TP HCM giải ngân vốn đầu tư công mới đạt 32%

Phó Chủ tịch UBND TP HCM Võ Văn Hoan cho biết, tính đến hết ngày 6/10, thành phố đã giải ngân hơn 22.000 tỷ đồng, đạt 32% tổng số vốn đã giao.

Một góc TP HCM hiện nay. (Ảnh: Tạp chí Môi trường và Xã hội).

Tại hội nghị chuyên đề “Công tác giải ngân vốn đầu tư công” do Ban Thường vụ Thành ủy Tp. Hồ Chí Minh tổ chức ngày 20/10, Phó Chủ tịch UBND TP HCM Võ Văn Hoan cho biết: Tính đến hết ngày 6/10, Thành phố đã giải ngân hơn 22.000 tỷ đồng, đạt 32% tổng số vốn đã giao.

Tuy tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của Thành phố còn khiêm tốn nhưng xét về số liệu tuyệt đối số vốn đã giải ngân thành phố thuộc các địa phương đạt mức cao nhất cả nước. Cụ thể, tổng số vốn đầu tư công năm 2023 của TP HCM gần 68.500 tỷ đồng so với kế hoạch đầu tư công năm 2023 cao gấp 2 lần và tương đương 10% tổng mức vốn đầu tư công của cả nước là 711.000 tỷ đồng.

Theo ông Võ Văn Hoan, có 8/60 đơn vị chủ quản, chủ đầu tư và 5/22 địa phương giải ngân đạt trên 51% với hơn 2.400 tỷ đồng; 34/60 đơn vị chủ quản, chủ đầu tư và 17/22 địa phương giải ngân thấp hơn 51%, với hơn 19.100 tỷ đồng; 18/60 đơn vị chủ quản, chủ đầu tư chưa thực hiện giải ngân với số tiền phải giải ngân hơn 5.900 tỷ đồng.

Về khả năng giải ngân đến hết năm 2023, ông Võ Văn Hoan cho biết, có 1.807 dự án đã được các chủ đầu tư xác định sẽ giải ngân đạt 95% tổng kế hoạch vốn được giao là hơn 27.700 tỷ đồng. Cùng đó, 233 dự án dự kiến giải ngân dưới 95%, với số vốn dự kiến không giải ngân được trong năm 2023 hơn 19.500 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 28,4% kế hoạch vốn năm 2023 của thành phố. Nguyên nhân có 98 dự án không đảm bảo tỷ lệ giải ngân do việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư với số vốn dự kiến không giải ngân hơn 12.000 tỷ đồng, chiếm 17,6% tổng số vốn giao.

Phân tích các nguyên nhân việc giải ngân chậm, ông Võ Văn Hoan cho biết: Nhiều dự án chưa được các quận, huyện, thành phố Thủ Đức và Ban bồi thường giải phóng mặt bằng của các địa phương khảo sát, tính toán kỹ chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi lập hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư. Việc này dẫn đến khi duyệt phương án bồi thường, chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thực tế thấp hơn rất nhiều so với dự án được duyệt dẫn đến không giải ngân hết vốn bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được giao.

Cụ thể, có 12 dự án thuộc dạng này; trong đó, có những dự án có giá trị thực tế chi thấp hơn giá trị dự toán rất lớn như Dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Vành đai 3 với giá trị dự toán cho bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được duyệt hơn 18.975 tỷ đồng, trong khi thực tế giải chi dự kiến gần 11.000 tỷ đồng; số vốn 2023 dự kiến không giải ngân được hơn 3.251 tỷ đồng.

Ngoài ra, dự án Xây dựng đường nối đường Trần Quốc Hoàn - đường Cộng Hòa, quận Tân Bình với giá trị dự toán cho bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được duyệt hơn 2.412 tỷ đồng, trong khi thực tế giải chi dự kiến gần 700 tỷ đồng; dự án Xây dựng mới cầu Ông Nhiêu trên đường Nguyễn Duy Trinh (thành phố Thủ Đức) với giá trị dự toán cho bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được duyệt là 449 tỷ đồng, trong khi thực tế giải chi dự kiến gần 88 tỷ đồng; dự án Xây dựng cầu Rạch Đĩa, quận 7 - huyện Nhà Bè với giá trị dự toán cho bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được duyệt là 256 tỷ đồng, trong khi thực tế giải chi dự kiến gần 130 tỷ đồng; dự án sửa chữa, nâng cấp đường Tỉnh lộ 8 (đoạn từ Tân Quy đến Tỉnh lộ 9) với giá trị dự toán cho bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được duyệt là 449 tỷ đồng, trong khi thực tế giải chi dự kiến gần 200 tỷ đồng.

