Theo Báo cáo đánh giá về kết quả thực hiện kế hoạch SXKD năm 2018 và 3 năm gần nhất, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) cho biết doanh thu và sản lượng đang dần phục hồi nhờ tư duy kinh doanh đổi mới trong lĩnh vực vận tải.
Theo đó, hết năm 2018, tổng doanh thu của VNR đạt hơn 8.252 tỉ đồng (tăng 18% so với năm 2017) và lợi nhuận trước thuế đạt gần 225 tỉ đồng (tăng 92% so với năm 2017).
Trong đó, về vận tải hành khách, những sản phẩm dịch vụ mới đều tiệm cận dân với nhu cầu của khách hàng.
Một số sản phẩm mới như toa xe khoang hai giường nằm, dịch vụ trọn gói từ nhà ga đến điểm du lịch được triển khai để đáp ứng nhu cầu của hành khách.
Trong 3 năm, VNR phục vụ hơn 28 triệu lượt hành khách và ghi nhận doanh thu gần 22.000 tỉ đồng.
Riêng năm 2018, doanh thu đã ngắt mạch tăng trưởng âm dù sản lượng hành khách giảm năm thứ tư liên tiếp.
Ga Hà Nội sẽ là một trong rất nhiều công trình đang được đưa vào kế hoạch cải tạo và xây dựng thành trung tâm thương mại trong năm 2020 của ngành đường sắt. (Ảnh: ReaTimes.VN).
Bên cạnh đó Báo cáo cũng cho biết, kết hoạch trong năm 2020 sẽ tiếp tục hoàn thành xây dựng Đề án cải thiện hạ tầng và chất lượng dịch vụ đường sắt quốc gia phục vụ khách du lịch và sẽ triển khai theo kế hoạch của Chính phủ và Bộ GTVT khi được phê duyệt.
Trong đó với các khu ga ở các đô thị lớn như: Hà Nội, Vinh, Đồng Hới, Huế, Đà Nằng, Nha Trang, Sài Gòn... sẽ hợp tác đầu tư nâng cấp, cải tạo, xây dựng các khu ga kết họp thương mại để phục vụ vận tải đường sắt, kinh doanh tổng hợp và đa dạng hóa các dịch vụ, tiện ích cung cấp để phục vụ khách hàng.
Đồng thời gắn kết kinh doanh vận tải đường sắt với kinh doanh ngoài vận tải đường sắt (hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện ích, trung tâm thương mại...) tại các nhà ga đường sắt để tạo sự thuận tiện tối đa cho hành khách.
Xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách hợp lý để phát huy được hiệu quả vận tải đường sắt, hấp dẫn đối với khách hàng đồng thời thu hút được nhà đầu tư tham gia đầu tư vào hệ thống kết cấu hạ tầng đường sất không liên quan trực tiếp đến chạy tàu như nhà ga, kho, bãi hàng....
Cũng theo báo cáo kết quả sản xuất kinh doanh đầu tư phát triển năm 2019, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam lên kế hoạch sản lượng và doanh thu hợp nhất năm nay tăng ít nhất 7% (tương đương mức tối thiếu 8.830 tỉ đồng) và lợi nhuận sau thuế đạt 188 tỉ đồng.
Bên cạnh đó, VNR sẽ tập trung triển khai đề án Tái cơ cấu lại tổng công ty Đường sắt Việt Nam giai đoạn 2017 – 2020 và triển khai các dự án trọng điểm, đặc biệt là các dự án đầu tư kết nối hạ tầng thuộc gói 7.000 tỉ đồng.
Tổng công ty dự kiến nguồn vốn đầu tư phương tiện vận tải và lắp ráp đầu máy tại công ty mẹ và các đơn vị thành viên năm nay khoảng 1.216 tỉ đồng.
Trong đó, vốn chuyển tiếp từ năm ngoái sang là 645 tỉ đồng, dự án đầu tư mới năm 2019 là 571,5 tỉ đồng (40,5 tỉ đồng từ nguồn khấu hao TSCĐ, 531 tỉ đồng từ nguồn xã hội hóa và vay ngân hàng).