Berne, pháp luật Việt Nam cũng ghi nhận và bảo vệ quyền tác giả đối vơi tác phẩm phái sinh.

Cụ thể, "tác phẩm phái sinh là tác phẩm dịch từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác, tác phẩm phóng tác, cải biên, chuyển thể, biên soạn, chú giải, tuyển chọn". (Khoản 8 Điều 4)

"Tác phẩm phái sinh chỉ được bảo hộ theo quy định tại khoản 1 Điều này nếu không gây phương hại đến quyền tác giả đối với tác phẩm được dùng để làm tác phẩm phái sinh". (Khoản 2 Điều 14)

Tác phẩm phái sinh là tác phẩm do cá nhân/những cá nhân trực tiếp sáng tạo, được hình thành trên cơ sở một/những tác phẩm đã tồn tại (tác phẩm gốc) trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật và khoa học, được thể hiện bằng bất kỳ phương thức hay hình thức nào khác biệt với phương thức hay hình thức thể hiện của tác phẩm gốc, thông qua một dạng vật chất nhất định.

Những đặc điểm của tác phẩm phái sinh

Thứ nhất, tác phẩm phái sinh chỉ được hình thành trên cơ sở một/những tác phẩm đã tồn tại. Tác phẩm đã tồn tại có thể còn thời hạn hoặc hết thời hạn bảo hộ quyền công bố tác phẩm và quyền tài sản.

Quyền cho làm tác phẩm phái sinh thuộc nhóm quyền tài sản đối với tác phẩm, quyền này được quy định tại điểm a khoản 1 điều 20 Luật SHTT.

Thứ hai, về hình thức thể hiện của tác phẩm phái sinh, pháp luật quyền tác giả không bảo hộ nội dung ý tưởng mà chỉ bảo hộ hình thức thể hiện của ý tưởng. Mặt khác, tác phẩm phái sinh không phải là bản sao của tác phẩm gốc.

Do đó, trong nhiều trường hợp hình thức thể hiện của tác phẩm phái sinh phải khác biệt hoàn toàn hoặc khác biệt từng phần với hình thức thể hiện của tác phẩm gốc.

Thứ ba, về tính nguyên gốc, tác phẩm phái sinh phải do tác giả tự mình sáng tạo nên mà không sao chép từ tác phẩm/những tác phẩm khác.

Thuật ngữ "tác phẩm khác" được hiểu là kể cả tác phẩm của chính tác giả đó. Để một tác phẩm phái sinh được bảo hộ thì nó phải mang dấu ấn sáng tạo của tác giả.

Tuy nhiên, nếu ranh giới giữa sáng tạo từng phần và sáng tạo hoàn toàn là dễ nhận biết, ranh giới giữa sáng tạo tác phẩm phái sinh và xâm phạm quyền tác giả của tác phẩm gốc là khó nhận biết.

Sự xâm phạm này thường thể hiện ở việc xâm phạm quyền nhân thân không thể chuyển giao trong quyền tác giả.

Thứ tư, về dấu ấn của tác phẩm gốc trong tác phẩm phái sinh, mặc dù tác phẩm phái sinh phải đảm bảo tính nguyên gốc như vừa phân tích, nhưng dấu ấn của tác phẩm gốc phải được thể hiện trong tác phẩm phái sinh, có nghĩa là khi nhận biết tác phẩm phái sinh thì công chúng phải liên tưởng đến tác phẩm gốc, sự liên tưởng này được thể hiện qua nội dung của tác phẩm gốc.

Cũng cần nhắc lại là pháp luật quyền tác giả không bảo hộ nội dung của tác phẩm, do đó sự liên tưởng về nội dung giữa tác phẩm phái sinh với tác phẩm gốc không làm mất đi tính nguyên gốc của tác phẩm phái sinh.

