TP HCM: 130 dự án nhà ở ách tắc do Sở Qui hoạch Kiến trúc "không dám" nhận hồ sơ

Hiện có khoảng 130 dự án nhà ở thương mại tại TP HCM đã được chấp thuận chủ trương đầu tư nhưng khi đề xuất quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 đều bị “ách tắc”, lý do Sở Qui hoạch Kiến trúc TP HCM không dám nhận hồ sơ của nhà đầu tư.

Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) vừa có văn bản kiến nghị gửi tới Thủ tướng Chính phủ và nhiều Bộ, ngành liên quan về việc đề nghị giải quyết ách tắc chấp thuận chủ trương đầu tư, phê duyệt quy hoạch chi tiết và lựa chọn chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại có quỹ đất bao gồm đất ở, đất nông nghiệp, đất chuyên dùng, xen cài đất do Nhà nước trực tiếp quản lý.

HoREA cho biết, trong 3 năm qua, UBND TP HCM có quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, công nhận chủ đầu tư, chấp thuận đầu tư cho khoảng 130 dự án có quỹ đất hỗn hợp, nhưng đang bị coi là vẫn chưa đảm bảo các thủ tục hành chính, gây khó khăn rất lớn cho các chủ đầu tư dự án.

TP HCM: 130 dự án nhà ở ách tắc do Sở Quy hoạch Kiến trúc "không dám" nhận hồ sơ - Ảnh 1.

Nhiều dự án ở TP.HCM chậm triển khai vì vướng chính sách. (Ảnh: ĐL)

Ngoài ra, còn có nhiều dự án khác cũng đã có quyết định chủ trương đầu tư nhưng nhà đầu tư vẫn không được nộp hồ sơ đề xuất quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 do Sở Quy hoạch Kiến trúc TP HCM "không dám" nhận hồ sơ.

Chính vì thế nhà đầu tư không thể hoàn thành thủ tục công nhận chủ đầu tư dự án để thực hiện các thủ tục hành chính tiếp theo.

Lý giải về việc các dự án bị “ách tắc”, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch HoREA cho rằng, nguyên nhân là do hệ thống pháp luật chưa đồng bộ, thiếu thống nhất và công tác thực thi pháp luật còn hạn chế do trình độ nhận thức của một số cán bộ công chức và cần sớm giải quyết "điểm nghẽn" này của thị trường BĐS.

Theo ông Châu, nhà đầu tư hoặc người sử dụng đất đều có quyền tổ chức lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 khu vực được giao đầu tư. Do vậy, Chủ tịch HoREA kiến nghị UBND TP.HCM chỉ đạo Sở Quy hoạch và Kiến trúc có trách nhiệm tiếp nhận và thụ lý hồ sơ đề xuất đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng của các nhà đầu tư đã có quyết định chủ trương đầu tư.

Bên cạnh đó, nhiều chủ đầu tư cũng gặp “ách tắc” do vướng quỹ đất rạch, bờ đất, đường do Nhà nước quản lý, xen cài trong đất dự án nhà ở thương mại và thường chiếm tỷ lệ trên dưới 10% diện tích. Ngoài ra, doanh nghiệp còn bị "ách tắc" thủ tục công nhận chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại do vướng quy định dự án phải có 100% đất ở…

Theo HoREA, cần có cơ chế để xử lý tất cả, không cần phải xin chủ trương đối với từng trường hợp cụ thể như hiện nay.

“Hiệp hội kiến nghị chỉ định nhà đầu tư hoặc công nhận chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại đã có quỹ đất hỗn hợp do tự thương lượng giải phóng mặt bằng, nhận chuyển nhượng đất ở, đất nông nghiệp, trong đó có xen cài khoảng trên dưới 10% đất rạch, bờ đất, đường... do Nhà nước quản lý, nằm trong kế hoạch sử dụng đất, phù hợp với quy hoạch phát triển đô thị, nhà ở, mà không phải thực hiện thủ tục đấu thầu dự án, hoặc đấu giá đất để lựa chọn chủ đầu tư”, HoREA nêu rõ.

Để giải quyết tình trạng khó khăn này trong tương lai, HoREA kiến nghị sửa đổi, thay thế từ "đất ở" tại Luật Nhà ở thành "đất phù hợp quy hoạch" hoặc "đất ở và các loại đất khác phù hợp quy hoạch" để phù hợp Luật Đất đai.

Đồng thời, HoREA đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét giải quyết khắc phục sự chồng chéo, thiếu thống nhất, thiếu đồng bộ của các khái niệm pháp luật; các quy phạm pháp luật; các quy trình, thủ tục hành chính đã được quy định trong một số văn bản quy phạm pháp luật, để đảm bảo tính hệ thống, sự liên thông và giải quyết ách tắc của thị trường bất động sản hiện nay.

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.