Theo đó, UBND TP sẽ yêu cầu các cơ quan trực thuộc nghiên cứu các giải pháp để nâng cao chất lượng công tác chuẩn bị đầu tư của dự án, đảm bảo dự án triển khai thuận lợi, giảm thiểu tối đa các vướng mắc, khó khăn và tránh đội vốn do việc triển khai chậm.
Các sở, ngành của TP cần tiếp tục xây dựng các cơ chế, chính sách để huy động tối đa các nguồn vốn, kêu gọi đầu tư để xây dựng các công trình giao thông trọng điểm trên địa bàn TP.
Cụ thể, TP sẽ ưu tiên nguồn vốn ngân sách để đầu tư các dự án mang tính cấp bách trong Đề án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn TP đến năm 2030, trong đó tập trung đầu tư các dự án: khép kín Vành đai 2, Vành đai 3, xây dựng các tuyến đường sắt đô thị (Metro số 1, 2, 3b, 5), đường trên cao số 1 và số 5, các tuyến Quốc lộ theo qui hoạch, các công trình hạ tầng giao thông kết nối khu vực cảng hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất, cảng Cát Lái, cảng Hiệp Phước…, một số nút giao thông trọng điểm và các tuyến cửa ngõ TP.
TP cũng sẽ rà soát cơ chế chính sách, các thủ tục về đất đai liên quan đến công tác bồi thường và giải phóng mặt bằng; điều chỉnh lại các qui hoạch đã ban hành phù hợp với thực tế và đồng bộ với qui hoạch phát triển giao thông vận tải TP đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020.
UBND TP HCM cũng ưu tiên nghiên cứu các cơ chế thu hút vốn, cơ chế quản lí đầu tư để phát triển hoàn thiện hạ tầng giao thông đường bộ; hoàn thiện Đề án tỉ lệ điều tiết các khoản thu phân chia giữa ngân sách Trung ương và ngân sách TP giai đoạn 2021-2030.
Theo UBND TP, hành lang pháp lí đối với việc thực hiện dự án theo hình thức PPP cũng sẽ được hoàn thiện để thu hút vốn đầu tư ngoài ngân sách; xây dựng cơ chế để thu hút nguồn nhân lực có chất lượng cao cho ngành giao thông vận tải của TP; triển khai đồng bộ, hiệu quả các chính sách thu hút chuyên gia, nhà khoa học, nguồn nhân lực chất lượng cao tham gia công tác quản lí, điều hành giao thông vận tải TP...