Phó Chủ tịch Đồng Nai nói gì về dịch tả heo châu Phi xuất hiện tại 3 huyện của tỉnh với gần 1.000 con heo bị tiêu hủy?

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho biết đến nay đã có 5 xã thuộc 3 huyện phát hiện dịch tả heo châu Phi. Số lượng heo phải tiêu huỷ là 867 con, chủ yếu là hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, chưa phát hiện ở trại chăn nuôi lớn, nhưng tình hình đang được kiểm soát tốt.

Tại Hội nghị trực tuyến "Đánh giá tình hình và triển khai các giải pháp phòng, chống dịch tả heo châu Phi", do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức khẩn sáng nay (ngày 13/5), Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Văn Chánh đã báo cáo về tình hình dịch bệnh xảy ra trên địa bàn khiến nhiều người chăn nuôi hoang mang thời gian qua.

Đã xảy ra dịch tại 5 xã thuộc 3 huyện, tiêu huỷ 867 con heo

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Văn Chánh đánh giá việc dịch tả heo châu Phi xảy ra ngay tại địa bàn là rất nguy hiểm, bởi Đồng Nai hiện là tỉnh có đàn heo nhiều nhất cả nước.

Phó Chủ tịch Đồng Nai nói gì về dịch tả heo châu Phi xuất hiện tại 3 huyện của tỉnh với gần 1.000 con heo bị tiêu hủy? - Ảnh 1.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho biết đến nay đã có 5 xã thuộc 3 huyện phát hiện dịch tả heo châu Phi. (Ảnh minh hoạ: Báo Đồng Nai).

Ông Chánh cho hay với tổng đàn khoảng 2,5 triệu con và nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Đồng Nai là địa phương cung ứng nhiều thịt cho khu vực, đặc biệt là TP HCM.

Ngày 24/4 vừa qua, huyện Trảng Bom, cụ thể là xã Đồi 61, là nơi đầu tiên của tỉnh này phát hiện ổ dịch tả heo châu Phi. Khi phát hiện heo bệnh, địa phương đã tập trung tiêu huỷ ngay trong ngày. 

Đến nay đã có 5 xã của 3 huyện phát sinh dịch, lượng heo phải tiêu huỷ là 867 con, chủ yếu là hộ chăn nuôi nhỏ lẻ.

"Chúng tôi chưa phát hiện bệnh ở các hộ chăn nuôi lớn", ông Chánh khẳng định.

Báo cáo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, lãnh đạo tỉnh Đồng Nai cũng cho rằng địa phương đã có kế hoạch tập trung phòng chống dịch ngay từ rất sớm, ở thời điểm Trung Quốc vừa phát sinh dịch. Ông Chánh cho hay các hội nghị từ sở ngành đến địa phương đều tập trung vào vấn đề dịch tả heo châu Phi, bởi Đồng Nai là "thủ phủ" heo toàn miền Nam, nếu dịch xảy ra sẽ để lại hậu quả rất lớn.

"Chúng tôi đã thành lập 24 chốt kiểm dịch để kiểm soát toàn bộ lượng heo qua lại trên địa bàn, tập trung triển khai công tác tuyên truyền, vận động người chăn nuôi nâng cao nhận thức phòng, chống dịch", ông Chánh nói.

Tỉnh Đồng Nai cũng đã ban hành mức hỗ trợ cụ thể khi có dịch xảy ra. Phương án hỗ trợ của tỉnh đưa ra là hỗ trợ theo đơn vị tính con heo, từ mức 300.000 đồng đến 4,5 triệu đồng mỗi con tuỳ loại. Ông Chánh cho rằng nếu phải cân thì rất khó trong việc tiêu huỷ nên có phương án hỗ trợ theo con.

Chưa phát sinh vấn đề gì mới sau 3 tuần phát hiện đàn heo đầu tiên mắc bệnh 

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, hiện chưa phát sinh vấn đề gì mới kể từ khi đàn heo đầu tiên được phát hiện dịch khoảng 3 tuần trước. Trong các phát biểu trước đó, ông Chánh cũng cho rằng địa phương đang kiểm soát tốt các ổ dịch trên địa bàn không để tình trạng lây lan.

