Top 3 bài văn hay và ý nghĩa về ngày 20/11 để làm báo tường năm 2021

Hưởng ứng không khí chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam đang đến gần, tham khảo ngay những bài văn hay về 20/11 làm báo tường sau đây để tạo ấn tượng với thầy cô của mình.

Gợi ý những bài văn hay về 20/11 làm báo tường mới nhất 2021

Dưới đây là những bài văn hay về 20/11 làm báo tường ấn tượng nhất mà bạn có thể tham khảo:

Bài văn hay “Người truyền lửa”

Thầy cô là những chuyến đò chở em đến những bến bờ tương lai. Thầy cô là những người cha, người mẹ thứ hai đang dạy cho  em những bài học làm người, những hành trang vững vàng, chắp cánh cho chúng em để một ngày có thể tự tung bay trên bầu trời trong xanh rộng lớn. Thầy cô chính là ngọn đuốc khai sáng con đường tri thức và luôn nắm chặt bàn tay bé nhỏ của chúng em một cách dịu dàng, ân cần dìu dắt tới tận cuối con đường.

Nhà thơ Bùi Đăng Sinh đã từng viết:

“Đồi cao thắm sắc ti gôn

Trồng hoa thầy đã trồng luôn cả người”

Đúng vậy, thầy cô không chỉ cho chúng em kiến thức mà còn dạy cho chúng em cách làm người, cách sống, cách đối nhân xử thế với tất cả mọi người. Thầy cô đã trồng và ươm mầm những nhân cách tốt đẹp của chúng em và chăm sóc, nuôi nấng nó lớn lên từng ngày, từng tháng và rồi mai sau nó sẽ lớn và trở nên đẹp đẽ vô cùng. Công ơn thầy cô đối với chúng em bao la như trời bể. Cái nghề giáo đâu phải ai cũng làm được. Có mấy ai có thể kiên nhẫn cầm tay một đứa trẻ kiên trì dạy chúng viết những con chữ đầu tiên trong đời. Có mấy ai có thể ngồi hàng giờ để hướng dẫn một đứa trẻ đọc tròn câu chữ. Có mấy ai có thể thức trắng khuya để hoàn thành giáo án cho buổi dạy hôm sau. Có mấy ai trên đời này có thể làm được những điều cao cả đó nếu không có tình yêu nghề tha thiết.

Thầy cô đã dạy chúng em bằng cả tấm lòng và tình yêu thương vô bờ bến, cả những tri thức cả đời của mình. Những đứa học sinh ngây thơ chúng em làm sao biết được mỗi lần thầy cô nghiêm khắc trách phạt là mỗi con dao cứa vào tim, đau xót biết chừng nào, làm sao biết được ẩn sau nụ cười khi thấy chúng em được thành tích tốt là niềm hạnh phúc khôn cùng.

Ngày 20/11 - ngày tri ân các nhà giáo Việt Nam sắp đến, chúng em - những người học trò, những người mang ơn cô thầy chỉ biết dành những lời cảm ơn nho nhỏ để cảm ơn những gì mà thầy cô đã dành cho chúng em bao năm học qua. Cảm ơn thầy cô - những con người tuyệt vời, những tấm gương mẫu mực và chu đáo để chúng em noi theo. Cảm ơn thầy cô - những người đã cho chúng em những kiến thức vững vàng để tiên bước vào đời. Cảm ơn thầy cô - những người cha, người mẹ thứ hai luôn chăm sóc, lo nghĩ cho những đứa con của mình. Cảm ơn thầy cô - những người luôn đứng sau cổ vũ, động viên chúng em bước tới ước mơ của mình, những người luôn quan tâm, lo lắng, giúp chúng em kiên cường đứng dậy sau những vấp ngã của cuộc đời. Cảm ơn thầy cô - những người đã cống hiến cả cuộc đời mình cho nền giáo dục nước nhà. Và cuối cùng, cám ơn thầy cô vì đã chọn trở thành một nhà giáo.

Top 3 bài văn hay và ý nghĩa về ngày 20/11 để làm báo tường năm 2021 - Ảnh 1.

