Giáp Tết, những câu chuyện về sắm tết như nào, mua quà ra sao, biếu tết ông bà nội ngoại bao nhiêu luôn là chủ đề bàn tán sôi nổi của hội chị em phụ nữ. Dĩ nhiên, việc mua sắm ngày tết còn tùy vào hoàn cảnh của mỗi gia đình, có nhiều thì sắm nhiều, có ít thì sắm ít. Thế nhưng, chuyện có những anh chồng chỉ đưa vợ vỏn vẹn 1 triệu và “yêu cầu” sắm tết trong đúng số tiền đó thì chẳng khác nào “đánh đố” vợ. Mới đây trên một nhóm kín, một chị vợ đã lên tiếng “cầu cứu” cư dân mạng rằng “chồng chỉ đưa 1 triệu, thì sắm tết làm sao đây”. Không biết cac “cao thủ chi tiêu” có giúp được chị vợ giải được “bài toán” khó này không?
Nhiều chị em lâm vào tình cảnh "dở khóc dở cười" khi chồng chỉ đưa vỏn vẹn 1 triệu và "yêu cầu" sắm tết. |
Câu hỏi đưa ra đúng vào thời điểm nhạy cảm, ngay lập tức có hàng nghìn bình luận của “tổ tư vấn cư dân mạng”. Giữa muôn ngàn bình luận tư vấn nên mua những gì, không nên mua những gì, thì vẫn có những cô vợ than thở “chồng đưa 1 triệu là may mắn lắm rồi, như mình đây còn không có đồng nào tiêu tết”.
Lại có cô vợ khác “tố” ông chồng “bá đạo” hơn, “vừa đưa cho vợ 500 nghìn sắm tết, vay lại ngay 300 nghìn, hỏi sắm tết sao cho đủ đầy được đây”. Hóa ra được chồng đưa 1 triệu tiêu tết là đã “hạnh phúc” lắm rồi ư? Rồi lại còn có kiểu chồng đã không đưa vợ được đồng nào, còn “xúi vợ về nhà ngoại xin thêm”. Trong khi đó một chị khẳng định: “Có từng đó là phước lắm rồi. Như nhà mình chồng thất nghiệp 3 tháng gần tết không có đồng nào thì sao?”
1 triệu sắm tết đã là may, nhiều người chồng chỉ đưa 500 nghìn thôi. |
Quay trở lại vấn đề chính, với 1 triệu làm sao để sắm cho gia đình một cái tết đủ đầy? Sau đây là một số lời tư vấn “thấu lí đạt tình” của “tổ tư vấn cư dân mạng”:
- “Phải nói rõ là sắm đồ tết cho gia đình hay đồ tết cho bản thân. Nếu sắm cho gia đình thì mua cho thùng mì tôm ăn cả tết, còn cho bản thân thì còn chần chừ gì nữa”.
- “1 kg giò, 2 cái bánh chưng, một ít bánh và mứt, vài hũ dưa muối, ít thịt, vài chục trứng ăn nhòe cả tết”.
- “Mua 2 kg muối, 1 kg vừng. 1 kg lạc. Khó thì mình sống theo kiểu khó.”
- “Mua 1 cặp bánh chưng: 100 nghìn. 1 lốc nước ngọt: 50 nghìn.
Mua 4 lon bia: 40 nghìn. 1 hộp bánh: 50 nghìn.
Mua 1 nải chuối: 50 nghìn. Mua 1 đĩa hoa và cau 20 nghìn.
Mua 1 quả táo, 1 quả lê, 1 quả xoài, 1 quả cam khoảng 50 nghìn, tổng mâm ngũ quả thắp hương hết 360 nghìn.
Mua 1 kg thịt gà: 150 nghìn. 1 kg thịt lợn 100 nghìn. 0,5 kg thịt bò.
Mua 1 cành ly 50 nghìn.
Mua 3 quả dừa về làm mứt hết 60 nghìn. Mua 0,5kg hạt bí 80 nghìn. Mua 2 gói kẹo 80 nghìn.
Vậy là vừa đủ 1 triệu đồng”.
Bài toán chi tiêu ngày tết có vẻ như không có hồi kết. (Ảnh: Báo mới) |
- “Mua khoai về luộc ăn cả Tết không hết”.
- “Chồng mình đưa như này thật, mình mua được 1 cái áo cho con hết 200 nghìn, 1 thùng sữa 190 nghìn, mua linh tinh nữa, tổng hết 500 nghìn. Còn 500 nghìn đút lợn cho con”.
- “Bo thêm cho chồng 1 tờ rồi bảo nhường anh sắm tết”.
- “Mua 1 triệu thịt lợn về, ăn tết đảm bảo đủ”.
- “Mua bộ quần áo thật đẹp cho mình và cho con”.
- “Chỉ mua bánh chưng, bánh thắp hương, kẹo, thịt, trầu cau”.
- “Mua 2 cái bánh tét/chưng, vài gói kẹo, mứt, 1 bộ quần áo cho con, 1kg thịt heo, ít củ về tự muối dưa hành, chậu hoa nhỏ cỡ 50 nghìn, giấy vàng mã thắp hương cúng tổ tiên, 2 con gà”.
- “Mua đồ cúng tổ tiên, còn lại thì ăn uống như ngày thường”.
(Ảnh: Báo mới) |
Nhiều chị em tâm sự dù tiết kiệm hết mức nhưng sắm tết vẫn hết khoảng 5-7 triệu. Chị Mai Quỳnh hiện sống ở Hà Nội nhưng năm nào cũng về quê Thái Nguyên ăn tết cho biết để chuẩn bị cho tết chị mới chỉ mua ít bánh kẹo, thực phẩm ngày tết mà đã mất gần 2 triệu đồng, chưa kể còn mua đào quất trang trí nhà cửa và mua đồ cúng tổ tiên. Trong khi đó nhiều chị em “cao thủ chi tiêu” cho rằng 1 triệu thì sẽ sắm tết theo kiểu 1 triệu, nhiều gia đình chồng chỉ đưa 500 nghìn mà vẫn đủ, không sao hết cả.
Câu chuyện chi tiêu ngày tết có lẽ sẽ chẳng bao giờ có hồi kết. Nhưng dù tranh cãi thế nào, bức xúc ra sao, thì hội chị em phụ nữ Việt Nam – vốn giỏi xoay xở trong mọi tình thế, vẫn sẽ biết cách chi tiêu hợp lý để gia đình có một cái tết thật ấm cúng, an lành và nhiều may mắn.