3 năm đối mặt với chứng bệnh trầm cảm là khoảng thời gian ám ảnh với chị Dương. |
Năm 2013 chị Dương sinh bé trai đầu lòng trong niềm vui và hạnh phúc của cả gia đình. Thế niềm vui đón đứa con mới chào đời chưa kéo dài lâu thì chị rơi vào trạng thái mất ngủ trầm trọng. Chồng đi làm cả ngày, nhà chỉ có một mẹ một con chăm nhau, bé lại khó nuôi nên chị bắt đầu cảm thấy quay cuồng và mệt mỏi. Con lại vài ba ngày đi viện một lần khiến chị Dương càng thêm căng thẳng và áp lực. Từ khi bé được 3 tháng tuổi chị bắt đầu chống chọi với những đêm dài gần như thức trắng, mệt mỏi và suy kiệt.
Từng là một người hoạt bát, vui vẻ và “cuồng” mua sắm nhưng từ khi sinh con, chị trở nên trầm lặng, không còn cười nói, cân nặng mất kiểm soát trầm trọng. Chị cũng không thiết mặc đẹp, chẳng màng mua sắm.
Hiện tại chị đã chữa khỏi chứng trầm cảm và hòa nhập với cuộc sống. |
Tâm sự về giai đoạn đó, chị Dương cho biết: “Mình vẫn ăn uống bình thường nhưng cân nặng lại sụt giảm 1 cách nhanh chóng, từ 50 kg về 41 kg trong hơn 10 ngày. Da mình trước trắng hồng thi nay xám đen lại. Mình bắt đầu thấy tay chân mất kiểm soát, đầu trống rỗng, giảm trí nhớ nhanh chóng và không thể tập trung làm việc gì cả. Thậm chí mình như biến thành người khác, dễ kích động, bạo lực hơn với con mình. Chỉ cần con khóc mình đã cảm thấy tức tối. Thậm chí mình chán ghét cả việc nhìn thấy con, mình chỉ muốn con biến mất để mình được thở mà thôi.
Thỉnh thoảng mẹ mình có qua thăm cháu, mẹ nói sắc mặt mình rất kém. Hàng xóm thì kêu mình bị làm sao mà như kẻ mất hồn rồi xuống sắc nhanh thế? Lo lắng nên mẹ nói mình nên đi viện khám bệnh tổng quát.
Mình đi khám mà bác sĩ khẳng định mình không có bệnh, chỉ là mệt mỏi quá nên như vậy mà thôi. Mọi người khuyên mình đi truyền nước và đạm cho khỏe, tuy nhiên 9 ngày ròng rã truyền nước và đạm mình không thay đổi khá hơn mà thấy mệt mỏi, đau đầu và có ảo giác.
Mình 1 lần nữa khám lại tại bệnh viện đa khoa. Bác sỹ nói mình hoàn toàn bình thường, chỉ trừ có lượng bạch cầu tăng lên bất thường (gấp đôi bình thường) nên kê thuốc cho mình 5 ngày và dặn mình chỉ được ăn cháo, sau 5 ngày thì quay lại viện sẽ tiến hành kiểm tra chuyên sâu.
Mình uống thuốc theo đơn đến ngày thứ 2 thì không chịu nổi nữa, người mình lúc nào cũng bốc hỏa, tay chân như có sâu bọ đục khoét bên trong xương tủy. Mình gần như thức trắng cả ngày lẫn đêm, đầu đau như búa bổ, có lúc mình nghĩ đập đầu vào tường chết quách cho xong. Có đêm mình chạy khỏi phòng bảo mẹ rằng mình không chịu nổi nữa, rằng mình chết mất. Mẹ lại nói chuyện với mình cả đêm.
Ban ngày mình như kẻ mất hồn đi lang thang ngoài ngõ, mình cứ nói chuyện với hết người này đến người khác, lúc đó nếu không nói chắc mình chỉ nghĩ tới chết mà thôi. Đỉnh điểm khi tới ngày thứ 5 mình đã mua thuốc ngủ về uống với mong muốn sẽ ngủ giấc dài và không phải tỉnh dậy chịu đau đớn nữa. Đêm đó con mình lại khóc đột ngột, mình đã lao tới bóp cổ thằng bé. May thay mình bừng tỉnh lại và dừng tay kịp lúc.”
Chứng trầm cảm sau sinh xuất hiện ngay sau khi chị Dương sinh bé trai đầu lòng. |
Hoảng loạn với hành động không thể tin nổi của mình, ngay trong đêm đó, chị Dương gọi cho mẹ để gửi con rồi bắt xe lên thẳng Bệnh viện Tâm thần TP Hồ Chí Minh. Sau khi trình bày về tình trạng của mình, chị được bác sĩ chỉ định đo sóng não và test tâm lý. Cuối cùng bác sĩ kết luận chị mắc chứng rối loạn lo âu và trầm cảm. Những ngày sau đó, chị được trò chuyện với bác sĩ tâm lý để giải tỏa và được kê một số loại thuốc điều trị.
Sau lần suýt tự tay tước đi mạng sống của con, chị thực sự sợ hãi và cảm nhận rõ mức độ nguy hiểm của căn bệnh mà mình đang mắc phải. Chị nghe lời bác sĩ, uống thuốc đầy đủ, đúng giờ, cố gắng trò chuyện và tâm sự với người thân và hạn chế ở một mình trong nhà.
