Ngày 14/9, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung TP HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060. Phạm vi ranh giới lập quy hoạch gồm toàn bộ địa giới hành chính TP HCM với diện tích 2.095 km2 và khu vực biển Cần Giờ.
Quy hoạch này nhằm đáp ứng các yêu cầu mới trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội của thành phố; tạo điều kiện khả thi để thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm giải quyết các vấn đề trong phát triển đô thị hiện nay như dân số, nhà ở, hạ tầng, giao thông, môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu,...
Trước đó, vào tháng 1 vừa qua, trong dự thảo nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung TP HCM đến năm 2040, thành phố cũng đã chỉ ra ra nhiều điểm hạn chế trong quy hoạch hiện tại như đất dành cho giao thông còn rất thấp, các đường vành đai chưa đủ khép kín thành phố; các khu đô thị chưa đồng bộ, đất công nghiệp bị thâm dụng, giá trị gia tăng thấp, giá trị thu được chưa tương xứng với nguồn lực đầu tư...
Trong dự thảo, TP HCM cũng xác định những nhu cầu mới trong định hướng phát triển thành phố như xây dựng thành phố thông minh, phát triển khu đô thị tương tác cao phía đông (TP Thủ Đức), Phát triển Khu đô thị du lịch biển Cần Giờ, chuyển 4 huyện ngoại thành thành quận,…
Đối với Phát triển Khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía đông (TP Thủ Đức), TP HCM định hướng chuyển đổi khu vực này trở thành khu vực kinh tế sáng tạo và tương tác cao; các hoạt động kinh tế tập trung vào các lĩnh vực giáo dục đào tạo bậc cao, nghiên cứu và sản xuất công nghệ cao, trung tâm tài chính dịch vụ thương mại, cung ứng các hoạt động kinh tế liên kết vùng TP HCM.
TP Thủ Đức được chính thức thành lập từ ngày 1/1/2021, bao gồm địa bàn ba quận cũ trước đây là quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức; tổng diện tích tự nhiên là 211,56 km2 và quy mô dân số 1.013.795 người.
Đầu tháng 1/2021, TPHCM cũng quyết định phê duyệt Đề án hình thành và phát triển Đô thị sáng tạo, tương tác cao phía đông (TP Thủ Đức) giai đoạn 2020 - 2035.
Từ nay đến năm 2035, Khu đô thị tương tác cao phía đông (TP Thủ Đức) sẽ có ba giai đoạn phát triển.
Trong đó, giai đoạn 1 khởi tạo (2020 - 2022) sẽ lập định hướng khung phát triển và chiến lược, xây dựng cơ chế - tổ chức, xác định nhóm ngành ưu tiên, thiết lập hợp phần 3 Nhà (Nhà nước - Nhà đầu tư - Nhà giáo dục).
Khu đô thị được đầu tư các ngành kinh tế ưu tiên, hoàn thiện cơ chế - tổ chức, chính sách phát triển cho từng khu vực, triển khai kết nối đối ngoại từ giao thông các trục chính của khu vực. Bên cạnh đó, tập trung chính vào các trụ cột kinh tế sáng tạo có sẵn như Khu Công nghệ cao, Khu Đô thị mới Thủ Thiêm, Khu Đại học Quốc gia.
Giai đoạn 2 là giai đoạn triển khai (2023 - 2030), với diện tích phát triển 500 ha. Thu hút dân cư 80.000 người, diện tích khu công nghiệp sáng tạo 150 ha (50.000 việc làm trình độ kỹ sư trở lên).
Giai đoạn 3 là giai đoạn hoàn thiện (2030 - 2040) với chiến lược đầu tư mở rộng đối với tất cả các nhóm ngành kinh tế, đẩy mạnh phát triển đối với nhóm ngành ưu tiên (đã triển khai đầu tư trong giai đoạn 2), xây dựng chính sách lan tỏa phát triển toàn khu vực phía đông thành phố và vùng phụ cận trên địa bàn, triển khai kết nối đối ngoại từ giao thông các trục chính của khu vực.
