Tổng Bí thư: Xử lý cán bộ để nhắc người trót nhúng chàm phải sửa

Đề cập đến công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết, xử lý cán bộ là để cảnh báo, răn đe, ngăn chặn, mở đường cho người ta tiến, chứ không phải kỷ luật nhiều mới là tốt. Quan trọng là nhắc người khác đừng có nhúng chàm và đã trót nhúng rồi thì phải sửa.

Chiều 29/11, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội tiếp xúc cử tri quận Hoàn Kiếm báo cáo kết quả kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa 14. Phát biểu tại đây, cử tri Nguyễn Chính (phường Hàng Bạc) đánh giá cao kết quả phòng, chống tham nhũng đã đạt được thời gian qua. Tuy nhiên, cử tri đánh giá tham nhũng vẫn nghiêm trọng, phức tạp, tinh vi trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, khai thác tài nguyên khoáng sản, quản lý sử dụng đất đai và đầu tư công.

“Cử tri mong muốn trong lần sửa đổi Luật phòng, chống tham nhũng sắp tới có những quy định sao cho những người có ý đồ tham nhũng phải sợ, đã tham nhũng khó thoát thân, kể cả khi đã “hạ cánh an toàn”, đặc biệt là phải có điều khoản để xử lý tài sản bất minh, không giải trình được nguồn gốc”, cử tri Nguyễn Chính nêu.

Cử tri Trương Việt Cường (phường Tràng Tiền) bày tỏ quan điểm đồng hành, ủng hộ Tổng Bí thư trong cuộc chiến phòng, chống tham nhũng. “Đã có người lãnh sáng suốt cầm cờ thì phải có một bộ máy trong sạch, đủ tâm, đủ tầm mới bảo đảm được công việc cực kỳ khó khăn, phức tạp này. Vì nó liên quan đến sự sống còn của Đảng và chế độ ta”, cử tri Cường nói.

tong bi thu xu ly can bo de nhac nguoi trot nhung cham phai sua

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp xúc cử tri TP Hà Nội sau kỳ họp Quốc hội

Theo cử tri Cường, việc xử lý Trịnh Xuân Thanh, Châu Thị Thu Nga… còn nhiều ách tắc, trì trệ sẽ gây hoài nghi trong cán bộ, đảng viên và nhân dân về quyết tâm chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước. Cử tri đề nghị bộ máy chống tham nhũng chỉ đạo quyết liệt, công khai, minh bạch hơn nữa để không phụ lòng tin của nhân dân.

Liên quan đến việc sửa đổi Luật phòng, chống tham nhũng, theo ông Cường, cử tri tán thành việc mở rộng phạm vi kê khai tài sản đối với cha mẹ đẻ, vợ con, anh em ruột, cha mẹ vợ, anh em vợ của cán bộ để tránh việc mang tên hộ tài sản tham nhũng.

Ông cũng cho rằng, phải có quy định phong tỏa tài sản nghi ngờ tham nhũng và ngăn chặn bỏ trốn của đối tượng nằm trong diện nghi vấn nhưng chưa có quyết định khởi tố, điều tra.

“Sớm có quy định cụ thể, kiến quyết việc thu hồi tài sản cho nhà nước mà thực chất là tài sản của dân do tham nhũng, hối lộ, ăn chia chạy dự án, chạy chức, chạy quyền…”, cử tri phường Tràng Tiền nói.

Cử tri còn đề nghị, thành lập cơ quan phòng, chống tham nhũng độc lập với đội ngũ cán bộ có tâm, có tầm. Cơ quan này được giao quyền hạn mạnh mẽ thực thi, như vậy nhiều cán bộ có điều kiện manh nha tư tưởng tham nhũng phải sợ, không dám tham nhũng và không thể tham nhũng được.

Phát biểu tại đây, cử tri Phạm Trọng Biển nêu, Quốc hội đã thể hiện trách nhiệm trước nhân dân, đặc biệt đã giám sát công tác phòng, chống tham nhũng, giám sát việc tòa án xét xử nhiều vụ án tham nhũng. Điều đó thể hiện qua việc, nhiều vụ án tham nhũng đã được đưa ra xét xử như vụ án nguyên ĐBQH Châu Thị Thu Nga; thi hành kỷ luật ông Nguyễn Xuân Anh - nguyên Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng; ông Phạm Sỹ Quý, Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Yên Bái… thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật.

Tuy nhiên, theo cử tri Biển, còn nhiều vấn đề dư luận quan tâm như phát hiện các vụ việc tiêu cực tham nhũng nhiều nhưng xử lý, xét xử còn chậm. Cử tri Biển đề nghị: “Quốc hội giám sát, đôn đốc việc điều tra, xét xử bảo đảm đúng pháp luật, tiến độ không để những vụ việc tiêu cực, tham nhũng phát hiện ra nhưng lại chìm lắng”.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đánh giá những đòi hỏi của cử tri phải làm quyết liệt hơn nữa, mạnh mẽ hơn nữa trong công tác phòng chống là rất đúng. “Tôi đã nhiều lần nói, đây là cuộc đấu tranh nội bộ vô cùng khó khăn phức tạp, phải làm lâu dài, kiên trì, kiên quyết, phải có bài bản, huy động sức mạnh tổng lực toàn Đảng, toàn dân thì mới có thể làm được”, Tổng Bí thư nhấn mạnh.

Nhắc lại câu nói “lò nóng rồi, củi khô, củi tương cũng cháy”, Tổng Bí thư nói rõ, xử lý là để cảnh báo, cảnh tỉnh, răn đe, ngăn chặn, mở đường cho người ta tiến, chứ không phải kỷ luật nhiều mới là tốt. Quan trọng là nhắc đừng có “nhúng chàm nữa và đã trót nhúng rồi thì phải sửa”.

“Nếu để dân mất lòng tin là mất tất. Điều đó rất đúng. Bác Hồ nói từ lâu rồi!. Chúng ta phải kiên trì, kiên quyết làm, làm từng bước vững chắc”, Tổng Bí thư cho hay, có những việc, Đảng thi hành kỷ luật trước rồi làm hình sự sau. Có việc thì làm hình sự trước, hành chính trước rồi Đảng mới làm sau. Tùy từng vụ việc cụ thể.

Riêng việc sửa đổi Luật phòng, chống tham nhũng, theo Tổng Bí thư, lần này sẽ đưa ra những quy định để làm sao anh nào đó không dám, không thể, không muốn tham nhũng, mà muốn tham nhũng cũng không được. Và khi xảy ra tham nhũng thì có căn cứ pháp lý để xử lý.

chọn
Lãnh đạo Everland chia sẻ về dự án HH5 Bắc An Khánh vừa M&A ở khu tây Hà Nội
Tại ĐHĐCĐ thường niên 2024, Chủ tịch Everland Lê Đình Vinh cho biết, hiện nay tình hình thị trường bất động sản phía tây Hà Nội đang ấm dần, do tập đoàn đang phối hợp với chủ khu đô thị Bắc An Khánh để hoàn thiện các thủ tục về đầu tư, xây dựng ô đất HH5 để có thể triển khai xây dựng từng phần ngay trong 2024.