Trà Vinh kêu gọi nhiều dự án đầu tư

Trong khu kinh tế Định An, tỉnh kêu gọi 7 dự án đầu tư gồm: dự án hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp Ngũ Lạc, quy mô khoảng 936 ha, tổng vốn dự kiến đầu tư 5.600 tỷ đồng.
Trà Vinh kêu gọi nhiều dự án đầu tư - Ảnh 1.

Vườn dưa lưới trồng trong nhà màng của ông Diệp Huỳnh Khôn. (Ảnh: Thanh Hòa - TTXVN)

Ngày 14/3, tại buổi gặp mặt với doanh nghiệp do UBND tỉnh Trà Vinh tổ chức, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Trà Vinh Hồng Ngọc Hưng cho biết, tỉnh Trà Vinh đang kêu gọi nhiều dự án đầu tư.

 Cụ thể, trong khu kinh tế Định An, tỉnh kêu gọi 7 dự án đầu tư gồm: dự án hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp Ngũ Lạc, quy mô khoảng 936 ha, tổng vốn dự kiến đầu tư 5.600 tỷ đồng; dự án hạ tầng kỹ thuật khu kho ngoại quan (logistic), quy mô 101 ha, tổng vốn dự kiến đầu tư 600 tỷ đồng; dự án xây dựng nhà máy đóng, sửa tàu thuyền và sản xuất gia công cơ khí, quy mô 70.000 tấn/năm, tổng vốn dự kiến đầu tư 600 tỷ đồng; dự án hạ tầng kỹ thuật khu phi thuế quan, quy mô 501 ha, tổng vốn dự kiến đầu tư 3.000 tỷ đồng…

 Ở lĩnh vực du lịch, tỉnh kêu gọi 3 dự án: khu du lịch khoáng nóng Duyên Hải, quy mô 30 ha, tổng vốn dự kiến đầu tư 600 tỷ tại phường 1, thị xã Duyên Hải; dự án khu du lịch sinh thái biển Ba Động, xã Trường Long Hòa, thị xã Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh, quy mô 368 ha, tổng vốn dự kiến đầu tư 1.340 tỷ đồng và khu du lịch sinh thái Tân Quy (xã An Phú Tân, huyện Cầu Kè quy mô: 50 ha, tổng vốn dự kiến đầu tư 200 tỷ đồng. 

Lĩnh vực công nghiệp, tỉnh kêu gọi 2 dự án: xây dựng nhà máy chế biến trái cây tại huyện Cầu Kè và Càng Long, quy mô: 30.000 - 40.000 tấn/năm, 170 tỷ đồng; dự án nhà máy chế biến sản phẩm từ cây dừa (cơm dừa, vỏ trái dừa, gáo dừa,…) tại các huyện Càng Long, Tiểu Cần, Châu Thành, quy mô: 100.000 tấn/năm, 100 tỷ đồng.

Đối với lĩnh vực nông nghiệp, tỉnh kêu gọi đầu tư 3 dự án, gồm: dự án nông nghiệp sinh thái công nghệ cao, địa điểm tại huyện Tiểu Cần, quy mô 50 ha; dự án đầu tư nuôi tôm nước lợ thâm canh mật độ cao, tại huyện: Cầu Ngang và Duyên Hải và Dự án hợp tác, liên kết sản xuất và tiêu thụ đậu phộng, tại huyện Cầu Ngang và thị xã Duyên Hải…

 Để thu hút đầu tư, tỉnh thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp về thuế, tiền thuê đất; bồi thường, giải phóng mặt bằng; lãi suất vay vốn… Tùy theo địa bàn, tỉnh áp dụng mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp thấp hơn mức thông thường có thời hạn hoặc toàn bộ thời gian thực hiện dự án đầu tư; miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản cố định; nguyên liệu, vật tư, linh kiện để thực hiện dự án đầu tư; đồng thời, miễn, giảm tiền thuê đất, tiền sử dụng đất, thuế sử dụng đất, lãi suất vay vốn theo các chính sách của Trung ương  và địa phương.

 Tỉnh Trà Vinh hiện có gần 3.000 doanh nghiệp đang hoạt động với tổng vốn đầu tư 41.512 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho gần 100.000 lao động; trong đó, doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm gần 99%.

Phát biểu tại buổi họp mặt, Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh Lê Văn Hẳn chia sẻ những khó khăn với doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất kinh doanh do ảnh hưởng đại dịch Covid-19; đồng thời, khẳng định những đóng góp tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội địa phương của cộng động doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh thời gian qua, góp phần quan trọng vào việc duy trì tốc độ tăng trưởng và ổn định kinh tế của tỉnh, giải quyết việc làm, nâng cao đời sống người dân, và giảm nghèo.

 Năm 2020, tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt 3,32%; tổng thu ngân sách trên 15.000 tỷ đồng, đạt 138% dự toán, tăng 7,1% so với cùng kỳ; thu nhập bình quân đầu người trên 63 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,67%...

Chủ tịch Lê Văn Hẳn mong muốn thời gian tới, doanh nghiệp, hợp tác xã, các hộ kinh doanh trong tiếp tục nỗ lực khắc phục khó khăn, vượt qua thử thách để nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa, dịch vụ do mình cung ứng. Các doanh nghiệp, hợp tác xã cần đẩy mạnh tái cơ cấu, tổ chức lại sản xuất kinh doanh, tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến, nâng cao năng lực quản trị, năng suất, chất lượng, khả năng cạnh tranh.

 "Đối với các hộ kinh doanh đủ điều kiện phát triển lên doanh nghiệp cần mạnh dạn đầu tư, chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng để được tư vấn hỗ trợ, tạo điều kiện phát triển lên doanh nghiệp.", Chủ tịch Lê Văn Hẳn nhấn mạnh.

Cùng với đó, UBND tỉnh sẽ luôn đồng hành cùng doanh nghiệp, tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách liên quan đến doanh nghiệp, hợp tác xã kịp thời, phù hợp nhằm phát triển doanh nghiệp, hợp tác xã; tạo điều kiện để doanh nghiệp, hợp tác xã thực hiện tái cơ cấu, nâng cao khả năng cạnh tranh, đủ sức hội nhập kinh tế quốc tế; triển khai thực hiện đồng bộ các hoạt động hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, hợp tác xã, tạo mối liên kết giữa hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ và doanh nghiệp lớn cùng phát triển bền vững; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; giải quyết các kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp, để doanh nghịêp vượt qua khó khăn thách thức, nhất là trong thời kì hội nhập và  dịch bệnh Covid-19 hiện nay.

chọn
Công ty con Kinh Bắc tăng vốn gấp rưỡi trước thềm xây khu công nghiệp 466 ha ở Long An
Sài Gòn Tây Bắc (SCD) - công ty con của Kinh Bắc sắp xây dựng KCN Lộc Giang gần 5.200 tỷ tại Đức Hòa, Long An. Vừa qua, doanh nghiệp này đã thực hiện tăng vốn điều lệ từ 750 tỷ đồng lên 1.181 tỷ đồng.