Ảnh: Trường THCS Phùng Chí Kiên

Bài văn hay “Công ơn thầy cô"

Tháng 11 đã đến và chúng ta đang đến gần hơn với ngày “Hiến chương các nhà giáo”. Đó là ngày để các thế hệ học sinh chúng ta bày tỏ lòng quý mến và biết ơn các thầy cô giáo. 20/11 - ngày hiến chương các thầy cô giáo để mỗi người học trò nhớ tới những người Thầy, Cô đã dạy dỗ mình.

Dân gian ta có câu:

“Muốn sang thì bắc cầu kiều

Muốn con hay chữ phải yêu lấy Thầy”

Tôn vinh nghề dạy học và quý trọng thầy cô giáo chính là nghĩa cử cao đẹp của dân tộc ta. Ngày 20/11 không chỉ có ý nghĩa với các thầy cô giáo mà cón có ý nghĩa với mỗi một người học trò. Đó là ngày ghi nhận công lao, đề cao vị trí xã hội và khuyến khích các thầy cô giáo hăng say hơn nữa, nhiệt tình hơn nữa để “ươm mầm những mầm non tương lai của đất nước”. Đây đồng thời cũng là ngày để các thầy cô cảm thấy tự hào về nghề cao quý nhất giữa những nghề cao quý.

Đối với các thế hệ học sinh chúng em, đây là một ngày có ý nghĩa thực sự to lớn. Ngay từ những ngày đầu tiên đến trường,  em như bước vào ngưỡng cửa với đầy mới lạ, hấp dẫn nhưng cũng có cả những khó khăn và thử thách của sự học. Em được các thầy cô dìu dắt, ân cần nâng đỡ một cách đầy yêu thương. Chính tình yêu đó đã xoa dịu đi nỗi sợ hãi của em trong những bỡ ngỡ thuở ban đầu và nó cũng làm em có ý thức hơn, có động lực hơn để cố gắng trong việc học tập. Em được dạy rằng “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư”, em biết yêu quý kiến thức của thầy cô vì “Không Thầy đố mày làm nên”. Em cũng biết rằng sự học chính là cánh cửa mở ra tri thức, đóng lại sự mông muội của thời kỳ sơ khai. Sự học đưa loài người đạt được những tiến bộ vượt bậc. Và cũng chính sự học hướng em sống theo phần “người” xa dần phần “con” bản năng, giúp em tự tin bước vào thế giới hội nhập.

Ngày hôm nay khi nghe bài “Khi tóc thầy bạc trắng”, em cũng thấm thía hơn những lời dạy của thầy cô. Những người đã dạy em biết yêu quý hơn đất nước, yêu “ai hai sương một nắng để làm lên lúa vàng”, dạy em biết sống cần có một tấm lòng, để gió cuốn những tấm lòng thơm thảo ấy đến những miền đất xa xôi, thắp lên hy vọng cho những mảnh đời bất hạnh. Em thấy rằng tóc thầy tóc cô cũng đã bạc thêm rồi, bạc vì những trăn trở làm sao để truyền đạt những kiến thức đến với chúng em.

Ngày hôm nay em xin cảm ơn thầy cô - những nhà giáo đứng trên bục giảng để mang đến cho lớp trẻ những bài học quý giá bằng cả kinh nghiệm và tình yêu thương của mình. Chúng em mong rằng thầy cô sẽ mãi vững tay chèo để chở những người tri thức trẻ đến với bến bờ thành Công.

Top 3 bài văn hay và ý nghĩa về ngày 20/11 để làm báo tường năm 2021 - Ảnh 2.

Ảnh: Infonet - Vietnamnet

Bài văn hay “Mừng ngày nhà giáo Việt Nam"

Mỗi dịp chào đón ngày 20/11, các thầy cô giáo và những người làm Công tác giáo dục đều cảm thấy vinh dự và tự hào hơn với truyền thống của ngành.

