Tốn hàng triệu USD, Apple tạo ra chuỗi robot thua xa công nhân

Đổ hàng triệu USD áp dụng công nghệ tự động hóa vào dây chuyền sản xuất, nhưng Apple nhận ra rằng con người vẫn tốt hơn.

Apple, hãng công nghệ có lợi nhuận thuộc top cao nhất thế giới, từng ra đời các sản phẩm công nghệ đột phá sẽ không áp dụng tự động hóa vào sản xuất sản phẩm. Sau thất bại với những cỗ máy lắp ráp sản phẩm, Apple đã quay về sử dụng con người cho mục đích này.

"Robot và tự động hóa trông thật tuyệt khi hoạt động. Nhưng một khi sự cố xảy ra, chỉ có trời mới biết", David Bourne, người từng làm việc tại Foxconn, đơn vị sản xuất chính của Apple, chia sẻ với The Information.

Tốn hàng triệu USD, Apple tạo ra chuỗi robot thua xa công nhân - Ảnh 1.

Robot công nghiệp Foxbot được thử nghiệm tại cơ sở của Foxconn ở Thâm Quyến (Trung Quốc) vào năm 2016. (Ảnh: Getty Images).

Kế hoạch 7 năm chỉ thực hiện được 10%

Đang là nhà khoa học về nguyên lí hệ thống sinh học tại Viện Robot, Đại học Carnegie Mellon (Mỹ), Bourne từng có thời gian làm việc trong nhiều dự án tự động hóa tại Foxconn để sản xuất sản phẩm cho Apple.

Chính Foxconn đã "khai sáng" ý tưởng tự động hóa cho Apple. Năm 2012, các lãnh đạo của Apple, bao gồm CEO Tim Cook, được cho đã đến Trung Quốc để chiêm ngưỡng dây chuyền tự động hóa của Foxconn. Tại đó, những chú robot đã lấy từng linh kiện rồi lắp ráp thành một chiếc iPad hoàn chỉnh.

Terry Guo, khi đó là chủ tịch Foxconn, nói với Apple rằng dây chuyền tự động hóa này sẽ có một triệu chú robot chỉ trong 2 năm.

Thế nhưng 7 năm sau, tức năm 2019, Foxconn chỉ có 100.000 robot hoạt động trong dây chuyền sản xuất. Cả Foxconn và Apple đều không nói rõ lý do áp dụng tự động hóa một cách chậm chạp như vậy.

Tốn hàng triệu USD, Apple tạo ra chuỗi robot thua xa công nhân - Ảnh 2.

Cơ sở lắp ráp máy tính Mac Pro tại Austin, Texas (Mỹ). Ảnh: MacGeneration.

Phòng thí nghiệm robot của Apple

Sau những nỗ lực đầu tiên của Foxconn, Apple đã mở phòng thí nghiệm robot bí mật của riêng mình vào năm 2012, nằm cách trụ sở Apple Park khoảng 9,6 km. Bên trong căn phòng là đội ngũ chuyên gia về tự động hóa, kĩ sư robot với mục tiêu làm ra chú robot có thể lắp ráp iPad tương tự robot của Foxconn.

Apple đặt mục tiêu cho đội ngũ là giảm một nửa lượng nhân công cần thiết. Cụ thể, Táo khuyết muốn những chú robot này thay thế 15.000 công nhân, tương đương 50% nhân công được huy động cho những thời điểm quan trọng.

Tuy nhiên, mục tiêu ấy đã thất bại khi những chú robot không thể hoạt động chính xác như con người.

Một số vấn đề xảy ra như lượng keo cần thiết để kết dính các linh kiện theo yêu cầu không được robot đong đếm chính xác. Những con ốc nhỏ, cảm biến cần được đặt đúng vị trí, siết chặt với một lực nhất định khiến những chú robot gặp khó khăn.

Không đạt mục tiêu đề ra, phòng thí nghiệm này đã bị đóng cửa vào năm 2018. Có báo cáo nói rằng một số dự án của nó đã được chuyển sang các bộ phận khác của Apple.

Tuy nhiên, đó không phải bộ phận duy nhất chú trọng vào tự động hóa, cũng không phải thất bại lớn nhất trong kế hoạch áp dụng tự động hóa của Apple.

Tốn hàng triệu USD, Apple tạo ra chuỗi robot thua xa công nhân - Ảnh 3.

