Kết luận thanh tra việc quy hoạch, quản lý xây dựng, đất đai ở Khu đô thị mới Thủ Thiêm (TP HCM) đang được dư luận đặc biệt quan tâm. Ông Nguyễn Túc (Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Văn hóa - Xã hội, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam), chia sẻ với Zing.vn
Theo ông Túc, người dân đặc biệt quan tâm việc làm sao thu hồi khoản tiền thất thoát hàng chục nghìn tỷ từ những sai phạm đã chỉ ra.
Kết luận thanh tra chỉ rõ UBND TP HCM đã tạm ứng, quản lý, sử dụng nguồn vốn ngân sách chưa đúng với quy định; không hoàn trả tạm ứng hàng năm theo Luật Ngân sách với tổng giá trị hơn 26.300 tỷ. Cơ quan này yêu cầu UBND TP phải thu hồi và hoàn trả ngay 26.300 tỷ đồng đã tạm ứng không đúng quy định từ ngân sách Nhà nước để đầu tư cho Khu đô thị mới Thủ Thiêm tính đến ngày 30/9/2018.
"Nếu không khắc phục được hoặc khắc phục không triệt để các vi phạm về kinh tế, gây thiệt hại tài sản Nhà nước trước ngày 31/12 thì chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra để xem xét, xử lý”, Thanh tra Chính phủ nêu.
“Yêu cầu TP HCM phải hoàn trả ngay cho ngân sách hơn 26.300 tỷ là rất quan trọng. Tiền này không được lấy từ ngân sách thành phố mà những người gây ra sai phạm phải có trách nhiệm bồi thường. Hơn nữa, trước đây TP ưu ái cho doanh nghiệp nào, đơn vị nào được hưởng lợi thì giờ chính những nơi đó phải nộp lại để thu hồi cho Nhà nước”, ông Túc nói.
Nhiều ý kiến không đồng tình khi kết luận thanh tra vụ Thủ Thiêm chưa nêu tên những cá nhân cụ thể có sai phạm. (Ảnh: Lê Quân).
Ông Vũ Quốc Hùng (nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương) cũng nhấn mạnh yêu cầu quan trọng của việc thu hồi tài sản thất thoát.
Về nội dung Thanh tra Chính phủ nêu ra yêu cầu đến 31/12 nếu không khắc phục được hoặc khắc phục không triệt để các vi phạm về kinh tế sẽ chuyển hồ sơ sang công an, theo ông Hùng, đây chính là “tối hậu thư” cho các cơ quan có trách nhiệm.
“Trước hết, việc này là để thu hồi tài sản đã bị thất thoát. Nó cũng là lời cảnh tỉnh cho những người liên quan phải có trách nhiệm về sai phạm của mình, hãy hành động để sửa chữa sai lầm”, ông Hùng nói.
Ông khẳng định kể cả với những cán bộ đã về hưu cũng không thể “ngồi yên trong nhà đóng cửa”, mà phải tích cực tham gia giải quyết hậu quả.
Nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị phải sớm kiểm điểm rõ trách nhiệm của tất cả những người có liên quan, vì đây là sự việc đã kéo dài quá lâu, chậm trễ nữa là không thể chấp nhận.
Dự án tái định cư ở Khu đô thị mới Thủ Thiêm cũng được xác định có nhiều sai phạm. Ảnh: Lê Quân.
Bản kết luận dài 15 trang của Thanh tra Chính phủ nêu rõ hàng loạt sai phạm ở Thủ Thiêm và nhắc đến trách nhiệm của nhiều đơn vị, sở, ngành. Tuy nhiên, chưa có cá nhân hay cái tên cụ thể nào được đề cập. Ông Nguyễn Túc cho rằng đây có thể là sự thận trọng.
“Việc này phải giải quyết làm sao để vừa được lòng dân, vừa không làm mất uy tín của tổ chức Đảng và chính quyền nơi đó nên cần có bước đi vững chắc, thận trọng”, ông Túc nhìn nhận.
Ông bày tỏ tin tưởng từ nay đến cuối năm, trách nhiệm cụ thể của từng cán bộ trong vụ việc ở Thủ Thiêm sẽ được làm sáng tỏ.
“Tổng bí thư đã nhiều lần nhấn mạnh việc xử lý không vùng cấm, không ngoại lệ và cũng không có chuyện hạ cánh an toàn khi về hưu. Như vừa qua rất nhiều cán bộ cấp cao về hưu cũng bị xử lý nghiêm khắc”, ông Túc nói và nhấn mạnh pháp luật không trừ ai cả.
Thiếu tướng Lê Văn Cương (nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược, Bộ Công an) lý giải trong nhiều trường hợp, vì lý do nhạy cảm, bản kết luận thanh tra gửi cho các cơ quan có thẩm quyền như Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Chính phủ, Ban Bí thư… sẽ chi tiết hơn bản công bố trên các phương tiện thông tin.
Thiếu tướng Lê Văn Cương (nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược, Bộ Công an). Ảnh: Lê Hiếu.
Nhắc lại chỉ đạo của người đứng đầu Đảng, Nhà nước về việc với sai phạm phải nêu rõ ai sai, sai ở đâu, sai ở mức độ nào, tướng Lê Văn Cương cho rằng kết luận vấn đề sai phạm ở Thủ Thiêm cũng phải như vậy. Theo đó, phải nêu rõ những quyết định nào có sai phạm và người ký quyết định ấy phải chịu trách nhiệm.
Hơn nữa, với rất nhiều sai phạm gây thất thoát số tiền lớn như kết luận đã nêu, ông Cương nói hoàn toàn đủ cơ sở chuyển hồ sơ sang công an để tiếp tục giai đoạn điều tra, chứ không cần thiết phải “gia hạn” đến 31/12.
Trong bản kết luận thanh tra, Thanh tra Chính phủ nêu kiến nghị TP chỉ đạo xử lý trách nhiệm đối với các tổ chức, cá nhân thuộc thẩm quyền như: Ban quản lý Khu đô thị mới Thủ Thiêm; các Sở Giao thông Vận tải, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Quy hoạch - Kiến Trúc, Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư, Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM; các đơn vị tư vấn, các nhà đầu tư dự án…
Ngoài ra, Thanh tra Chính phủ cũng chuyển kết luận thanh tra đến Ủy ban Kiểm tra Trung ương để xem xét, xử lý theo thẩm quyền đối với các tổ chức, cá nhân thuộc diện Bộ Chính trị và Ban Bí thư quản lý.