TP HCM: Nhiều doanh nghiệp dùng địa chỉ 'ma' để buôn lậu

Thời gian vừa qua, các lực lượng chức năng TP HCM đã phát hiện hàng loạt các vụ buôn lậu, gian lận thương mại mà doanh nghiệp đứng tên nhập khẩu hàng hóa đều là doanh nghiệp “ma”, (không hoạt động tại trụ sở đăng kí kinh doanh).
 
doanh nghiep dung dia chi ma de buon lau
Hơn 600 kg ngà voi mới bị các lực lượng chức năng TP HCM phát hiện mà doanh nghiệp đứng tên nhập khẩu là doanh nghiệp "ma". ( Ảnh Hải quan TP HCM cung cấp)

Những địa chỉ “ma”

Chỉ trong tháng 10 và 11/2016 các lực lượng chức năng đã phát hiện đến 6 vụ buôn lậu ngà voi, sừng tê giác và động vật hoang dã với số lượng rất lớn. Điều đang nói là trong 6 vụ buôn lậu thì có đến 4 vụ các cơ quan chức năng phát hiện, doanh nghiệp đều sử dụng địa chỉ “ma”, do các đối tượng núp bóng chỉ thành lập doanh nghiệp trong thời gian ngắn, thuê mướn người lao động không có trình độ, kiến thức làm giám đốc rồi lấy pháp nhân nhập khẩu hàng cấm, hàng lậu, trốn thuế.

Qua kiểm tra thực thế, các cơ quan chức năng phát hiện có những trường hợp khi các lực lượng chức năng phát hiện thì người đại diện pháp luật là xe ôm, thợ xây… không hề biết gì đến việc thành lập doanh nghiệp, nhưng vẫn được cơ quan quản lý cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

Ông Lê Đình Lợi, Cục phó Cục Hải quan TP HCM cho biết: “Trong những vụ buôn lậu bị cơ quan Hải quan và các lực lượng chức năng phát hiện khi điều tra, các doanh nghiệp đứng tên nhận hàng, khi xác minh địa chỉ kinh doanh thì đều không có thật hoặc không hoạt động tại trụ sở đăng kí kinh doanh”.

doanh nghiep dung dia chi ma de buon lau
Một vụ buôn lậu ngà voi khác bị lực lượng chức năng phát hiện, khi mở rộng điều tra đây cũng là doanh nghiệp "ma".

Các doanh nghiệp chỉ đứng tên mở tờ khai hải quan, còn toàn bộ hoạt động khai báo, nhận hàng được thực hiện qua việc thuê các dịch vụ. Trường hợp của Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Diệu Tiên (66/8 đường Tái Thiết, Phường 11, Quận Tân Bình, TP.HCM) nhập lậu trên 2 tấn ngà voi bị phát hiện vào đầu tháng 10/2016. Mặc dù được cấp phép thành lập vào cuối năm 2015, tuy nhiên, tại địa chỉ đăng kí kinh doanh của công ty này lại không có công ty nào tồn tại, mà chỉ là một tiệm bán tạp hóa nhỏ.

Đối với vụ việc ngày 26/10 cơ quan chức năng phát hiện gần 1 tấn ngà voi trong lô hàng quá cảnh đi Campuchia qua cảng Cát Lái (TP HCM) cũng có nhiều dấu hiệu bất thường. Mặc dù hàng cập cảng Cát Lái từ đầu tháng 9/2016. Tuy nhiên, qua gần một tháng mà doanh nghiệp không đến làm thủ tục hải quan, khi phát hiện có ngà voi trong gỗ nhập khẩu, qua xác minh địa chỉ kinh doanh thì cũng không có thực.

Giải pháp nào?

Tại Sở Kế hoạch và Đầu tư TP HCM, một ngày có đến 1.500 hồ sơ xin cấp phép kinh doanh và số lượng doanh nghiệp tăng dần qua từng năm, vì vậy việc quản lý một lượng doanh nghiệp lớn như vậy cũng là một khó khăn cho các cơ quan chức năng.

Cũng theo thống kê của ngành thuế TP HCM số lượng doanh nghiệp siêu nhỏ rất lớn việc đăng ký kinh doanh nhưng không kê khai thuế, làm thất thu thuế cho ngân sách nhà nước cũng là thực trạng đang tồn tại. Nhiều doanh nghiệp cứ nợ đọng thuế là thành lập DN mới, “thay tên đổi chủ”, tìm cách lách luật dẫn đến địa phương không thu được thuế.

doanh nghiep dung dia chi ma de buon lau
Mỗi ngày tại Sở Kế hoạch và đầu tư TP HCM có đến cả 1.000 hồ sơ xin cấp phép kinh doanh. Số lượng doanh nghiệp tăng nhanh làm cho công tác quản lý doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn ( Ảnh minh hoạ).

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư TP HCM, sau khi doanh nghiệp được cấp giấy phép đăng ký kinh doanh, các thông tin về tình trạng doanh nghiệp được đăng công khai trên cổng thông tin quốc gia. Về địa điểm đăng kí hoạt động của doanh nghiệp, theo quy định trước đây, người thành lập doanh nghiệp phải có hợp đồng thuê nhà hoặc có giấy chủ quyền.

Tuy nhiên, từ khi Luật doanh nghiệp mới có hiệu lực, thủ tục thông thoáng hơn vì đã bỏ nhiều quy định ràng buộc, trong đó bỏ quy định về hợp đồng thuê nhà. Trên thực tế, khi tiếp nhận hồ sơ thành lập doanh nghiệp, chuyên viên có thể nghi ngờ về tính chân thực của địa chỉ đăng kí kinh doanh nhưng không được quyền từ chối.

Trong khi các cơ quan chức năng vẫn đang tìm cách quản lý các doanh nghiệp. Đặc biệt là những doanh nghiệp xuất nhập khẩu, thì các đối tượng buôn lậu vẫn tìm mọi cách qua mặt các cơ quan chức năng để buôn lậu và gian lận thương mại, gây nhiều hệ luỵ cho nền kinh tế và an ninh xuất nhập khẩu.

chọn
Ông chủ Keangnam Landmark 72 đang làm ăn ra sao?
Khu phức hợp Keangnam Landmark 72 được AON plc mua lại từ năm 2015. AON là tập đoàn hoạt động chính trong mảng bảo hiểm, tư vấn và quản lý rủi ro, hiện đang niêm yết trên sàn NYSE. Quý II vừa qua, AON ghi nhận doanh thu thuần và lãi ròng lần lượt là 3,76 tỷ USD và 624 triệu USD.