Ngoài ra, theo UBND TP HCM, việc giải ngân vốn đầu tư công chậm có nhiều nguyên nhân khác, cụ thể như một số địa phương gặp khó khăn trong việc bàn giao, sửa chữa, cải tạo căn hộ tái định cư để đảm bảo tiến độ thực hiện của việc bồi thường giải phóng mặt bằng; chủ đầu tư chậm thực hiện thủ tục bồi thường, hỗ trợ, tái định cư nên không có khả năng giải ngân cho phần vốn bố trí để thi công dự án. Số tiền dự kiến không giải ngân được vì nguyên nhân này là gần 5.700 tỷ đồng.

Ngoài ra, Thành phố còn 28 dự án dự kiến giải ngân dưới 95% do lỗi chủ quan của các chủ đầu tư với số vốn dự kiến không giải ngân hơn 797 tỷ đồng; nhà thầu thi công không đủ năng lực tiếp tục thực hiện khiến cho chủ đầu tư 9 dự án phải xử lý các nhà thầu này với số vốn không giải ngân được hơn 416 tỷ đồng.

Mặt khác, TP HCM có 16 dự án dự kiến giải ngân dưới 95% do chậm giải quyết các thủ tục liên quan với số vốn dự kiến không giải ngân 310 tỷ đồng; chậm thực hiện thủ tục điều chỉnh quy hoạch cũng khiến 4 dự án không giải ngân được với số vốn hơn 45 tỷ đồng. Nguyên nhân do UBND các địa phương chậm phối hợp Sở Quy hoạch – Kiến trúc thực hiện điều chỉnh quy hoạch.

Để đạt được mục tiêu giải ngân năm 2023 đạt tỷ lệ từ 95% trên tổng số vốn giao, ông Võ Văn Hoan cho rằng cần sự nỗ lực rất lớn, quyết tâm chính trị của cả hệ thống chính quyền các cấp; trong đó, UBND các quận huyện, thành phố Thủ Đức tập trung đẩy mạnh thủ tục bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư; đồng thời, đẩy mạnh tiến độ thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để đẩy nhanh tiến độ đầu tư và giải ngân các dự án.

Đối với chủ đầu tư cần lập kế hoạch, công việc chi tiết để hoàn tất giải ngân số vốn được giao và bám sát tiến độ thi công dự án theo kế hoạch đã đề ra; đẩy nhanh thi công và giải ngân vốn ngay khi có khối lượng nghiệm thu trong tháng 11 - 12, không dồn khối lượng giải ngân vào cuối niên độ kế hoạch; phối hợp chặt chẽ các sở, ngành khi thực hiện thủ tục đầu tư và bám sát các địa phương với việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư...

Theo ông Võ Văn Hoan, UBND các quận, huyện và TP Thủ Đức tập trung, khẩn trương triển khai thủ tục liên quan đến việc bồi thường giải phóng mặt bằng và phê duyệt hệ số giá đất trước ngày 1/12/2023 để có thể giải ngân được số vốn bồi thường giải phóng mặt bằng trong năm 2023; Sở Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm phối hợp chặt chẽ, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các địa phương trong quá trình thực hiện.

chọn
Chủ tịch Lương Minh Tuấn: Kính siêu trắng sẽ là mũi nhọn 5 năm tới của Đạt Phương, dự kiến mang về doanh thu nghìn tỷ từ 2026
Theo kế hoạch, quý I /2025 Đạt Phương sẽ khởi công nhà máy sản xuất kính siêu trắng tại Thừa Thiên - Huế, dự kiến từ 2026 sẽ mang về doanh thu 1.500 - 2.000 tỷ đồng. Chủ tịch Đạt Phương cho biết, đây là ngành mũi nhọn của Đạt Phương trong thời gian tới, doanh nghiệp đang có những lợi thế lớn trên thị trường kính siêu trắng.