TP HCM ngưng nhập heo từ 4 xã bị dịch tả châu Phi của Đồng Nai

Theo quy định, trong vòng 30 ngày, nguồn heo tại các xã có dịch tại Đồng Nai sẽ không được xuất về TP HCM. 4 xã trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đã phát hiện dịch tả heo châu Phi gồm xã Đồi 61, Bình Minh (huyện Trảng Bom) và xã Phước Thiền, Hiệp Thành (huyện Nhơn Trạch).

TP HCM nhập 3.500 con heo mỗi ngày từ Đồng Nai

Trước tình hình dịch tả heo châu Phi xuất hiện tại Đồng Nai, nhiều khả năng sẽ đe dọa TP HCM, ngày 9/5, TP HCM đã tổ chức cuộc họp khẩn để triển khai các biện pháp đối phó với dịch tả heo châu Phi.

Theo báo cáo của Chi cục Thú y và chăn nuôi, đầu tháng 5, UBND huyện Nhơn Trạch và Trảng Bom đã công bố dịch tả heo châu Phi trên địa bàn.

TP HCM ngưng nhập heo từ 4 xã bị dịch tả châu Phi của Đồng Nai - Ảnh 1.

Theo quy định, trong vòng 30 ngày, nguồn heo tại các xã có dịch tại Đồng Nai sẽ không được xuất về TP HCM. (Ảnh minh hoạ: Thanh Niên).

Cụ thể, tại huyện Nhơn Trạch, có 2 hộ nuôi heo nhỏ lẻ tại xã Phước Thiền và Hiệp Thành với số lượng chỉ 26 và 3 con heo bị phát hiện dịch tả châu Phi. Nguyên nhân phát sinh bệnh là do sử dụng thức ăn thừa từ khu công nghiệp không qua nấu chín.

Trong khi đó, tại huyện Trảng Bom, 1 hộ chăn nuôi tại xã Đồi 61 có 268 con heo. Qua điều tra dịch tễ thì hộ này sử dụng tinh heo của 1 hộ thuộc xã Bình Minh cùng huyện.

Kiểm tra hộ chăn nuôi tại xã Bình Minh có 468 con heo có triệu chứng lâm sàng và dương tính với tả heo châu Phi. 

Nguyên nhân được xác định là hộ chăn nuôi này lại nằm liền kề 2 hộ giết mổ heo trái phép, có tiếp nhận và mổ heo bệnh, heo chết trước đó.

"Thủ phủ" heo Đồng Nai hiện có tổng đàn khoảng 2 triệu con, giảm nửa triệu con so với đầu năm nay do thông tin dịch tả heo châu Phi khiến các hộ chăn nuôi và trang trại chủ động giảm đàn.

Ngoài ra, Đồng Nai cũng là nơi cung cấp heo thịt lớn nhất của TP HCM hiện nay. Trung bình mỗi ngày TP HCM nhập khoảng 3.000-3.500 con, chiếm đến 50% lượng heo tiêu thụ tại TP HCM. 

TP HCM ngưng nhập heo từ 4 xã bị dịch tả châu Phi của Đồng Nai - Ảnh 2.

Chuồng trại tại Đồng Nai được tiêu độc khử trùng. (Ảnh: Thanh Niên).

Theo ông Huỳnh Tấn Phát, Chi cục phó Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP HCM, do chênh lệch giá giữa các tỉnh phía Bắc và phía Nam, hàng ngày có khoảng 3.500-4.000 con heo từ các tỉnh phía Bắc vận chuyển ngang qua TP HCM để đưa đến các tỉnh Đồng Bằng Sông Cửu Long giết mổ. Việc này còn tăng nguy cơ lây lan dịch tả heo châu Phi.

Vì vậy, hiện cơ quan chức năng của TP HCM, Đồng Nai và Bình Dương đã khẩn trương thực hiện các biện pháp ứng phó khi địa phương này đã xuất hiện dịch tả heo châu Phi.

Trong 30 ngày, nguồn heo tại 4 xã có dịch ở Đồng Nai không được nhập về TP HCM

Cơ quan chức năng TP HCM hiện đã tổ chức thiết lập thêm các chốt chặn mới hoạt động 24/24 để kiểm tra vận chuyển heo từ các tỉnh bên ngoài vào thành phố. Theo quy định, trong vòng 30 ngày, nguồn heo tại các xã có dịch tại Đồng Nai sẽ không được xuất về TP HCM, các điểm giết mổ cũng bị đình chỉ hoạt động trong thời gian có dịch. 

