Top20 doanh nghiệp BĐS lãi khủng quý I: Vinhomes và Novaland lời nghìn tỷ, Viglacera dẫn đầu nhóm KCN

Thống kê các doanh nghiệp BĐS đại chúng trong quý I cho thấy gần 14.700 tỷ đồng lợi nhuận ngành vẫn đến từ các công ty BĐS dân dụng, tiêu biểu có Vinhomes và Novaland báo lãi nghìn tỷ. Tại nhóm khu công nghiệp có sự phân hóa về kết quả kinh doanh, riêng Viglacera đang lãi đậm nhất.

Thống kê trong hơn 160 doanh nghiệp bất động sản đại chúng công bố báo cáo tài chính quý I/2022, tổng lợi nhuận sau thuế mà nhóm doanh nghiệp này thu về khoảng 14.700 tỷ đồng, giảm 3% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, top 20 doanh nghiệp báo lãi lớn nhất vẫn là những "ông lớn" như Vinhomes, Novaland, Viglacera, Vinaconex, Đất Xanh...

20 doanh nghiệp BĐS báo lãi sau thuế lớn nhất quý I/2022. (Nguồn: Hiền Minh tổng hợp).

Nhóm dân dụng chiếm phần lớn lợi nhuận toàn ngành, chỉ Vinhomes và Novaland có lãi nghìn tỷ

Chỉ tính riêng nhóm bất động sản dân dụng trong top 20, lãi sau thuế thu được từ nhóm này là 9.990 tỷ đồng, chiếm gần 70% tổng lợi nhuận ngành bất động sản nêu trên.

Phần lớn, các doanh nghiệp đều có doanh thu từ bất động sản giảm trong quý đầu 2022. Hai doanh nghiệp duy nhất toàn ngành ghi nhận lãi nghìn tỷ trong quý là Vinhomes và Novaland.

Doanh nghiệp báo lãi cao nhất toàn ngành là Vinhomes (VHM) với 4.725 tỷ đồng, giảm 14% so với cùng kỳ. Theo công ty, khoản lãi này giảm do giảm lợi nhuận gộp của hoạt động chuyển nhượng bất động sản. 

Ngoài Vinhomes, hai doanh nghiệp “họ” Vin khác là Vingroup (VIC)Vincom Retail (VRE) cũng góp mặt trong nhóm này với lãi sau thuế lần lượt là 512 tỷ đồng và 378 tỷ đồng, giảm 41% và 52% so với cùng kỳ. 

Lãi sau thuế Đất Xanh (DXG) đạt 408 tỷ đồng, giảm 43%. Doanh thu thuần cũng công ty cũn giảm 39% còn 1.792 tỷ đồng, giảm 39%, chủ yếu do giảm doanh thu từ bán căn hộ, đất nền và từ dịch vụ môi giới bất động sản. Đây cũng là những nguồn thu đóng góp nhiều nhất trong cơ cấu doanh thu của doanh nghiệp trong quý. 

Đơn vị thành viên của Đất Xanh, Đất Xanh Services (DXS) cũng góp mặt trong nhóm lãi lớn quý I/2022 với doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế lần lượt giảm 17% và 36% so với cùng kỳ.

Tương tự các doanh nghiệp trên, doanh thu từ kinh doanh bất động sản giảm 86% cũng là nguyên nhân chính khiến doanh thu thuần và lợi nhuận Hà Đô (HDG) lần lượt “bốc hơi” 49% và 26% so với cùng kỳ. 

Trong quý, doanh thu thuần của Hà Đô đa phần đến từ thủy điện và điện mặt trời, điện gió.

Nguồn: Hiền Minh tổng hợp

Bên cạnh các doanh nghiệp giảm lãi nói trên, nhiều doanh nghiệp bất động sản dân dụng báo lãi tăng lên đến hàng chục lần so với cùng kỳ. Tuy nhiên, phần lớn nhóm doanh nghiệp này cũng ghi nhận doanh thu từ bất động sản giảm mạnh. 

Novaland (NVL) đạt doanh thu thuần 1.046 tỷ đồng, giảm 57% do giảm doanh thu từ chuyển nhượng bất động sản.

Nhờ ghi nhận thêm gần 1.270 tỷ đồng lãi từ giao dịch mua rẻ sau khi hoàn tất thương vụ mua vốn chủ sở hữu tại Công ty TNHH Bất động sản Đà Lạt Valley, chủ đầu tư của dự án Aqua Waterfront City, lãi sau thuế công ty tăng 49% so với cùng kỳ.

Lãi từ giao dịch mua rẻ vốn chủ sở hữu BĐS Phước Nguyên cũng góp phần giúp Khang Điền (KDH) đạt 300 tỷ đồng lãi sau thuế, tăng 45% so với cùng kỳ trong bối cảnh doanh thu thuần giảm 83%, chủ yếu do giảm doanh thu từ chuyển nhượng bất động sản.

CII ghi nhận lãi sau thuế 685 tỷ đồng. Trong quý, mặc dù doanh thu thuần giảm, việc chuyển nhượng các khoản đầu tư tài chính đã kéo lãi cao gấp 14 lần so với cùng kỳ. Nhờ kết quả này, CII đã hoàn thành 85% chỉ tiêu lãi năm sau ba tháng đầu kinh doanh. 

