TP. Hồ Chí Minh xin cơ chế đặc thù cho giáo dục là vô lý!

Theo chuyên gia, TP.HCM xin cơ chế đặc thù cho giáo dục là vô lý và đừng nên đòi hỏi đặc cách.

TP.HCM sẽ xây dựng bộ sách giáo khoa riêng phù hợp với thực tiễn của thành phố, đó là phát biểu của lãnh đạo sở GD&ĐT TP.HCM tại hội nghị tổng kết năm học 2016-2017 và triển khai nhiệm vụ năm học 2017-2018. Ngay lập tức, vấn đề này đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận.

TS.Lê Viết Khuyến, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT), Trưởng ban hỗ trợ chất lượng giáo dục đại học (Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam) đã có những quan điểm thẳng thắn về kiến nghị này của ngành giáo dục TP.HCM.

tp ho chi minh xin co che dac thu cho giao duc la vo ly
TS.Lê Viết Khuyến, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT)

TS.Lê Viết Khuyến cho biết: “Một khuynh hướng chung của nhiều nước trên thế giới là bộ GD&ĐT tập trung ban hành chương trình giáo dục phổ thông chuẩn, còn việc biên soạn sách giáo khoa là của các tác giả viết sách. Tất nhiên việc biên soạn đó xong phải qua một Hội đồng thẩm định Quốc gia và nếu khi được công nhận thì các tỉnh, các trường đều có quyền dùng bộ sách này. Còn nếu không qua thẩm định, tức là bộ sách đó chưa đạt chuẩn thì người viết sách sẽ mất công không mà thôi. Khuynh hướng chung của thể giới cũng là như vậy.

Theo tôi được biết một số ĐBQH có phát biểu tại QH tinh thần như vậy tuy nhiên Luật Giáo dục vẫn chưa được thay đổi. Chúng ta phải sống và làm việc theo pháp luật. Và cho đến thời điểm này, theo luật, hiện tại chỉ có một chương trình giáo dục phổ thông và một bộ sách giáo khoa do Bộ GD&ĐT chủ trì biên soạn để sử dụng trong các cơ sở giáo dục.

Chính vì thế kiến nghị của TP.HCM và kể cả nếu Chính phủ có cho phép TP.HCM có cơ chế đặc thù, tôi cho là không hay lắm”.

TS.Khuyến nhấn mạnh: “Theo tôi, chúng ta nên theo xu hướng sửa Luật Giáo dục. Chúng ta phải sửa quy định liên quan đến vấn đề sách giáo khoa. Lúc đó, TP.HCM không phải xin xỏ để có một cơ chế đặc thù riêng như hiện nay. Và không riêng TP.HCM mà khi đó tỉnh thành nào cũng có thể có một bộ sách giáo khoa của riêng địa phương, trường mình”.

Phân tích thêm, TS.Khuyến cho rằng: “Nếu sửa đổi theo xu hướng trên thì nhà xuất bản của Bộ GD&ĐT nên bỏ tiền ra đầu tư để làm ra những bộ sách giáo khoa như vậy. Một khi bộ sách khoa đó được thẩm định, đạt chất lượng và được công bố rộng rãi, các trường sử dụng bộ sách nào là quyền của các trường, các tỉnh. Theo tôi như vậy hay hơn hiện nay là Nhà nước bỏ tiền ngân sách bao cấp việc viết sách giáo khoa. Nhà xuất bản giáo dục bán được sách và hưởng lợi nhuận phát hành như vậy không công bằng với những người bỏ tiền ra để viết sách”.

Không tán thành việc TP.HCM xin cơ chế đặc thù về giáo dục, TS.Khuyến nói: “Tại sao cứ đi xin xỏ cho riêng TP mình làm gì? Thay vào đó, các địa phương nên kiến nghị sửa đổi điểm chưa phù hợp trong luật hiện nay”.

Trước lý giải của lãnh đạo Sở GD&ĐT TP.HCM là “việc xin cơ chế đặc thù” về giáo dục là để “giáo dục thành phố tiếp cận với các nền giáo dục tiên tiến khu vực và thế giới”, TS.Khuyến lại không đồng tính với điều này. “TP.HCM phải bình đẳng với các tỉnh, thành phố khác trên cả nước. Nếu tất cả địa phương đồng loạt xin cơ chế đặc thù cho giáo dục như TP.HCM thì lúc đó chúng ta sẽ xử trí ra sao?. Tôi cho rằng, mấu chốt là phải sửa Luật Giáo dục, đến khi đó, tỉnh nào không có khả năng tìm người viết sách thì phải sử dụng bộ sách mà Bộ GD&ĐT đã công bố, đã được Hội đồng thẩm định”.

TS.Khuyến chia sẻ thêm: “Tôi nhớ giáo dục ĐH thời bao cấp, các sách giáo khoa bao giờ cũng ghi “sách này đã được Bộ Giáo dục chấp nhận”. Các trường sẽ tự quyết việc dùng sách một môn học nào đó là dùng sách này hay sách kia.

Tôi cho rằng, TP.HCM xin cơ chế đặc thù là mâu thuẫn giữa sự tự chủ của các trường và tính hệ thống trong ngành giáo dục. Bộ GD&ĐT, các tỉnh đang lấn cấn trong việc tạo ra tính đột phá trong cải cách giáo dục. Luật Giáo dục đang quy định cả nước chỉ có một bộ sách giáo khoa, tôi cho rằng địa phương đừng nên đòi hỏi đặc cách. Đó là điều vô lý. Thay vào đó, các địa phương hãy góp ý để sửa Luật để tất cả đều được hưởng quyền đó”.

tp ho chi minh xin co che dac thu cho giao duc la vo ly 'Cẩm nang' của bà mẹ hai con du học Vương quốc Anh

Hiện đang du học tại Vương quốc Anh, chị Nguyễn Quỳnh Trang đã tích lũy nhiều kinh nghiệm và muốn chia sẻ cẩm nang ấy ...

chọn
TP HCM chốt phương án điều chỉnh quy hoạch chung
Theo Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060 vừa được thông qua, thành phố dự kiến hình thành và phát triển thành 5 phân vùng.