Trước đó, hồi tháng 3, khi tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Mỹ yêu cầu nhân viên bản xứ phải quay về nước, trong đó có nhân viên của Cơ quan kiểm dịch động thực vật Mỹ (APHIS).
APHIS là đơn vị trực tiếp kiểm dịch, giám sát qui trình chiếu xạ Nhà máy chiếu xạ Sơn Sơn ở TP HCM. Đây cũng là nhà máy chiếu xạ duy nhất của Việt Nam được APHIS chứng nhận.
Sau khi nhân viên của APHIS về nước, đại sứ Mỹ tại Việt Nam được ủy quyền theo dõi việc chiếu xạ nhưng mỗi ngày chỉ làm việc 2 tiếng.
Tuy nhiên, do việc này cũng không phải chuyên môn của đại sứ Mỹ nên từ ngày 7/8, họ không tiếp nhận việc kiểm dịch. Kể từ đó việc chiếu xạ bị ngưng trệ và xuất khẩu trái cây sang Mỹ bị chững lại. Bởi lẽ, nếu trái cây không được chiếu xạ, đồng nghĩa "tấm vé" sang Mỹ cũng sẽ không được cấp.
Trao đổi với người viết, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư kí Hiệp hội Rau Quả Việt Nam cho biết Cục Bảo vệ thực vật có danh sách chuyên gia bên Mỹ, khi nào có máy bay, họ sẽ sang Việt Nam để thực hiện chiếu xạ. Thế nhưng, thời gian cụ thể bao giờ họ sang thì vẫn chưa rõ.
“Thôi tôi được biết, nhiều khi những chuyên gia này không muốn đi chung máy bay “giải cứu”. Họ sợ đi nhiễm bệnh. Nhưng nếu việc ách tách kéo dài sẽ ảnh hưởng tới doanh nghiệp xuất khẩu, không chỉ trái cây mà còn cả hàng thủy hải sản”, ông Nguyên nói.
Đại diện Hiệp hội Rau Quả Việt Nam đề xuất bên phía Mỹ ủy quyền cho Cục Bảo vệ Thực vật Việt Nam kiểm tra, theo dõi quá trình chiếu xạ.
Hoặc phương án hai là bố trí chuyên cơ riêng để đưa chuyên gia Mỹ sang Việt Nam kết hợp với chở với vận chuyển hàng hóa hai chiều nhằm tối ưu chi phí.
“Lấy tiền cước vận chuyển hàng để bù vào chi phí thuê chuyên cơ. Còn thiếu bao nhiêu nhà máy chiếu xạ Sơn Sơn bù vào.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp nông sản khi chiếu xạ sẽ trả thêm phụ phí chuyên gia để hỗ trợ chi phí thuê chuyên cơ riêng. Làm như vậy mới nhanh chứ đợi chừng nào chuyên gia phía Mỹ đồng ý đi chung máy bay giải cứ thì chắc lâu”, ông Nguyên nói.
Theo ông Nguyên, việc ngưng trệ này gây thiệt hại lớn cho các nhà xuất khẩu, đặc biệt là các doanh nghiệp đã kí hợp đồng bao tiêu cho nông dân.
“Những doanh nghiệp đã kí hợp đồng bao tiêu cho nông dân sẽ bị lỗ. Bởi, nếu họ không xuất được thì vẫn phải trả tiền cho nông dân. Bên cạnh đó, việc tìm kiếm thị trường mới lúc này cũng không dễ trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn còn phức tạp.
Còn đối với những nông dân nào chưa được bao tiêu thì bán nội địa cũng sẽ lỗ vì chi phí trồng trái cây theo tiêu chuẩn Mỹ yêu cầu rất lớn trong khi giá bán trong nước lại rẻ”, Tổng Thư kí Hiệp hội Rau Quả Việt Nam cho biết.
Chia sẻ với chúng tôi, bà Ngô Tường Vy, Phó Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu cho biết các đơn hàng giao cho khách đang bị ngưng lại, rất khó giải quyết vấn đề thu mua nguyên liệu cho người nông dân. Hàng trái cây tươi xuất sang Mỹ bị đóng rất nhiều.
“Chúng tôi chỉ biết chờ đợi phía Mỹ bố trí người qua để khâu chiếu xạ vận hành trở lại chứ chúng tôi không thể can thiệp gì được. Hi vọng Cục Bảo Vệ Thực vật thời gian tới có những đàm phán với Mỹ để bố trí người kiểm dịch tại Việt Nam”, bà Vy nói.
Nói về những áp lực hiện tại, đại diện Chánh Thu cho biết hiện công ty đang chịu sức ép lớn từ nông dân bởi họ gặp khó khăn về đầu ra. Đơn hàng cũng chậm hơn.
"Hiện tại việc ách tắc mới kéo dài hai tuần nên thách thức chưa lớn lắm. Tuy nhiên nếu tình trạng này kéo dài, khách hàng sẽ thiếu hụt hàng bên công ty chúng tôi quá lâu, có thể sẽ chuyển sang mua từ những đối tác khác. Như vậy, rủi ro mất khách hàng là rất lớn", bà Thu nói.