Diện tích phát triển trong giai đoạn này là là 1.800 ha, thu hút dân cư 200.000 người. Diện tích khu công nghiệp sáng tạo 350 ha (150.000 việc làm trình độ kỹ sư trở lên).
Đối với Khu đô thị du lịch biển Cần Giờ, TP HCM định hướng xác định phát triển khu vực này quy mô 2.870 ha, tại xã Long Hòa và thị trấn Cần Thạnh, huyện Cần Giờ với 7 mục tiêu chính, trong đó có tạo ra quỹ đất đủ lớn, với chức năng đa dạng để tạo động lực phát triển du lịch vùng và thu hút đầu tư; đáp ứng vai trò là khu đô thị hướng biển; xây dựng và củng cố hệ thống hạ tầng kỹ thuật ven biển.
Vào tháng 6/2020, Thủ tướng Chính phủ đã điều chỉnh chủ trương đầu tư mở rộng Dự án Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ. Quy mô dự án được điều chỉnh từ 600 ha lên 2.870 ha.
Sau khi hoàn thành, đây sẽ là khu đô thị du lịch biển, du lịch nghỉ dưỡng, hội thảo, hội nghị, đô thị thông minh, dịch vụ công nghệ cao, nhà ở, dịch vụ, khách sạn....
Theo quyết định trên, tổng vốn đầu tư sau điều chỉnh là 217.054 tỷ đồng, gồm vốn chủ sở hữu 32.558 tỷ đồng và vốn vay thương mại 184.496 tỷ đồng.
Cũng theo dự thảo nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung TP HCM đến năm 2040, việc chuyển 4 huyện ngoại thành gồm Củ Chi, Hóc Môn, Nhà Bè, Bình Chánh thành quận là một trong các nhu cầu mới trong định hướng phát triển của thành phố.
Hồi tháng 3 vừa qua, Sở Nội vụ đã trình lên UBND TP kế hoạch chuẩn bị đề án chuyển đổi một số huyện thành quận (hoặc TP thuộc TP HCM) giai đoạn 2021 - 2030.
Theo đánh giá sơ bộ trong đề án về diện tích, dân số, trình độ phát triển kinh tế - xã hội, cơ sở hạ tầng, huyện Hóc Môn đạt 30/30 tiêu chí; Bình Chánh đạt 26/30; Nhà Bè 23/30; Củ Chi 23/30, riêng huyện Cần Giờ đạt 19/30, chưa đạt 50% dân số theo quy định.
Các huyện này có vị trí cửa ngõ của TP HCM để kết nối với các tỉnh thuộc miền Đông và Tây Nam Bộ, tốc độ đô thị hóa diễn ra nhanh, nhiều khu đô thị, hạ tầng, tuyến cao tốc đã và đang hình thành.
Dự án xây dựng cầu thay thế phà Cát Lái đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận bổ sung vào quy hoạch phát triển giao thông vận tải TP HCM vào năm 2017. Tổng chiều dài cầu và đường dẫn khoảng 4,5 km, mặt cắt ngang đường 60 m, vận tốc thiết kế 80 km/h.
Theo Báo Đồng Nai, đến tháng 8/2019, Thủ tướng giao UBND tỉnh Đồng Nai chủ trì, phối hợp với TP HCM thực hiện dự án.
Công trình sẽ kết nối trực tiếp khu vực TP Thủ Đức với huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai, đồng thời là hạng mục quan trọng trong việc hình thành tuyến kết nối thứ hai giữa cảng hàng không quốc tế Long Thành với TP HCM bên cạnh tuyến cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây.
Theo phương án được lựa chọn, hướng tuyến cụ thể được xác định có điểm đầu giao cắt với đường vành đai 2 tại cầu Kỳ Hà 3 và 4, tuyến đi dọc theo hành lang xanh của rạch Ngọn Ngay và vượt sông Đồng Nai sang huyện Nhơn Trạch.
Sau khi sang phía Đồng Nai, tuyến đi qua khu vực đất nông nghiệp thuộc các xã Phú Hữu và Phú Đông và cắt qua đường tỉnh 25C, kết nối với cao tốc Bến Lức - Long Thành tại điểm cuối dự án.