Ngoài ra, TP HCM và Đồng Nai cũng thống nhất tuyến đường vận chuyển heo về thành phố giết mổ chỉ đi qua 2 quốc lộ 1A và 1K, trình phúc kiểm, tiêu độc khử trùng tại trạm kiểm dịch động vật Thủ Đức và Xuân Hiệp.

TP HCM ngưng nhập heo từ 4 xã bị dịch tả châu Phi của Đồng Nai - Ảnh 3.

TP HCM và Đồng Nai cũng thống nhất tuyến đường vận chuyển heo về thành phố giết mổ chỉ đi qua 2 tuyến quốc lộ 1A và 1K. (Ảnh: Báo Đồng Nai).

Đặc biệt, trừ các trường hợp xuất heo về các tỉnh Tây Nam Bộ nếu chủ hàng có nhu cầu di chuyển tuyến cao tốc Long Thành - Dầu Giây phải đăng kí, ghi rõ tuyến đường vận chuyển trên giấy chứng nhận kiểm dịch

TP HCM hiện có khoảng 3.900 hộ chăn nuôi heo với tổng đàn hơn 274.000 con. Trong đó có 247 hộ chăn nuôi bằng thức ăn thừa từ các quán ăn. Đây được xem là nguồn có nguy cơ cao đối với bệnh tả heo châu Phi.

Phó Chủ tịch UBND TP HCM Lê Thanh Liêm chỉ đạo Chi cục Thú y làm việc với các hộ dân nuôi heo bằng thức ăn thừa chuyển qua nuôi bằng cám công nghiệp. Đặc biệt, không được phép để tình trạng giết mổ trái phép, mua bán sản phẩm gia súc gia cầm trái phép làm tăng nguy cơ lây nhiễm dịch tả heo châu Phi.

TP HCM còn nhiều lò mổ trái phép tại quận 12, Bình Tân, Gò Vấp

Theo bà Phạm Khánh Phong Lan - Trưởng ban Quản lí An toàn thực phẩm TP HCM, hiện các lò giết mổ lớn trên địa bàn như ở Củ Chi, Hóc Môn, Xuyên Á đang thực hiện tốt công tác giết mổ heo đảm bảo nguồn gốc. Tuy nhiên, vẫn không loại trừ những lò mổ trái phép còn hoạt động tại các khu vực quận Bình Tân, Gò Vấp, quận 12.

Bà Lan nói đây là một trong những nguồn có khả năng lây lan dịch tả heo châu Phi lớn, và Ban Quản lí An toàn thực phẩm sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động trong thời gian tới.

Lãnh đạo tỉnh Đồng Nai thông tin dịch tả heo châu Phi xảy ra trên địa bàn huyện Nhơn Trạch và Trảng Bom đã được kiểm soát.

Thời gian qua, các hộ chăn nuôi trên địa bàn, đặc biệt là từ vùng 2 huyện này đang được theo dõi sát sao. Lực lượng thú y vẫn thực hiện đủ các biện pháp chuyên môn. Hiện tại tình hình vẫn đang được khống chế. Tỉnh chưa nhận thêm bất cứ thông tin nào khác từ bà con chăn nuôi ở khu vực phát hiện hiện ổ dịch.

Theo lãnh đạo địa phương, hiện người chăn nuôi cần bình tĩnh theo dõi thông tin từ chính quyền.

chọn
[LIVE] ĐHĐCĐ Fecon: Mục tiêu lãi 2.000 tỷ đến 2029, phát triển loạt bất động sản gần 2 tỷ USD
Định hướng kế hoạch trung hạn giai đoạn 2024 - 2029, Fecon đặt mục tiêu lãi sau thuế 5 năm lần lượt 60 - 144 - 307 - 343 - 508 - 684 tỷ đồng. Doanh nghiệp cũng cho biết đang nghiên cứu phát triển và triển khai đầu tư khoảng 11 dự án bất động sản với tổng giá trị gần 2 tỷ USD.