TP HCM lập hàng loạt chốt kiểm soát dịch tả heo châu Phi đường bộ, đường sông, sẵn sàng với phương án dịch vào thành phố

“Thủ phủ” heo Đồng Nai - nơi cung cấp thịt heo nhiều nhất cho TP HCM và tỉnh Hậu Giang, Bình Phước đã xuất hiện dịch tả heo châu Phi nên TP HCM đang khẩn trương lập chốt tại các cửa ngõ từ đường bộ đến đường thuỷ để ngăn chặn nguồn lây lan.

Tại buổi Giao lưu trực tuyến "Kiểm soát, ứng xử đúng về bệnh dịch tả heo châu Phi" do UBND TP HCM tổ chức hôm nay (ngày 18/5), Phó Chủ tịch Lê Thanh Liêm cho biết thành phố đã thực hiện kế hoạch ứng phó khẩn cấp với dịch tả heo châu Phi.

TP HCM lập chốt từ đường bộ đến đường thuỷ ngăn dịch tả heo châu Phi

Theo ba phương án về phòng chống dịch tả heo châu Phi ban hành trước đó, hiện TP HCM đang trong phương án thứ 2, khi dịch tả đã áp sát thành phố.

TP HCM lập hàng loạt chốt kiểm soát dịch tả heo châu Phi đường bộ, đường sông, sẵn sàng với phương án dịch vào thành phố - Ảnh 1.

TP HCM không nhập heo từ các địa phương đang có dịch và lập hàng loạt chốt tại các cửa ngõ. (Ảnh: SGGP).

Cụ thể, tại khu vực Đông Nam Bộ, tỉnh Đồng Nai và Bình Phước đã xuất hiện các ổ dịch đầu tiên. Đáng chú ý, Đồng Nai là địa phương cung cấp nhiều thịt heo nhất cho TP HCM, trung bình mỗi ngày khoảng 3.000-3.500 con, chiếm đến 50% lượng heo tiêu thụ tại thành phố.

Tỉnh đầu tiên tại khu vực Tây Nam Bộ là Hậu Giang cũng đã xuất hiện dịch tả heo châu Phi.

Ông Lê Thanh Liêm cho biết để nguồn bệnh không lây lan vào thành phố, TP HCM đã ngưng nhập heo từ các địa phương đang có dịch, cơ quan chức năng cũng thực hiện kiểm soát chặt chẽ tại các cửa ngõ ra vào thành phố.

Tại cửa ngõ, đặc biệt giáp ranh với các địa phương đang có dịch như Đồng Nai, Bình Phước, TP HCM đã lập nhiều chốt trên Xa lộ Hà Nội, đường Vành đai 2, quốc lộ 1A, quốc lộ 1K, cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây... để kiểm soát heo từ các tỉnh và khu vực này nhập vào thành phố.

Phía Tây Bắc, UBND huyện Củ Chi thành lập hai chốt kiểm dịch tại cầu Bến Súc và Phú Cường. Củ Chi cũng thành lập một đoàn kiểm tra lưu động để kiểm soát nguồn heo từ các tỉnh Tây Ninh, Long An.

Ngoài đường bộ, TP HCM cũng giao CSGT đường thuỷ tăng cường kiểm tra, giám sát vận chuyển heo và sản phẩm từ thịt heo qua tuyến đường sông.

Đối với việc kiểm soát các điểm giết mổ trái phép, UBND TPHCM đã có chỉ đạo kiểm tra, xử lí kiên quyết. Thành phố giao trách nhiệm cho Chủ tịch UBND các quận, huyện. Trường hợp các địa phương vẫn tồn tại các điểm giết mổ trái phép, lãnh đạo các quận, huyện sẽ nhận trách nhiệm.

Sẵn sàng phương án dịch tả heo châu Phi vào TP HCM

TP HCM cũng đã lên phương án ứng phó trong trường hợp xấu nhất, là dịch xảy ra trong thành phố. Khi đó, biện pháp xử lí sẽ là tiêu hủy heo bệnh và heo tiếp xúc mầm bệnh.

Cụ thể, đối với các địa phương lần đầu tiên phát hiện heo bị bệnh dịch tả heo châu Phi, buộc phải tiêu hủy toàn đàn trong vòng 24 giờ kể từ khi có kết quả xét nghiệm khẳng định dương tính với bệnh dịch tả.

