Trong bối cảnh đó, TP Hồ Chí Minh đang nỗ lực kiến tạo nên các lợi thế mới nhằm khôi phục sức hút, hấp dẫn các nhà đầu tư chiến lược đến hợp tác lâu dài. TTXVN thực hiện chùm 3 bài viết phân tích những xu hướng, thách thức tác động trực tiếp đến thu hút đầu tư vào TP Hồ Chí Minh, đồng thời đề xuất những giải pháp chủ động chuyển hướng phù hợp với bối cảnh và xu hướng đầu tư mới để TP Hồ Chí Minh thu hút các nhà đầu tư chiến lược vào các lĩnh vực có hàm lượng công nghệ, giá trị gia tăng cao.
Bài 1: Đã qua thời hoàng kim?
TP Hồ Chí Minh, vốn được đánh giá là một trong những điểm đến đầu tư hấp dẫn không chỉ ở Việt Nam mà còn của khu vực Đông Nam Á. Những dự án đầu tư trị giá tỷ USD đến từ các tập đoàn hàng đầu thế giới đã tạo động lực và đóng góp rất lớn vào sự phát triển kinh tế - xã hội của TP Hồ Chí Minh trong gần 2 thập kỷ qua. Tuy nhiên, những năm gần đây, dòng vốn FDI đổ vào TP Hồ Chí Minh có xu hướng giảm dần, hầu như vắng bóng các dự án có khả năng tạo ra cú hích mới cho nền kinh tế.
Vắng bóng dự án lớn
TP Hồ Chí Minh là nơi có khu chế xuất đầu tiên của cả nước (Khu chế xuất Tân Thuận) cũng là nơi có mô hình Khu công nghệ cao thành công nhất cả nước khi thu hút được những tập đoàn hàng đầu thế giới đến đặt nhà máy như Intel, Samsung, Nidec…
Trong đó, Intel đã đầu tư gần 1,5 tỷ USD vào nhà máy tại Khu Công nghệ cao TP Hồ Chí Minh, Intel Products Việt Nam trở thành nhà máy lắp ráp và kiểm định lớn nhất trong mạng lưới Intel trên toàn thế giới. Năm 2022 Samsung cũng điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm hơn 841 triệu USD vào Công ty trách nhiệm hữu hạn Điện tử Samsung HCMC CE Complex, nâng lũy kế vốn đầu tư lên hơn 2,841 tỷ USD.
Tuy nhiên, sau giai đoạn hoàng kim đó, chưa có thêm bất cứ dự án lớn nào "cập bến" TP Hồ Chí Minh, thay vào đó các dự án tỷ USD có xu hướng chọn những địa phương khác. Giai đoạn 2017 đến nay, top các dự án lớn nhất hàng năm chủ yếu tập trung tại Thái Nguyên, Bắc Ninh, Nam Định, Hải Phòng, Bà Rịa - Vũng Tàu và Bình Dương…
Hai dự án FDI cấp mới lớn nhất của TP Hồ Chí Minh gần đây là Techtronic Tools (Hồng Kông - Trung Quốc) với quy mô 650 triệu USD và Wanna Explore Travel (Ai Cập) có vốn đầu tư 300 triệu USD đều từ năm 2019.
Theo số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), năm 2019, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài vào TP Hồ Chí Minh đạt hơn 8 tỷ USD. Năm 2020, nguồn vốn đầu tư FDI vào thành phố chỉ đạt gần 4,36 tỷ USD, giảm hơn 47% so với cùng kỳ năm trước nhưng vẫn dẫn đầu cả nước.
Năm 2021, TP Hồ Chí Minh tụt xuống hạng 3 cả nước trong cuộc đua thu hút nguồn vốn ngoại với 3,74 tỷ USD, sau Hải Phòng (5,26 tỷ USD) và Long An (3,84 tỷ USD). Năm 2022, TP Hồ Chí Minh thu hút được hơn 4,33 tỷ USD, lấy lại trị trí dẫn đầu cả nước về thu hút FDI.
Tuy nhiên, những tháng đầu năm 2023, thu hút đầu tư FDI quay lại xu hướng giảm. Theo Cục Thống kê Tp. Hồ Chí Minh, từ ngày 1/1/2023 đến ngày 20/5/2023, TP Hồ Chí Minh thu hút được 1,14 tỷ USD, giảm 13,5% so với cùng kỳ. Trong đó, có 374 dự án cấp mới với vốn đăng ký đạt 199,8 triệu USD, giảm 2,5% về vốn so với cùng kỳ; 121 lượt dự án điều chỉnh vốn đăng ký với số vốn tăng 403,3 triệu USD, giảm 35,3% so với cùng kỳ; 836 trường hợp nhà đầu tư nước ngoài thực hiện góp vốn, mua cổ phần, mua lại phần vốn góp với vốn góp là 541,1 triệu USD, tăng 9,3% so với cùng kỳ.