“Nhuộm tóc Thầy trắng, bụi phấn tháng năm

Cho các em sáng mãi tuổi trăng rằm

Dệt mơ ước giữa trời cao gió lộng

Mưa nắng lòng người, bon chen cuộc sống

Nhớ về Thầy, em nhớ mái trường xưa"

Hàng năm, cứ đến ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 các thầy cô giáo lại thấy vinh dự và tự hào khi được các thế hệ học trò của mình thăm hỏi, chúc mừng với tất cả tấm lòng thành kính tri ân. Kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 đã trở thành một mỹ tục, không phải đơn thuần chỉ là ngày Lễ của một ngành nghề mà trở thành một Lễ hội của thời đại mới hòa vào hệ thống Lễ hội cổ truyền của nhân dân ta. Đồng thời thể hiện tính nhân văn sâu sắc và thực sự nâng cao vị trí, vai trò, trách nhiệm của nhà giáo trong sự nghiệp đào tạo. Dân tộc Việt Nam ta vốn có truyền thống hiếu học và “Tôn sư trọng đạo”, như điều cổ nhân đã dạy “Công cha, nghĩa mẹ, ơn Thầy” - đó là đạo lý, là triết lý sống của dân tộc Việt Nam, đã được kiểm chứng qua bao thế hệ con người. Trong lịch sử Việt Nam đã có nhiều Nhà giáo nổi tiếng đức độ, từ tốn, tài giỏi tên tuổi được lưu truyền mãi mãi như Chu Văn An, Nguyễn Trãi; Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Đình Chiểu, Lê Quý Đôn, Nguyễn Lân; Tạ Quang Bửu; Nguyễn Tất Thành,...

“Nhào nặn tâm hồn há chuyện chơi,

Đâu như gỗ sắc hỏng thì thôi,

Tâm hồn mà hỏng, con người hỏng

Người hỏng thì hư cả một đời”

Người Thầy đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc truyền dạy tri thức và giáo dục nhân cách cho học sinh; được coi như người cha, người mẹ thứ hai của học trò. Không ai có thể phủ nhận “Công lao dạy dỗ của người Thầy”, không ai có thể khẳng định mình giỏi giang, mình hiểu biết mà không cần đến sự dạy dỗ của người Thầy. Thầy chính là người trực tiếp truyền đạt kiến thức cho học trò và nhờ những kiến thức ấy, cùng với tinh thần hiếu học, cần cù, thông minh người học trò mới có được danh phận của mình trong các cuộc thi.

Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: “Người Thầy giáo tốt - Thầy giáo xứng đáng là Thầy giáo - là người vẻ vang nhất. Dù là tên tuổi không đăng trên báo, không được thưởng huân chương, song những người Thầy giáo tốt là những anh hùng vô danh. Đây là một điều rất vẻ vang”. Người cũng đã dạy chúng ta “Vì lợi ích mười năm phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm phải trồng người”.

Thực hiện lời dạy của Bác, Giáo dục và Đào tạo đã được Đảng ta khẳng định là quốc sách hàng đầu. Đại hội lần thứ XI của Đảng đã chỉ rõ là phải “xây dựng đội ngũ giáo viên đủ về số lượng, đáp ứng yêu cầu về chất lượng”, là khâu then chốt, là tiền đề trong đổi mới Giáo dục và Đào tạo. Càng vinh dự và tự hào, chúng ta càng ý thức được trách nhiệm lớn lao mà ngành Giáo dục phải phấn đấu để đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao đáp ứng thời kỳ đẩy mạnh Công nghiệp hóa và Hiện đại hóa đất nước. Mỗi giáo viên cần phải “yêu người bao nhiêu, ta càng yêu nghề bấy nhiêu”. Mỗi thầy cô giáo của ngành Giáo dục và Đào tạo luôn cố gắng rèn luyện để trở thành “Người Thầy giáo tốt - Thầy giáo xứng đáng là Thầy giáo” được nhân dân kính trọng.

Top 3 bài văn hay và ý nghĩa về ngày 20/11 để làm báo tường năm 2021 - Ảnh 3.

Ảnh: Pinterest

chọn
Đất Vũng Tàu: Nhiều người hỏi, ít người chốt
Tháng vừa qua, thị trường Bà Rịa - Vũng Tàu đã đón nhiều nhà đầu tư đi tìm hiểu và khảo sát đất nền, căn hộ. Dù vậy, phần lớn chỉ dừng lại ở mức xem xét, hỏi thăm thông tin và ký gửi sản phẩm sang nhượng, số lượng giao dịch chốt thành công còn khiêm tốn.