Phân loại tác phẩm phái sinh

Theo quy định tại khoản 8 Điều 4 Luật SHTT, tác phẩm phái sinh bao gồm: tác phẩm dịch, tác phẩm phóng tác, cải biên, chuyển thể, biên soạn, chú giải, tuyển chọn. Các loại hình tác phẩm phái sinh vừa nêu có thể phân thành các nhóm, cụ thể như sau:

Có tác động đến tác phẩm gốc

Tác phẩm dịch: là tác phẩm phái sinh được thể hiện bởi ngôn ngữ khác biệt với ngôn ngữ mà tác phẩm gốc thể hiện, sự sáng tạo của tác phẩm phái sinh được thông qua cách sử dụng ngôn ngữ của tác giả. Việc dịch tác phẩm có thể phát sinh hiện tượng "tác phẩm phái sinh từ tác phẩm phái sinh", nghĩa là tác phẩm phái sinh không được hình thành trên cơ sở tác phẩm gốc, mà lại được hình thành từ tác phẩm phái sinh khác. Việc xâm phạm quyền tác giả đối với tác phẩm gốc trong trường hợp tác phẩm dịch ít xảy ra đối với quyền nhân thân không thể chuyển giao.

Tác phẩm phóng tác, cải biên, chuyển thể: là tác phẩm ra đời dựa trên sự biến đổi tác phẩm gốc nhằm làm cho tác phẩm phù hợp với những điều kiện khai thác khác nhau. Thuật ngữ "phóng tác, cải biên chuyển thể" trong quy định của pháp luật Việt Nam có nghĩa là sự phỏng theo, việc sửa lại cho phù hợp; sự biến đổi làm cho thích hợp…

Tác phẩm chuyển thể là tác phẩm được hình thành từ tác phẩm văn học sang một loại hình khác ví dụ chuyển thể từ tác phẩm văn học thành kịch bản sân khấu hoặc điện ảnh. Tác phẩm gốc có thể là tiểu thuyết, trường ca, truyện dài… hoặc cũng có thể là tác phẩm kịch (sân khấu) được chuyển thành kịch bản điện ảnh, nhạc kịch...

Không tác động đến tác phẩm gốc

Việc phải phân loại tác phẩm phái sinh được hình thành trên cơ sở không tác động đến cấu trúc của tác phẩm gốc có ý nghĩa quan trọng trong việc xác định quyền tài sản đối với tác phẩm phái sinh khi tác phẩm gốc đã hết thời hạn bảo hộ quyền tài sản.

Tác phẩm phái sinh thuộc dạng này bao gồm: tác phẩm tuyển chọn là tác phẩm dựa trên sự tập hợp, chọn lọc, sắp xếp những tác phẩm đã tồn tại theo những yêu cầu nhất định; tác phẩm biên soạn là tác phẩm biên soạn được Luật SHTT liệt kê vào dạng tác phẩm phái sinh.

Tranh cãi quanh vụ kiện giữa đạo diễn Việt Tú và công ty Tuần Châu về vở diễn Tinh Hoa Bắc Bộ vẫn chưa dừng Tranh cãi quanh vụ kiện giữa đạo diễn Việt Tú và công ty Tuần Châu về vở diễn Tinh Hoa Bắc Bộ vẫn chưa dừng Phó CT Hội Sở hữu trí tuệ TP HCM nói gì về tranh chấp bản quyền vở diễn "Tinh hoa Bắc Bộ"?Phó CT Hội Sở hữu trí tuệ TP HCM nói gì về tranh chấp bản quyền vở diễn 'Tinh hoa Bắc Bộ'? Kết luận vụ kiện vở diễn Tinh hoa Bắc Bộ: Tuần Châu trả 660 triệu đồng cho Việt Tú, đạo diễn trả lại quyền sở hữu cho "chúa đảo"Kết luận vụ kiện vở diễn Tinh hoa Bắc Bộ: Tuần Châu trả 660 triệu đồng cho Việt Tú, đạo diễn trả lại quyền sở hữu cho 'chúa đảo'
chọn
Các dự án của Novaland, Nam Long, DIG ở Đồng Nai đón tin mừng
Quy hoạch chung TP Biên Hòa vừa được phê duyệt điều chỉnh cục bộ. MBS đánh giá động thái này sẽ giúp đẩy nhanh tiến độ phê duyệt quy hoạch 1/500 các phân khu thuộc dự án Aqua City, Izumi và Khu đô thị Long Tân.