MacBook 12 inch được lên kế hoạch ra mắt vào năm 2014, nhưng đã trễ đến tháng 4/2015 vì dây chuyền sản xuất bằng robot không đáp ứng yêu cầu. (Ảnh: The Verge).

Chiếc MacBook bị trễ hẹn nửa năm

Thất bại lớn nhất có lẽ dành cho hàng triệu USD đổ vào hệ thống tự động hóa dây chuyền sản xuất MacBook 12 inch năm 2015. Dây chuyền này đã hoạt động từ năm 2014, nhưng các vấn đề không chỉ khiến nó bị "xếp xó", mà còn dẫn đến việc sản phẩm bị hoãn ra mắt đến vài tháng.

Kế hoạch tự động hóa dây chuyền sản xuất MacBook không chỉ diễn ra trong nội bộ Apple. Hệ thống này đã được lắp đặt trong một nhà máy tại Trung Quốc, dùng để lắp ráp màn hình, bàn phím và trackpad vào khung của MacBook.

Tuy nhiên, vấn đề đến từ các linh kiện không được hệ thống di chuyển theo ý muốn. Robot chịu trách nhiệm lắp ráp bàn phím bằng 88 con ốc nhỏ đã không hoạt động như kế hoạch, buộc con người phải can thiệp.

Điều đáng nói là chúng không hề biết mình đang làm sai, dẫn đến cả dây chuyền sản xuất bị đình trệ. Thất bại của dây chuyền tự động hóa khiến mẫu MacBook này ra mắt vào tháng 4/2015, chậm hơn 6 tháng so với lịch trình ban đầu.

Tốn hàng triệu USD, Apple tạo ra chuỗi robot thua xa công nhân - Ảnh 4.

Daisy, robot dùng để bóc tách linh kiện iPhone được đưa vào sử dụng từ năm 2018. (Ảnh: MacGeneration).

Tại sao Apple không muốn tự động hóa dây chuyền sản xuất?

Nếu chỉ ra công ty có khả năng khắc phục những vấn đề công nghệ hiệu quả nhất, đó chắc chắn là Apple, tuy nhiên bên cạnh kĩ thuật còn là những yếu tố cơ bản khác. Ví dụ, Apple luôn thay đổi thiết kế sản phẩm sau vài năm, và dây chuyền tự động hóa cũng cần được thiết kế lại cho phù hợp.

So với việc thiết kế lại cả dây chuyền, đào tạo nhân công về thiết kế sản phẩm chắc chắn dễ dàng và nhanh chóng hơn nhiều.

Lí do chính khiến Foxconn và Apple chú ý đến tự động hóa đến từ việc nó sẽ giúp cả 2 bớt phụ thuộc vào nhân công. Foxconn đã gặp khó khăn trong việc tuyển dụng nhân công cho giai đoạn nhu cầu người dùng đạt đỉnh, sau khi iPhone ra mắt.

Về lí thuyết, tự động hóa sẽ giảm thiểu vấn đề đó, nhưng Apple đã có giải pháp riêng. Khi cần thiết, họ sẽ chuyển sang nhà cung ứng khác. Nếu gặp vấn đề nhân công hoặc thiếu dây chuyền, họ sẽ chủ động đi tìm đối tác.

Nếu những đối tác cũng cần thiết kế lại hệ thống tự động hóa dựa theo thiết kế sản phẩm của Apple, sự linh hoạt sẽ không còn.

Không phải vấn đề kĩ thuật, những lí do kinh doanh là mấu chốt khiến Apple đề cao việc sử dụng sức lao động từ con người hơn là máy móc. Không chỉ Apple, các hãng như Tesla, Boeing cũng từng thử nghiệm hệ thống tự động hóa và bỏ cuộc với lí do tương tự.

Tất nhiên điều đó không có nghĩa máy móc hoàn toàn vô dụng. Apple vẫn đang sử dụng robot cho các công việc đơn giản như kiểm tra sản phẩm, hay dùng robot Liam - sau này là Daisy - để bóc tách linh kiện trên iPhone.

chọn
Thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua (11/1 - 17/1): Thủ tướng yêu cầu khởi công toàn bộ cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng trong quý I
Thủ tướng yêu cầu khởi công cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng; Hà Nội khởi công đường Tây Thăng Long qua Đan Phượng; gần 4.000 tỷ đồng bồi thường, TĐC cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành qua Bình Phước... là những thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua.