Trà chanh Sài Gòn: ‘Vội đến vội đi’

Đã từng là một hiện tượng, một “cơn sốt” ở Sài Gòn, nhưng rồi lại nhanh chóng “lụi tàn”. Những quán vỉa hè ở Sài Gòn giờ ít thấy bóng dáng của trà chanh. Người Sài Gòn lại quay về thói quen thường lệ của họ, nhâm nhi, tán gẫu với bạn bè bên những ly cà phê sữa đá và sinh tố giải khát.
tra chanh sai gon voi den voi di
Năm 2012, trà chanh du nhập vào Sài Gòn. Ảnh: Báo mới.

Nhắc tới trà chanh là nhắc tới Hà Nội. Người Hà Nội yêu trà chanh đến mức phải gán cho trà chanh cùng với cụm từ “chém gió”. Nghĩa là cứ có ly trà chanh trên bàn, là có thể ngồi cùng nhau hàn huyên tâm sự đủ chuyện trên trời dưới biển. Người già có “miếng trầu là đầu câu chuyện” thì giới trẻ ngày nay coi trà xanh như chất xúc tác, đưa đẩy của câu chuyện.

Năm 2012, trà chanh du nhập vào Sài Gòn. Nhanh chóng sau đó, rất nhiều hàng quán bán thức uống này được mở ra. Một số “phố trà chanh” phải kể đến như Võ Văn Kiệt, Lê Thị Riêng, Phạm Ngọc Thạch, Nguyễn Du, Nguyễn Trãi, Trần Quang Khải (quận 1) ở khu trung tâm, ở những khu vực xa hơn thì có Nguyễn Thái Sơn, Quang Trung (quận Gò Vấp), Nơ Trang Long, Xô Viết Nghệ Tĩnh, Phạm Văn Đồng (quận Bình Thạnh), Kha Vạn Cân (quận Thủ Đức).

tra chanh sai gon voi den voi di
Thời điểm trà chanh tạo nên "cơn sốt" ở Sài Gòn, rất nhiều hàng quán kinh doanh đồ uống này mọc ra. Ảnh: ZIng.

Chỉ cần chiếc xe đẩy hoặc một chiếc bàn để chế biến cùng vài bộ bàn ghế nhựa là có thể thành quán trà xanh thu hút nhiều bạn trẻ. Nguyên liệu để pha trà chanh gồm có đường, nước, lá bạc hà, trà trắng túi lọc, chanh, nước khoáng. Người uống ngồi ngay trên vỉa hè, dưới ánh đèn đường cao áp và cứ thế mà thưởng thức trà chanh. Có lẽ chính sự giản đơn, đời thường khiến trà chanh dễ dàng được tiếp nhận và trở thành “cơn lốc” càn quét Sài Gòn.

tra chanh sai gon voi den voi di
Nhiều quán trà chanh đã từng làm ăn khấm khá, nhưng đến cuối năm 2014, khách cứ thưa dần. Ảnh: Zing.

Một số chủ quán trà chanh cho biết mô hình kinh doanh này dễ làm, vào thời điểm trà chanh còn gây sốt rất nhiều hàng quán làm ăn khấm khá, khách ra vào nườm nượp. Nhưng đến cuối năm 2014, không hiểu vì lý do gì mà khách cứ thưa dần.

Hiện tại ở Sài Gòn còn rất ít quán trà chanh “chém gió” tồn tại. Trà chanh “chém gió” gần như đã mất hút và bị lãng quên. Người Sài Gòn chắc hẳn chỉ nhớ đến nó như một thứ dĩ vãng, lâu lắm mới nhắc lại một lần.

Trà chanh “chém gió” lụi tàn – vì đâu nên nỗi?

Theo chia sẻ của một số chủ quán, trà chanh giờ không ai còn ưa chuộng nữa. Chủ quán có khi phải bỏ thêm một số loại trái cây thì mới bán được. Có thể thấy Sài Gòn là nơi dễ kinh doanh, nhưng để tồn tại được lâu dài thì không phải là dễ. Trà chanh không phải là trường hợp điển hình đầu tiên. Trước đó cũng có rất nhiều món ăn, đồ uống từng “gây sốt” nhưng sau đó cũng dần bị lãng quên.

tra chanh sai gon voi den voi di
Vấn đề an toàn thực phẩm là nguyên nhân chính khiến trà chanh không còn được người Sài Gòn ưa chuộng nữa. Ảnh: Báo mới.

Có nhiều nguyên nhân lý giải hiện tượng này như an toàn thực phẩm không đảm bảo, đồ uống kém dinh dưỡng, do xu hướng đám đông, do trào lưu của giới trẻ. Trong đó nguyên nhân chủ yếu khiến trà chanh hết thời là do vấn đề an toàn thực phẩm. Hàng loạt thông tin phanh phui sự thật về trà chanh như trà chanh pha bằng hóa chất, trà chanh giả khiến dư luận bức xúc và hoang mang. Rất nhiều người từng là “tín đồ” của trà chanh cũng đành từ bỏ sở thích uống đồ uống này.

Một số nguyên nhân phụ khác cũng được nêu ra như thời tiết Sài Gòn nắng mưa thất thường, không như ở Hà Nội nên ảnh hưởng đến thú vui ngồi trà chanh vỉa hè. Một số người có kinh nghiệm trong kinh doanh thì cho rằng sự “tàn lụi” của trà chanh là do nó không có sự thay đổi, biến tấu trong cách chế biến để chiều lòng khách hàng. Trà chanh từ lâu vẫn giữ nguyên công thức chế biến, bởi thế chỉ nở rộ được 1-2 năm rồi biến mất là điều dễ hiểu.

Anh Đào

Tổng hợp

chọn
Một doanh nghiệp dự chi gần 18.000 tỷ xây loạt cao ốc 25-40 tầng ven biển Bình Sơn - Ninh Chữ
Khu đô thị biển Bình Sơn - Ninh Chữ (khu K2) do Hacom Holdings làm chủ đầu tư vừa qua đã được điều chỉnh tổng vốn thành 17.779 tỷ đồng, tiến độ thực hiện từ quý III/2024 - quý I/2029.