Lũy kế từ năm 1988 đến nay, trên địa bàn TP Hồ Chí Minh có 11.734 dự án đầu tư nước ngoài còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng vốn đạt hơn 56,71 tỷ USD; 25.126 trường hợp nhà đầu tư nước ngoài thực hiện thủ tục góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của doanh nghiệp trong nước với vốn góp đăng ký tương đương 24,33 tỷ USD. Tính chung giá trị vốn đầu tư nước ngoài cấp mới, vốn đầu tư tăng thêm và góp vốn, mua cổ phần, mua lại phần vốn góp vào thành phố đạt gần 81,04 tỷ USD.
Có thể thấy, mặc dù TP Hồ Chí Minh vẫn đang dẫn đầu cả nước về thu hút FDI nhưng không còn lợi thế nổi bật so với các địa phương khác; giá trị thu được mỗi năm không còn lớn như giai đoạn 2019 trở về trước, chỉ dao động quanh mức 4 tỷ USD/năm. Số dự án đầu tư mới có lúc tăng nhưng quy mô dự án ngày càng nhỏ.
Sức ép cạnh tranh
Ông Nguyễn Tú Anh, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp, Ban Kinh tế Trung ương phân tích: Dòng vốn FDI có xu hướng giảm trên quy mô toàn cầu từ năm 2018 đến nay, bao gồm cả Việt Nam. Ví dụ số liệu vốn FDI vào Trung Quốc giảm rất mạnh từ năm 2020 đến nay, tính chung ở châu Á tình hình cũng tương tự.
Ở chiều ngược lại, dòng vốn này có xu hướng trở lại khu vực châu Mỹ, Liên minh châu Âu (EU). Quy mô nguồn vốn FDI toàn cầu giảm sút và có xu hướng dịch chuyển ra khỏi khu vực châu Á lý giải phần nào thu hút FDI vào Việt Nam nói chung, TP Hồ Chí Minh nói riêng giảm xuống thời gian gần đây, cũng là thách thức cho việc thu hút đầu tư trong thời gian tới.
Theo ông Nguyễn Tú Anh, chuỗi bất lợi sẽ còn tiếp diễn do biến động địa chính trị và chính sách thuế tối thiểu toàn cầu. Thuế tối thiểu toàn cầu là một loại thuế do Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) khởi xướng. Hiện 142/142 quốc gia thành viên; trong đó có Việt Nam đồng thuận. Với loại thuế này, các tập đoàn, công ty lớn có doanh thu từ 750 triệu Euro (800 triệu USD) trở lên sẽ đều phải đóng thuế 15%, dù là ở bất kỳ quốc gia nào; dự kiến áp dụng từ đầu năm 2024 trở đi.
Trong khi trước đó, để thu hút các nhà đầu tư FDI, Việt Nam đang ưu đãi cho các tập đoàn lớn mức thuế thấp hơn 15%. Nếu giữ ưu đãi đó thì doanh nghiệp bị đánh thuế bù ở chính quốc, khiến ưu đãi mất tác dụng, còn nếu áp dựng mức thuế tối thiểu toàn cầu thì cần phải có đối sách để vừa tham gia luật chơi mới vừa giữ chân được các nhà đầu tư.
Không chỉ chịu áp lực cạnh tranh với các quốc gia, khu vực khác, Tp. Hồ Chí Minh đang phải cạnh tranh với các địa phương khác trong cuộc đua thu hút nguồn vốn FDI. Ông Nguyễn Phúc, Luật sư chuyên hướng dẫn đầu tư của Công ty luật HM&P cho rằng: Những lợi thế nổi bật của TP Hồ Chí Minh trước đây đang mất dần. Nếu nhiều năm trước, các nhà đầu tư nước ngoài đến Việt Nam đều ưu tiên rót vốn vào TP Hồ Chí Minh thì những năm gần đây họ có xu hướng dịch chuyển ra các tỉnh phía Bắc nhiều hơn. Kể cả những nhà đầu tư hướng đến khu vực phía Nam cũng cân nhắc giữa việc chọn Tp. Hồ Chí Minh hoặc các tỉnh lân cận như Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa -Vũng Tàu…
Theo ông Nguyễn Phúc, sở dĩ có sự dịch chuyển này là do các kênh thông tin đầu tư của TP Hồ Chí Minh còn thiếu và khó tiếp cận, trong khi các địa phương khác ngày càng năng động và tích cực hỗ trợ doanh nghiệp triển khai thủ tục đầu tư hơn. Dẫn chứng là chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của TP Hồ Chí Minh nhiều năm nay không lọt top 10; thậm chí, năm 2022 giảm tới 13 bậc, xuống vị trí thứ 27/63 tỉnh, thành.
TP Hồ Chí Minh cũng gặp bất lợi khi so sánh với các địa phương khác về các yếu tố phát triển bền vững. Các tập đoàn lớn ngày càng đề cao các tiêu chí bền vững về môi trường, xã hội và quản trị (ESG) khi lựa chọn nơi đầu tư. Trong khi đó, TP Hồ Chí Minh chỉ xếp thứ 49/63 tỉnh, thành cả nước về "Chỉ số xanh" theo bảng đánh giá địa phương thân thiện với môi trường (PGI) do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam công bố mới đây...