Chị Dương mua tranh chữ thập về thêu để giết thời gian, chị thường ra đầu ngõ ngồi thêu để có người đi qua trò chuyện cùng. Bằng cách ấy chị dần hạn chế được những suy nghĩ tiêu cực trong đầu, chị không còn muốn chết nữa và dần thoát khỏi khủng hoảng tâm lý. Thế nhưng chứng mất ngủ thì vẫn chưa được cải thiện nên chị phải uống thuốc an thần theo chỉ định của bác sĩ.
Năm 2016 chị mang bầu bé gái thứ hai. Giai đoạn mang thai chị cũng rất vất vả bởi nội tiết kém, thai yếu, dọa sinh non lại bị bóc tách, thiếu ối. Tuy nhiên tinh thần chị vẫn rất lạc quan và không hề có ý nghĩ tiêu cực. Tuần thứ 35 chị sinh non do cạn ối. Mang thai vất vả là vậy, nhưng bé thứ hai lại dễ nuôi hơn bé đầu. Con bú mẹ hoàn toàn, ngủ tốt và ít quấy khóc.
Thế nhưng khi bé được một tuổi, chị lại bắt đầu có triệu chứng đau đầu, ảo giác và vẫn mất ngủ triền miên. Chị được bác sĩ tư vấn nên nghỉ ngơi, dành thời gian đi du lịch để tâm lý được thoải mái. Tuy nhiên, thời gian đó chị bắt đầu tăng cân không kiểm soát. Chỉ trong 8 ngày chị tăng tới 10 cân dù ăn uống bình thường và ngủ vô cùng ít.
Chị Dương cho biết những người thân trong gia đình có vai trò quan trọng trong việc giúp người phụ nữ thoát khỏi trầm cảm. |
Chị Dương nhớ lại: “Không chỉ tăng cân nhanh chóng, mình còn xuất hiện triệu chứng bốc hỏa, mất trí nhớ tạm thời, mắt thậm chí không nhìn thấy đường trong vài phút. Mình sợ lắm, đang chạy xe máy mà mình phải dừng lại, đứng cả nửa tiếng rồi dắt xe chứ không dám đi tiếp. Về nhà mình gọi điện cho bác sĩ và được chỉ định lên viện khám gấp. Mình lại bắt taxi lên viện thăm khám và kết luận trầm cảm tái phát, lần này nặng hơn lần trước và yêu cầu cách li con. Bác sĩ cho mình tăng gấp rưỡi liều thuốc an thần và thuốc chống trầm cảm. Mình uống thuốc chống trầm cảm thì không còn thấy ảo giác, cơ thể không có cảm giác tự nhiên mất trọng lượng như trước nữa nhưng đau đầu và mất ngủ thì thuốc an thần và giảm đau lại không đáp ứng được. Qua mấy lần đổi thuốc mình bắt đầu kìm chế được cơn đau đầu, thấy vui vẻ hơn. Mình hay đi chơi, đi tham quan, đi mua sắm, tham gia các lớp học online, tập thể dục, gặp gỡ thêm bạn bè, tham gia các hoạt động online và offline. Và đặc biệt quan trọng là bên mình luôn có những người thân yêu động viên, khuyến khích và chia sẻ với mình mọi lúc, mọi vấn đề dù là nhỏ nhất.”
Cuối cùng sau suốt 3 năm dài chiến đấu, chị Dương cũng thoát khỏi căn bệnh trầm cảm khủng khiếp này. Giờ đây khi nhớ lại những ngày tháng “kinh hoàng” ấy, chị vẫn cảm thấy đầy sợ hãi và ám ảnh. Nếu không phát hiện kịp thời, chị không thể tưởng tượng nổi chuyện gì đã xảy ra.
Chị Dương cho biết, đối với những người phụ nữ sau sinh, sự mất cân bằng nội tiết cùng với nỗi cô đơn và khó khăn khi nuôi con không được giải tỏa rất dễ dẫn tới tình trạng trầm cảm. Nguy hiểm hơn là nhận thức của mọi người về căn bệnh này còn quá ít, thậm chí có những người phụ nữ khi tìm cách tâm sự với người nhà đều bị gạt đi và cho rằng đó là sự “suy diễn vớ vẩn”. Chị cảm thấy mình may mắn khi có mẹ, có chồng và người thân xung quanh. Dù thời gian đầu, chồng chị cũng không tin vào căn bệnh này. Nhưng khi đọc được kết luận của bác sĩ, anh đã hiểu ra và hết mực chăm sóc, động viên vợ vượt qua khủng hoảng tâm lý.
Những ngày gần đây, khi mạng xã hội lan truyền clip gây sốc ghi lại hình ảnh một người mẹ đặt đứa con sơ sinh của mình nằm trên nền nhà, ngay cạnh chiếc đèn sưởi và ra sức đạp, đánh vào người bé. Đã có rất nhiều chỉ trích, vô vàn những lời chửi mắng người mẹ quá tàn bạo và nhẫn tâm. Nhưng chị Dương, một người đã từng trải qua chứng trầm cảm sau sinh đã đưa ra quan điểm khách quan về sự việc. Chị cho rằng rất có thể người mẹ ấy cũng giống như chị, đang trải qua nỗi ám ảnh của trầm cảm, dẫn tới những hành động không nhận thức như vậy. Họ đáng thương, đáng được cảm thông và giúp đỡ hơn là bị mắng chửi.
Hình ảnh người mẹ đặt con nằm dưới sàn nhà, đạp và đánh con tàn nhẫn gây nhiều tranh cãi. |
“Hãy ngưng chửi bới, trách móc người khác mà hãy giành thời gian quan tâm tới bản thân, quan tâm những người thân bên cạnh bởi rằng không biết một lúc nào đó chính bạn hoặc người thân của bạn cũng trở thành nạn nhân của căn bệnh này” – chị Dương kêu gọi.