Trước thông tin Bộ Thương mại Hoa Kỳ công bố sẽ đánh thuế nặng vào các sản phẩm thép có nguồn gốc nguyên liệu từ Đài Loan và Hàn Quốc, Tập đoàn Hoa Sen cho biết đã giảm thiểu được các rủi ro và nắm được lợi thế cạnh tranh bền vững ở thị trường trong nước và quốc tế.
Ông Vũ Văn Thanh, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Hoa Sen, khẳng định: "Quyết định áp thuế chống bán pháp giá hơn 400% mà phía Hoa Kỳ (DOC) công bố không làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của Tập đoàn Hoa Sen. Thực tế là trong các năm qua, chúng tôi không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, làm việc nghiêm túc để đáp ứng tất cả các yêu cầu của DOC và liên tục xuất khẩu các đơn hàng lớn vào Mỹ".
Hoa Sen đã chủ động được nguồn nguyên liệu từ trước để không bị ảnh hưởng từ đợt áp thuế. (Ảnh: Thùy Dung).
Hoa Sen là đơn vị đang chiếm gần 37% tổng sản lượng xuất khẩu tôn mạ toàn ngành năm 2018. Ông Thanh cho biết thêm doanh nghiệp sử dụng nguồn nguyên liệu Việt Nam hoặc chủ động các nguyên liệu có nguồn gốc xuất xứ không phải từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan, để sản xuất các đơn hàng xuất khẩu đi Mỹ.
Từ tháng 8/2018, Hoa Sen phối hợp với DOC trong quá trình điều tra, thẩm tra trực tiếp tại doanh nghiệp, cung cấp tài liệu chứng minh nguồn gốc nguyên liệu đầu vào, quá trình sản xuất đến sản phẩm đầu ra một cách minh bạch.
Trước đó, ngày 2/7, DOC ban hành kết luận sơ bộ trong vụ việc điều tra chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp đối với thép cán nguội và thép chống ăn mòn, hay còn gọi là tôn mạ của Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ có sử dụng nguyên liệu thép cán nóng nhập khẩu từ Hàn Quốc và Đài Loan (trung Quốc).
Hải quan Mỹ đề nghị thu thuế lên tới 456,23% với thép nhập khẩu từ Việt Nam có sử dụng nguyên vật liệu từ hai nơi này.
Lợi nhuận gần đây của Tập đoàn Hoa Sen có dấu hiệu đi xuống. (Đồ hoạ: Minh Phúc).
Theo báo cáo kết quả tình hình kinh doanh quý II/2019, Hoa Sen có doanh thu 6.922 tỉ đồng. Nhờ chủ động về nguyên liệu nên giá vốn của kì này chỉ chiếm 88,5% so với tổng doanh thu. Lãi ròng trong quý đầu năm nhờ đó đạt 53 tỉ đồng.
Mới đây, Hoa Sen cũng đã công bố thông tin đầu tư cảng biển thông qua công ty CP Cảng quốc tế Hoa Sen có trụ sở tại thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Trong cơ cấu doanh nghiệp mới, Tập đoàn Hoa Sen đóng góp 4,9 tỉ đồng, tương đương với tỉ lệ sở hữu 49%.
Hoa Sen vừa tuyên bố bước chân vào lĩnh vực cảng biển. (Ảnh: Thùy Dung).
Đầu tháng 3/2019, Hoa Sen lần đầu công bố thông tin chấm dứt hoạt động của một số chi nhánh trực thuộc hệ thống kinh doanh của công ty. Đến nay, Hoa Sen đã giải thể đến hơn 370 chi nhánh, đặc biệt, có cả 2 văn phòng đại diện tại Hà Nội và TP HCM.
Nguyên nhân đóng cửa một loạt chi nhánh được doanh nghiệp của ông Lê Phước Vũ đưa ra là tái cấu trúc hệ thống phân phối theo mô hình chi nhánh tỉnh, phục vụ công tác chuyển đổi các chi nhánh thành địa điểm kinh doanh thuộc chi nhánh tỉnh, nhằm đảm bảo hiệu quả kinh doanh.