Đóng góp chính vào doanh thu thuần trong quý của CII là mảng thu phí giao thông với doanh thu tăng hơn 70% so với cùng kỳ, song, doanh thu từ kinh doanh bất động sản, hoạt động xây dựng, duy tu công trình và bán hàng đều giảm mạnh.

Ở chiều ngược lại, doanh thu thuần từ hoạt động kinh doanh của Vinaconex (VCG)  tăng 40% so với cùng kỳ, đạt 1.333 tỷ đồng, phần lớn trong đó là doanh thu từ hoạt động xây lắp với 891 tỷ đồng, tăng 96%.

Bên cạnh đó, việc hợp nhất kết quả kinh doanh từ công ty con mới đầu tư và ghi nhận thêm lãi mua rẻ đã đem lại khoản lãi lớn cho doanh nghiệp. Lợi nhuận sau thuế của công ty đạt 780 tỷ đồng, tăng 126% so với cùng kỳ, tương đương hoàn thành được 56% kế hoạch năm.

Phát Đạt (PDR) cũng ghi nhận doanh thu thuần tăng 7%, đạt 625 tỷ đồng, chủ yếu nhờ chuyển nhượng một phần Khu chung cư cao tầng dự án Phân khu số 4 thuộc Khu đô thị du lịch sinh thái Nhơn Hội, tỉnh Bình Định. Kết quả này cũng công ty giúp thu lãi sau thuế 279 tỷ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ.     

Doanh thu thuần Thaiholdings (THD) cũng tăng 34% so với cùng kỳ, song, do không có khoản lãi khác tăng đột biến nhờ chuyển nhượng dự án như cùng kỳ, lãi sau thuế của công ty giảm 57%. 

Nhóm KCN phân hóa, Viglacera dẫn đầu lợi nhuận

Đối với nhóm KCN, tăng trưởng lợi nhuận có sự phân hóa tại các doanh nghiệp.

Đơn cử, quý I/2022, Viglacera (VGC) lãi sau thuế 752 tỷ đồng, tăng 169% so với cùng kỳ, đây cũng là mức lãi cao thứ 4 trong toàn ngành, sau Vinhomes, Novaland và Vinaconex. Theo giải trình của doanh nghiệp, lợi nhuận này tăng trưởng nhờ hoạt động từ bất động sản khu công nghiệp.

Một doanh nghiệp bất động sản khu công nghiệp có doanh thu nghìn tỷ khác là Idico (IDC) với 1.673 tỷ đồng, tăng 60% so với cùng kỳ, từ đó kéo theo lợi nhuận sau thuế tăng 254%, đạt 284 tỷ đồng.

Theo giải trình của công ty, phần doanh thu này chủ yếu đến từ các hợp đồng tại dự án Khu công nghiệp Phú Mỹ 2 và Phú Mỹ 2 mở rộng.

Bên cạnh Viglacera và Idico, Đầu tư Sài Gòn VRG (SIP) cũng ghi nhận doanh thu thuần và lãi sau thuế tăng lần lượt 11% và 13% so với cùng kỳ.

Nguồn: Hiền Minh tổng hợp

Ngược lại, đơn vị ghi nhận kết quả kinh doanh đi xuống có Becamex IDC (BCM). Doanh nghiệp công bố doanh thu thuần tăng nhẹ so với cùng kỳ với đóng góp chính từ mảng bất động sản. Tuy nhiên, chi phí lãi vay tăng mạnh kéo lợi nhuận công ty đi lùi 16% trong quý I.

Mặt khác, thành viên cùng nhóm Becamex, Becamex IJC (IJC) ghi nhận doanh thu từ bất động sản giảm so với cùng kỳ năm trước. Điều này kéo doanh thu thuần giảm 63% xuống 528 tỷ đồng. Kết quả, công ty báo lãi sau thuế 174 tỷ đồng, giảm 40%

Kinh Bắc (KBC) cũng báo doanh thu thuần và lãi sau thuế giảm 65% và 27%, đạt lần lượt 692 tỷ đồng và 523 tỷ đồng.

Trong quý, mặc dù doanh thu chuyển nhượng bất động sản tăng gấp 1,6 lần so với cùng kỳ, song, nguồn thu chính của công ty, doanh thu từ cho thuê đất và cơ sở hạ tầng khu công nghiệp giảm gần 4,7 lần, kéo theo tổng doanh thu thuần giảm 65%. 

Tương tự Kinh Bắc, doanh thu từ kinh doanh khu công nghiệp của Sonadezi (SNZ) giảm so với cùng kỳ, kéo doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế giảm lần lượt 6% và 20%.

chọn
Toàn cảnh đường Lương Định Của mở rộng sắp thông xe tại TP Thủ Đức
Dự án nâng cấp, mở rộng đường Lương Định Của tại TP Thủ Đức có chiều dài khoảng 2,5 km. Đây là một trong 10 công trình giao thông dự kiến thông xe trước Tết Nguyên đán của TP HCM.