Trong vùng dịch, vùng bị dịch uy hiếp, trong vòng 48 giờ việc tiêu hủy có thể được áp dụng với đàn heo bị bệnh có triệu chứng lâm sàng của dịch tả heo châu Phi mà không nhất thiết phải chờ cho đến khi có kết quả xét nghiệm, nhằm ngăn chặn dịch bệnh phát tán, lây lan diện rộng.

Trường hợp trang trại số lượng lớn, có nhiều dãy chuồng riêng biệt thì tiêu hủy toàn bộ heo trong dãy chuồng. Các dãy chuồng còn lại áp dụng các biện pháp an toàn sinh học và lấy mẫu giám sát định kì. Nếu có nguy cơ lây nhiễm cao thì tiêu hủy toàn trang trại.

Về chính sách hỗ trợ cho người chăn nuôi khi xảy dịch bệnh, đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn TP HCM cho biết qui định được áp dụng theo Nghị định số 02/2017/NĐ-CP của Chính phủ. Đồng thời, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 16/2019/NQ-CP, trong đó có hỗ trợ tối thiểu bằng 80% giá thị trường đối với heo bị tiêu hủy.

Trường hợp người dân giấu dịch, sẽ bị xử lí theo quy định tại Nghị định 90/2017/ND-CP của Chính phủ qui định về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y.

Còn nhiều nơi phòng dịch tả heo châu Phi chưa tốt

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết thời gian qua, bên cạnh nhiều địa phương thực hiện công tác phòng, chống dịch tả heo châu Phi tốt thì vẫn còn một số nơi làm chưa đúng qui định.

TP HCM lập hàng loạt chốt kiểm soát dịch tả heo châu Phi đường bộ, đường sông, sẵn sàng với phương án dịch vào thành phố - Ảnh 2.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết nhiều địa phương chưa thực hiện phòng chống dịch tả heo châu Phi tốt. (Ảnh: Nông nghiệp Việt Nam).

Thứ trưởng cho rằng các địa phương này chưa thực hiện chôn lấp đúng như hướng dẫn, như trên đường vận chuyển đến nơi chôn không bao túi nilon khiến dịch tiết, phân… rơi vãi làm tăng nguy cơ lây lan dịch.

Thậm chí, nhiều nơi có tình trạng heo chết được vứt xuống kênh rạch. Chính Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đã thị sát tại tỉnh Bắc Giang và tận mắt chứng kiến xác heo chết trôi từ kênh mương trên địa bàn Thái Nguyên về phía Bắc Giang rất lớn. 

Điều đó cho thấy, các địa phương chưa thực sự chống dịch hiệu quả. 

Ngoài ra, ông Tiến cũng cho rằng hiện công tác tiêu huỷ heo bệnh ở nhiều nơi chưa đúng quy trình kĩ thuật do Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn hướng dẫn, chưa bố trí kinh phí xứng tầm cho công tác phòng, chống dịch; chế độ, chính sách cho người tham gia phòng, chống, tiêu huỷ còn thấp, chưa sát với thực tế. 

Tính đến ngày 12/5, dịch tả heo châu Phi đã xuất hiện tại 2.296 xã, 204 huyện của 29 tỉnh, thành phố, với tổng số heo bị bệnh và phải tiêu hủy là 1.220.488 con, chiếm hơn 4% tổng đàn heo cả nước. 

Một địa phương vừa phát hiện có dịch tả heo châu Phi là tỉnh Quảng Nam. Ổ dịch được phát hiện tại 2 xã của huyện Duy Xuyên, với 22 con heo bệnh được tiêu hủy.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho hay dịch tả heo châu Phi rất nguy hiểm cho đàn heo, kể cả heo nhà và heo rừng, chưa có thuốc điều trị, chưa có vaccine phòng bệnh. 

Ông cho rằng trong thời gian tới, nguy cơ dịch bệnh lây lan rất cao và diễn biến có thể phức tạp, bệnh có thể lây lan sang các địa phương chưa có dịch. Vì vậy, các hộ chăn nuôi cần tăng cường thực hiện các biện pháp phòng chống dịch, an toàn sinh học để hạn chế lây lan.

chọn
Các dự án của Novaland, Nam Long, DIG ở Đồng Nai đón tin mừng
Quy hoạch chung TP Biên Hòa vừa được phê duyệt điều chỉnh cục bộ. MBS đánh giá động thái này sẽ giúp đẩy nhanh tiến độ phê duyệt quy hoạch 1/500 các phân khu thuộc dự án Aqua City, Izumi và Khu đô thị Long Tân.