Phó Chủ tịch Đồng Nai nói gì về dịch tả heo châu Phi xuất hiện tại 3 huyện của tỉnh với gần 1.000 con heo bị tiêu hủy? - Ảnh 2.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường lưu ý dù hiện Đồng Nai chỉ mới phát hiện ít ổ dịch nhưng không được lơ là, chủ quan. (Ảnh: Báo Đồng Nai).

"Chúng tôi đã hỗ trợ các hộ có heo phải tiêu huỷ, đồng thời tổ chức hội nghị rút kinh nghiệm để phòng, chống dịch tốt hơn trong thời gian tới", ông Chánh nói.

Phó Chủ tịch tỉnh Đồng Nai cũng nói thêm, địa phương nhận định nguồn lây lan bệnh chủ yếu là khâu vận chuyển. Địa phương đang tập trung chủ yếu vào khâu kiểm soát lưu thông heo, các giải pháp an toàn sinh học, trọng tâm là công tác tiêu độc, khử trùng tại các hộ, doanh nghiệp chăn nuôi. 

Báo cáo với Phó Thủ tướng và Bộ Nông nghiệp, Phó Chủ tịch tỉnh Đồng Nai cho biết tỉnh có kêu gọi doanh nghiệp cùng hỗ trợ các hộ chăn nuôi có đàn heo bị bệnh phải tiêu huỷ, vì hiện địa phương đang tự cân đối ngân sách.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường khẳng định việc Đồng Nai để xảy ra dịch tả heo châu Phi là rất nguy hiểm. Bộ trưởng nhấn mạnh hiện Đồng Nai là tỉnh có tổng đàn heo lớn nhất cả nước, vì vậy có thể ảnh hưởng rất lớn đến các địa phương và toàn bộ nền kinh tế.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường lưu ý dù  Đồng Nai chỉ mới phát hiện ít ổ dịch nhưng không được chủ quan, phải tiếp tục tập trung cao hơn công tác phòng chống dịch. 

Ông Cường cũng thông tin ngày mai (14/5), lãnh đạo của Bộ sẽ bàn trực tiếp với Đồng Nai về công tác phòng chống dịch.

Đầu tháng 5, hai huyện Nhơn Trạch và Trảng Bom thuộc tỉnh Đồng Nai đã công bố dịch tả heo châu Phi.

Cụ thể, huyện Nhơn Trạch có 2 hộ nuôi heo nhỏ lẻ tại xã Phước Thiền và Hiệp Thành với số lượng 26 và 3 con heo bị phát hiện dịch tả châu Phi. Nguyên nhân phát sinh bệnh là do sử dụng thức ăn thừa từ khu công nghiệp không qua nấu chín.

Tại huyện Trảng Bom, 1 hộ chăn nuôi tại xã Đồi 61 có 268 con heo. Qua điều tra dịch tễ thì hộ này sử dụng tinh heo của 1 hộ thuộc xã Bình Minh cùng huyện.

Kiểm tra hộ chăn nuôi tại xã Bình Minh có 468 con heo có triệu chứng lâm sàng và dương tính với tả heo châu Phi.

Nguyên nhân được xác định là hộ chăn nuôi này lại nằm liền kề 2 hộ giết mổ heo trái phép, có tiếp nhận và mổ heo bệnh, heo chết trước đó.

Như vậy, theo báo cáo mới nhất của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, hiện địa phương này đã có 5 xã thuộc 3 huyện phát hiện dịch tả heo châu Phi. Số lượng heo phải tiêu huỷ là 867 con.


chọn
Toàn cảnh vị trí dự kiến xây cầu vượt sông Luộc nối Hải Dương - Thái Bình
Một cầu vượt sông Luộc dự kiến được xây dựng kết nối huyện Thanh Miện, Hải Dương và huyện Quỳnh Phụ, Thái Bình.